03/07/2016 15:42 GMT+7

Cuộc trình diễn xôm tụ của gốm Nam bộ

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Các nhà sưu tập gốm tư nhân vừa có cuộc gặp nhau trong chương trình Hội ngộ gốm Nam bộ Sài Gòn diễn ra từ 8g đến 20g ngày 3-7 tại 107 Pasteur, Q.1. TP.HCM.

Góc trưng bày Hoa bếp giới thiệu nhóm sản phẩm gốm Lái Thiêu gia dụng. Ảnh: L.Điền
Góc trưng bày Hoa bếp giới thiệu nhóm sản phẩm gốm Lái Thiêu gia dụng - Ảnh: L.Điền

Cuộc hội ngộ gốm Nam bộ lần này có năm nhóm sản phẩm gốm: Cây Mai, Sài Gòn, Lái Thiêu, Biên Hòa, Thành Lễ với sự góp mặt của 150 nhà sưu tập, trong đó có 50 nhà đích thân mang hiện vật đến trưng bày và bình chọn.

Chương trình hội ngộ mở rộng ra các dòng sản phẩm có nhiều niên đại chứ không giới hạn chỉ ở gốm cổ. Điều này cũng phản ánh thực tế sưu tập của các cá nhân lâu nay: Nhiều người sưu tầm gốm hoặc vì yêu thích kiểu dáng sản phẩm, hoặc đam mê hoa văn họa tiết, đề tài trên hiện vật… chứ không hẳn chỉ vì tính cổ xưa của hiện vật.

Đây cũng là dịp các hiện vật gốm Nam bộ có một cuộc “trình diễn” xôm tụ ở cả các sản phẩm gốm gia dụng, đồ thờ cúng và các hiện vật có tính lưu niệm.

Góc trưng bày nhạo rượu bằng gốm Nam bộ. Ảnh: L.Điền
Góc trưng bày nhạo rượu bằng gốm Nam bộ - Ảnh: L.Điền

Theo thông báo của Nhóm gốm Nam bộ Sài Gòn, hội ngộ nhằm mục đích giao lưu, giới thiệu các hiện vật độc đáo của nhau, và trao đổi một ít kinh nghiệm cũng như chia sẻ thông tin về sưu tập trong giới.

Đến trưa 3-7, thông tin từ chương trình cho biết có nhà sưu tập ở tận Nam Định cũng gửi hiện vật vào “hội ngộ” cùng chương trình, phía Nam xa nhất có nhà sưu tập tận Cà Mau cũng mang hiện vật đến.

Có rất nhiều sản phẩm đặc biệt. Chẳng hạn nhóm gốm Lái Thiêu có tượng ông địa (của nhà sưu tập Lê Minh Phúc đến từ Tiền Giang), lư hương men xanh trắng (của Thùy Dung), kendy vẽ cúc dây (Nguyễn Văn Giàu - TP.HCM), bình hoa vẽ Hằng Nga (Nguyễn Phúc Tường - Long An), bình hoa vẽ tích Trúc Lâm thất hiền (Nguyễn Trọng Tài - Lái Thiêu)….

Nhóm gốm Biên Hòa có tượng Phật Di Lặc (của Trần Hòa Bình - TP.HCM), tượng Quan Âm tống tử (Phạm Hoàng Việt - .), chậu 3 chân hỏa biến (Đoàn Trung Kiên - TP.HCM)…

Tượng Quan Âm tống tử. Ảnh: L.Điền
Tượng Quan Âm tống tử - Ảnh: L.Điền

Nhóm gốm Cây Mai có tượng ông Lộc, bình treo, tượng bà Nguyệt, hồ bán nguyệt…

Nhóm gốm Sài Gòn có bình hoa men màu vẽ tích Chiêu quân cống Hồ (của Nguyễn Văn Phú - TP.HCM), bình hoa men xanh trắng vẽ tích Tam Quốc (Lê Kiên - Vũng Tàu).

Bình hoa vẽ tích Chiêu Quân cống Hồ. Ảnh: L.Điền
Bình hoa vẽ tích Chiêu Quân cống Hồ - Ảnh: L.Điền

Dòng gốm Thành Lễ có chiếc chóe cỡ lớn (cao 96cm) của nhà sưu tập Trần Hòa Bình vẽ tích Vinh quy bái tổ được nhiều người trầm trồ chú ý.

Nhà sưu tập Trần Hòa Bình bên chiếc chóe vẽ đề tài Vinh quy bái tổ. Ảnh: L.Điền
Nhà sưu tập Trần Hòa Bình bên chiếc chóe vẽ đề tài Vinh quy bái tổ - Ảnh: L.Điền

Đặc biệt có các cụm trưng bày từng bộ sưu tập như góc trưng bày nhạo rượu từ các dòng gốm Nam bộ, bộ sưu tập các sản phẩm đề tài Công giáo, góc triển lãm “Hoa bếp” giới thiệu các sản phẩm gốm gia dụng…

Các nhà sưu tập đang viết phiếu bình chọn các sản phẩm gốm được yêu thích. Ảnh: L.Điền

Các nhà sưu tập đang viết phiếu bình chọn các sản phẩm gốm được yêu thích - Ảnh: L.Điền

Chương trình có một phần nội dung dành cho các nhà sưu tập bỏ phiếu bình chọn top 5 các sản phẩm gốm được yêu thích của 5 nhóm sản phẩm nói trên. 

Cuộc trưng bày và bầu chọn diễn ra đến 18g, theo đó mỗi nhóm sản phẩm gốm đều có các giải từ nhất đến năm. Chủ nhân của hiện vật được bầu chọn sẽ nhận được Kỷ niệm chương của chương trình.

Sau đó là phần bán đấu giá hơn 20 hiện vật gốm để gây quỹ hoạt động.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên