![]() |
Lá thư nêu lên thảm trạng của nhân dân VN dưới ách đô hộ của thực dân Pháp và Nam Triều đã gây ra bao đau khổ cho dân lành, và vạch rõ nguyên nhân thảm trạng ấy là lên án bọn quan lại phong kiến cũng như kế sách để người VN “cắn nuốt lẫn nhau cho nòi giống mòn mỏi”. Bức thư được gửi cho người đứng đầu chế độ thực dân ở thuộc địa, nên sự lên án được thể hiện bằng những khát khao đòi hỏi của người VN:
“Đổi chính sách đi, kén chọn người hiền tài trao cho quyền bính, lấy lễ mà tiếp, lấy thành mà đãi, cùng nhau lo toan việc dấy lợi, trừ hại ở trong nước, mở đường sinh nhai cho dân nghèo, rộng quyền ăn nói cho thân sĩ, báo quán cho mở rộng để thông đạt tình dân, thưởng phạt cho nghiêm minh để khuyên răn quan lại; còn nói đến việc đổi pháp luật, bỏ khoa cử, mở trường học, đặt tòa tu thư, dạy lớp sư phạm cho đến học công thương, học kỹ nghệ và các ngạch sưu thuế đều cải lương dần dần...”.
Nói cách khác, Phan Châu Trinh đã vạch rõ trách nhiệm chính của thảm trạng ấy là chế độ thực dân Pháp, nhưng để khắc phục cái thảm trạng ấy chính phải bằng một cuộc vận động dân chủ.
Trước bức thư đó, từ đầu năm 1906 Phan Châu Trinh từ Quảng Nam đã ra Bắc để gặp gỡ các lực lượng yêu nước, từ nhà giáo dục Lương Văn Can đến thủ lĩnh nghĩa quân Hoàng Hoa Thám, rồi lặn lội sang Nhật Bản tìm gặp Phan Bội Châu, Cường Để để mưu đại sự. Cái đại sự theo Phan Châu Trinh lúc này, như lời tâm sự với Phan Bội Châu là “đề xướng dân quyền, dân đã biết có quyền thì mọi việc khác đều có thể mưu tính được”.
Chúng ta biết rằng sau những hoạt động của Phan Châu Trinh trong năm 1906, qua năm 1907 phong trào Đông Kinh nghĩa thục gây ảnh hưởng khắp Bắc kỳ, còn ở Nam kỳ thì cuộc Đông Du vẫn tiếp tục được đẩy mạnh; rồi qua năm 1908 là phong trào kháng thuế cự sưu rộng khắp Trung kỳ.
Trong lịch sử cận đại VN, năm 1906 có thể coi là thời điểm khai mở cuộc vận động dân chủ ở VN gắn với công cuộc Duy Tân được hình thành cách đó ít lâu. Nguyên lý của cuộc Duy Tân qui lại trong ba nội dung: khai dân trí - chấn dân khí - hậu dân sinh.
2. Khoảng cách 100 năm cho thấy biết bao đổi thay của đất nước. Chỉ 40 năm sau bức thư đó, ách đô hộ của thực dân tàn bạo cùng chế độ quân chủ thối nát bị lật đổ bằng cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945. Một chế độ dân chủ - cộng hòa được thiết lập. Và chỉ vài tháng sau, sau cuộc tổng tuyển cử (1-1946) đã được tổ chức với tất cả những tiêu chí của một nền chính trị tiên tiến bầu ra Quốc hội và đến cuối năm đó (11-1946), một bản hiến pháp mẫu mực của một hiến chương dân chủ đã được thông qua.
Nhìn lại toàn bộ quá trình vận động để tiến tới cuộc cách mạng này ta có thể thấy được những yếu tố truyền thống của một tinh thần yêu nước chống ngoại xâm, ý chí tự chủ của một dân tộc đã có gần một thiên niên kỷ tự chủ trước khi chịu sự đô hộ của thực dân và phát xít. Nhưng cái yếu tố thật sự làm cho cuộc vận động giải phóng dân tộc của VN dưới sự lãnh đạo của một đảng cộng sản lại thành công và bắt nhịp với đời sống chính trị hiện đại chính là nhân tố dân chủ.
Hoàn toàn có thể thấy được mối liên hệ của những tư tưởng dân chủ mà Phan Châu Trinh và thế hệ những chiến sĩ Duy Tân ở đầu thế kỷ trong bước đường hình thành đường lối chính trị của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.
Từ văn kiện ghi nhận hoạt động chính trị đầu tiên được ký tên Nguyễn Ái Quốc là “Bản yêu sách 8 điểm của nhân dân VN” (1919), đến những văn kiện được đưa ra tại Đại hội thành lập Đảng Cộng sản VN (2-1930) cho đến những chuyển biến qua thời kỳ vận động Mặt trận Dân chủ (1936-1939) và đặc biệt là tới cương lĩnh của Mặt trận Việt Minh (1940) cùng những tư tưởng của Hồ Chí Minh thăng hoa vào cuộc vận động trực tiếp giải phóng dân tộc (1941-1945), và thành quả trực tiếp là những năm đầu tiên xây dựng chế độ Dân chủ cộng hòa của nước VN độc lập (1945-1946) kể cả một đường lối đối ngoại nhất quán là đứng vào hàng ngũ Đồng Minh chống phát xít và chủ trương “hợp tác với tất cả các nước dân chủ” (1946) cho thấy bản chất của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc là nội dung dân chủ.
Mục tiêu đại đoàn kết toàn dân ở bất kỳ thời kỳ lịch sử nào thực chất cũng đặt trên nền tảng thực hiện nguyên lý dân chủ để kháng chiến và kiến quốc.
Trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954), chúng ta luôn tự hào là thuộc về “phe dân chủ” như một khái niệm đối lập với “phe đế quốc”. Tuy nhiên, một thời kỳ dài sau đó thì “dân chủ” chỉ còn là một ý niệm hạn chế trong bối cảnh nhà nước phải điều hành một cuộc chiến tranh lâu dài và khốc liệt.
3. Công cuộc đổi mới được khởi động từ thực tiễn những khủng hoảng tích tụ trong quá trình tìm tòi con đường phát triển của đất nước, sau khi về căn bản đã hoàn thành sự nghiệp giải phóng và thống nhất đất nước nhưng chiến tranh vẫn còn là một nhân tố thường trực.
Chính vì thế, thực chất công cuộc đổi mới mang nội hàm của một quá trình dân chủ hóa. Trên mọi phương diện của những thay đổi trong đường lối kinh tế, văn hóa, xã hội và cả chính trị đều phản ánh quá trình đó.
Chính trong công cuộc đổi mới, những quyền cơ bản của con người được đặt ra ngay từ trong bản hiến pháp đầu tiên đang được hoàn thiện bằng hệ thống pháp luật. Sau những bộ luật cơ bản về dân sự và hình sự, những quyền cơ bản về ngôn luận (báo chí và xuất bản), về cư trú đã và đang được hoàn thiện, luật về hội đang chuẩn bị thông qua...
Công cuộc đấu tranh chống quan liêu và sự biến chất của bộ máy chính quyền được triển khai ngay từ khi chế độ Dân chủ cộng hòa mới thành lập cách đây 60 năm lại đang được khởi động ở một tầm mới với Bộ luật phòng chống tham nhũng đi đôi với công cuộc cải cách hành chính. Hoạt động của các tổ chức dân cử, đặc biệt là của Quốc hội, cũng như các văn bản pháp luật đang thúc đẩy những nền tảng pháp lý để thực thi quyền làm chủ của người dân...
Tất cả cho thấy một sự kết nối trực tiếp với những gì mà cách đây sáu thập kỷ nhà nước cách mạng đã đặt nền móng như thành quả của một quá trình vận động dân chủ đã được khởi động cách nay 100 năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận