09/11/2008 08:53 GMT+7

Cuối năm, trộm cắp "vào mùa"!

PHẠM MINH ĐỨC
PHẠM MINH ĐỨC

TT - Những tháng cuối năm, tội phạm lừa đảo, trộm cắp “vào mùa” hoạt động mạnh. Thủ đoạn của chúng ngày càng tinh vi và liều lĩnh.

PvnTnwW6.jpgPhóng to
Băng trộm cướp do Lưu Hoàng Phương (bìa trái) cầm đầu bị Công an Q.Gò Vấp bắt ngày 26-10 - Ảnh: Minh Đức

Theo số liệu của Công an TP.HCM, trong năm tháng gần đây trung bình mỗi ngày có ít nhất 20 vụ phạm pháp hình sự được ghi nhận trên địa bàn TP. Trong đó, 43% số vụ là trộm cắp.

Trộm cắp hiện nay có nhiều biến dạng, từ “đập hộp” (từ lóng của dân trộm gọi việc cắt khóa, trèo tường, khoét vách đột nhập vào nhà dân để trộm) đến lừa đảo, lấy tài sản công khai giữa thanh thiên bạch nhật. Tình trạng “đua nóng” (trộm cắp xe gắn máy ngoài đường, bãi giữ xe) cũng diễn ra như cơm bữa. Có những trường hợp trộm nhưng cách thức và thủ đoạn gần như... cướp.

“Rước” trộm vào nhà

Chỉ trong thời gian ngắn, tại Q.Gò Vấp liên tục xảy ra các vụ lừa đảo, vào nhà rinh tài sản của gia chủ một cách công khai.

Một ngày giữa tháng bảy, anh N.V.H. ở đường Nguyễn Oanh (P.17, Q.Gò Vấp) đi vắng, ở nhà chỉ còn cô giúp việc và mẹ già. Buổi trưa, một thanh niên tới nhà chơi, tự giới thiệu là bạn thân của anh H. nên được người nhà mời vào nhà tiếp chuyện.

Người này lấy điện thoại “gọi” cho anh H., thăm hỏi thân mật, hẹn ở nhà chờ về ăn cơm. Gọi xong anh ta quay qua nói với bà mẹ rằng anh H. đang bận, nhờ bà ở nhà nấu cơm cùng ăn.

Nhìn anh thanh niên ăn mặc lịch sự, nói năng nhỏ nhẹ lại “vừa điện thoại cho con mình”, bà cụ đồng ý để anh ta chở đi chợ. Đưa bà cụ tới chợ, anh ta liền quay về gặp cô giúp việc. Như người trong nhà, anh ta nói anh H. vừa điện thoại nói két sắt bị hỏng, nhờ mang đi... sửa hộ. Mang két sắt ra khỏi nhà, cả người và két đều “bốc hơi”, tới khi anh H. về mới tá hỏa đi báo công an. Tài sản trong két gồm ba sổ tiết kiệm trị giá 500 triệu đồng, giấy chứng nhận sở hữu cổ phần trị giá 350 triệu đồng, đôla và nữ trang khác tổng trị giá gần 100.000 USD.

Trước đó, một vụ tương tự cũng xảy ra tại phường này, trên đường Lê Đức Thọ. Cùng thủ đoạn “bạn thân” của chủ nhà đi vắng, một thanh niên đã “diễn trò” để người giúp việc đi mua đồ ăn, cùng lúc đó anh ta cạy tủ, lấy đi các vật có giá trị tổng cộng khoảng 200 triệu đồng. Còn các chiêu đóng giả thợ sửa chữa bếp gas, điện nước hay vật dụng trong nhà rồi yêu cầu người nhà đi mua đồ thay thế, tranh thủ thời gian đó “dọn” nhà rất thường xuyên xảy ra, cho tới nay chưa đối tượng nào bị bắt.

Anh Tâm, nhà ở Bình Thạnh, thuê một người giúp việc từ trung tâm giới thiệu việc làm; trung tâm này hứa như đinh đóng cột về lai lịch và nhân thân “trong sáng” của người họ giới thiệu. Về làm việc được ít ngày, tranh thủ khi gia đình anh đi vắng, người giúp việc đã “biến mất” cùng những gì đáng giá trong nhà. Anh Tâm quay lại trung tâm hỏi về lai lịch của người mình thuê thì nhận được câu trả lời lạnh lùng: không biết, không chịu trách nhiệm!

Muôn hình vạn trạng trộm

Khu biệt thự thuộc các phường Thảo Điền, An Phú, Q.2 cũng là một trong các “điểm nóng” về trộm cắp. Trung tá Phạm Duy Xô, đội trưởng đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an Q.2, cho biết hầu hết vụ trộm được ghi nhận tại các khu biệt thự của Q.2 đều xác định trộm đột nhập từ cửa sổ, cửa thông gió ở nhà tắm lầu 1 hoặc từ sân thượng xuống. Nhiều trường hợp chủ quan, không khóa cửa bị trộm như một gia đình người Pháp ở P.Bình An: vợ ở trên lầu không khóa cửa dưới nhà, nghe tiếng mở cửa tưởng chồng về nên không kiểm tra. Lát sau thấy lạ vì chồng không lên lầu, cô xuống kiểm tra phát hiện mất hai máy tính xách tay trị giá gần 6.000 USD và 500.000 đồng.

Hai năm trước, Q.2 cũng là địa bàn mà các tay “thủy tặc” hoành hành. Chúng đi ghe, xuồng dọc bờ sông, có “trinh sát” trên bờ thông báo hoặc “đi tuần” phát hiện biệt thự nào vắng chủ hay sơ hở là cạy cửa vào “dọn nhà” chất lên ghe, xuồng dông mất hút.

Không chỉ “viếng thăm” những căn nhà không có người ngủ qua đêm mà trộm còn đột nhập vào nhà lúc chủ nhân đang say ngủ. Trường hợp mất trộm tại nhà nghệ sĩ Tấn Beo trên đường Nguyễn Duy, P.9, Q.8 đầu tháng 8-2008 là một ví dụ. Lợi dụng lúc cả nhà ngủ say, kẻ trộm từ dưới sông trèo lên cắt lưới sắt mở chốt cửa rào đột nhập, sau đó chúng đục phá các ô bông gió nhà bếp chui vô trộm nhiều vật dụng có giá trị. Nghệ sĩ Tấn Beo cho biết trước đó đã từng bị trộm đột nhập một lần với thủ đoạn tương tự. “Tại khu vực này, nhiều trường hợp khác cũng bị nhóm người đi xuồng, lợi dụng nước lên đào đất từ dưới sông chui lên thực hiện hành vi trộm cắp nhưng đến nay lực lượng công an vẫn chưa tìm ra hung thủ” - nghệ sĩ Tấn Beo nói.

Khu vực P.16, Q.Gò Vấp vài năm trước liên tục bị trộm đột nhập từ... dưới đất. Lợi dụng các khu nhà chưa xây dựng kín, trộm đào từ khu đất trống cạnh nhà chui lên trộm, thậm chí còn trộm liên hoàn từ nhà này “độn thổ” qua nhà khác.

Xe máy dễ bị lấy

Nhức nhối nhất hiện nay là trộm cắp xe máy. Nếu gần 50% số vụ phạm pháp hình sự là trộm, thì 2/3 số vụ trộm được ghi nhận là trộm xe gắn máy. Từ “đập hộp” lấy một xe, nay các băng trộm liều lĩnh “đập hộp” liên hoàn, lấy một chiếc, đi cầm hoặc gửi tại bãi giữ xe, rồi quay lại lấy lần hai; trộm nhiều nhà trong một khu vực cùng thời gian. Chuyện mất 2-5 xe trong nhà cùng lúc không hiếm xảy ra tại TP.HCM.

“Đua nóng” còn kinh khủng hơn, chủ xe chỉ lơ là chút thôi là chiếc xe đã “theo bóng giang hồ” mất hút ngay. Một đêm đầu tháng chín, ký túc xá Trường đại học Sư phạm TP.HCM (P.5, Q.11) bị kẻ gian đột nhập lấy chín xe gắn máy, tới nay chưa bắt được hung thủ. Một vụ khác tại Q.Gò Vấp, người dân gửi xe Honda SH trong bãi giữ xe của UBND quận cũng bị trộm “xơi tái”, bỏ lại một chiếc xe khác cũ kỹ rẻ tiền.

Trộm xe là một hình thức “dễ ăn” nhất nên các băng nhóm trộm mọc như nấm sau mưa. Băng trộm cướp tại Q.Gò Vấp do Lưu Hoàng Phương (14 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp) cầm đầu bị bắt ngày 26-10 là một trong các băng nhóm trộm, cướp điển hình về sự đa năng trong khi “hành nghề”. Phương cùng nhiều “đàn em” khác đi lòng vòng khắp các tuyến đường, hang cùng ngõ hẻm để cướp giật, thấy sơ hở thì trộm. Trong phút chốc, băng của Phương đã “hô biến” hai xe gắn máy.

Phòng ngừa là chính

Trung tá Phạm Duy Xô cho biết phần lớn các vụ trộm khó khám phá nên phải chủ động phòng ngừa là chính. Nhà cần có người trông coi thường xuyên, cần khóa cửa, kể cả cửa sổ khi ngủ hay đi ra ngoài. Trời mưa là thời điểm trộm hay đột nhập nhất, vì ít người chú ý, người nhà hay ngủ say.

Buổi tối chìa khóa nhà cần được cất giữ cẩn thận, vì khi trộm đột nhập vào nhà lấy được chìa khóa là ung dung mở cửa lấy đồ như chỗ không người mà ít ai nghi ngờ. Với loại trộm “đua nóng”, ở những nơi công cộng cần tổ chức giữ xe quy củ, kiểm soát chặt chẽ. Người dân nên tránh việc bỏ xe đi đâu đó, dù chỉ vài phút, vài chục mét là có thể bị trộm. Khóa cổ, khóa càng với dân “đua nóng” vẫn không ăn thua.

Theo thiếu tá Châu Văn Hoàng - đội phó đội điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an quận Gò Vấp, muốn thuê người giúp việc, chủ nhà phải tìm hiểu kỹ nhân thân, lai lịch của họ, tốt nhất là tìm người thân quen. Tài sản không nên để người giúp việc thấy hay để những nơi dễ lấy, tránh việc họ nảy sinh lòng tham.

Với các vụ lừa đảo làm người thân vào nhà “diễn kịch” để trộm, các gia đình nên dặn người già, trẻ em và người giúp việc không cho người lạ vào nhà khi chủ nhà đi vắng. Nếu quen ai, chờ người đó về tiếp, phòng trường hợp tội phạm không chỉ lừa trộm đồ mà còn gây án mạng để cướp khi bị phát hiện. Đối tượng có cho nghe điện thoại cũng không nên tin vì chúng đã tìm hiểu thông tin về gia đình chủ nhà rất kỹ, cho người giả giọng chủ nhà nói chuyện với người giúp việc hay người già, trẻ em một cách vội vàng rất khó phân biệt.

M.Đức - Q.Khải

PHẠM MINH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên