05/01/2006 06:12 GMT+7

Cuộc tổng tuyển cử của lòng dân

LÂM QUANG THỰ (đại biểu Quốc hội khóa I)
LÂM QUANG THỰ (đại biểu Quốc hội khóa I)

TT - Một ngày sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa khai sinh, Bác Hồ đã nghĩ đến việc lập một thiết chế dân chủ, cái mà trước đó trong lịch sử dân tộc ta chưa hề có, dân ta chưa hề được hưởng... Và câu chuyện “tổng tuyển cử đầu tiên” (6-1-1946) đã được công bố trong cuốn sách Lâm Quang Thự - người con đất Quảng

wTFOQSUD.jpgPhóng to
Nhân dân Hà Nội bỏ phiếu bầu Quốc hội khóa I - Ảnh tư liệu

(Sách do Hội Khoa học lịch sử TP Đà Nẵng phối hợp Nhà xuất bản Đà Nẵng xuất bản).

Bỏ được lá phiếu có chết cũng hả dạ

Ngày 3-9-1945, một ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tại phiên họp đầu tiên của chính phủ lâm thời, Hồ Chủ tịch đề nghị: “Trước do chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp, nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái 18 tuổi đều có quyền bầu cử và ứng cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống”. (Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Sự Thật Hà Nội, 1980, tập 1, trang 356).

Những đề nghị của Hồ Chủ tịch đáp ứng nguyện vọng thiết tha của đồng bào ta đã được Hội đồng Chính phủ nhất trí tán thành.

Thế là ngày 8-9-1945, tức là không đầy một tuần sau ngày nước VN dân chủ cộng hòa ra đời, Chính phủ ra sắc lệnh qui định trong thời gian hai tháng sẽ mở tổng tuyển cử trong cả nước bầu ra Quốc dân đại hội để ấn định hiến pháp cho nước VN dân chủ cộng hòa. Sau đó, Chính phủ ra sắc lệnh ngày 17-10-1945 qui định thể lệ tổng tuyển cử và sắc lệnh ngày 23-10-1945 ấn định ngày 6-1-1946 là ngày tiến hành tổng tuyển cử.

Đi đôi với việc ban hành các sắc lệnh về tổng tuyển cử, Chính phủ lâm thời công bố bản dự thảo hiến pháp đầu tiên để nhân dân tham gia ý kiến.

Trong lịch sử các dân tộc đấu tranh giành được độc lập, chưa bao giờ những sắc lệnh về tổng tuyển cử và dự án hiến pháp được công bố sớm như thế.

Trích lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày mai, mồng 6 tháng giêng năm 1946.

Ngày mai, là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ.

Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử VN mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình.

Ngày mai, dân ta sẽ tỏ cho các chiến sĩ ở miền Nam rằng: Về mặt trận quân sự thì các chiến sĩ dùng súng đạn mà chống quân thù. Về mặt chính trị thì nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn.

Ngày mai, quốc dân ta sẽ tỏ cho thế giới biết rằng dân VN ta đã:

Kiên quyết đoàn kết chặt chẽKiên quyết chống bọn thực dânKiên quyết tranh quyền độc lập

Ngày mai, dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình và gánh vác việc nước.

Những người trúng cử sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào. Phải luôn luôn nhớ và thực hành câu: Vì lợi nước, quên lợi nhà; vì lợi chung, quên lợi riêng.

(Nguồn: Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 2000)

Lần đầu tiên trong lịch sử nước nhà, nước VN mới thật sự là của toàn thể nhân dân VN “không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo” (điều 1 của dự án hiến pháp). Trong cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc dân đại hội, “tất cả công dân VN từ 18 tuổi trở lên không phân biệt nam nữ đều có quyền bầu cử và ứng cử” (điều 2 của sắc lệnh ngày 17-10-1945).

Cuộc tổng tuyển cử đã được nhân dân cả nước từ Bắc đến Nam, từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược nhiệt liệt hưởng ứng. Ai nấy đều nô nức, phấn khởi tham gia chuẩn bị cho cuộc bầu cử và nóng lòng chờ ngày đi bỏ phiếu.

Quang cảnh ngày 6-1-1946 là một ngày hội lớn của nhân dân cả nước. Từ sáng sớm từng đoàn người ăn mặc chỉnh tề tấp nập đi bỏ phiếu. Ở nhiều nơi các cụ già, những người ốm không đi được thì đòi con cháu hoặc người hàng xóm cõng, cáng đến nơi bầu cử để tự tay mình bỏ lá phiếu vào hòm phiếu. Nhiều cụ đã nói: “Bây giờ có chết cũng hả dạ vì đã bỏ được lá phiếu góp phần xây dựng nền móng đầu tiên của nước VN dân chủ cộng hòa cho con cháu mình”.

Giữ lá phiếu trước thù trong giặc ngoài

Cuộc tổng tuyển cử tiến hành trong tình thế nước nhà lúc bấy giờ vô cùng khó khăn, phức tạp. Nửa vạn quân đội Anh và 18 vạn quân đội Tưởng Giới Thạch kéo vào nước ta giữa tháng 9-1945 - sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công - với danh nghĩa quân đội đồng minh để giải giáp quân đội Nhật bại trận.

Ở miền Nam, quân đội Pháp được quân đội Anh với Nhật yểm hộ đã quay trở lại đánh chiếm Sài Gòn và các tỉnh Nam bộ, cực Nam Trung bộ và Tây nguyên. Tại những nơi này, bất chấp cả lưỡi lê và mũi súng của quân thù, quần chúng đã hăng hái tham gia tổng tuyển cử với tất cả dũng khí cách mạng của mình.

Trong những vùng bị địch tạm chiếm đóng, nhân dân tập trung bỏ phiếu, quân Pháp và Việt gian kéo đến khủng bố, nhân dân phải mang hòm phiếu chạy đến một nơi khác và tiếp tục bỏ phiếu. Như ở xã Mỹ Hòa (Cần Thơ), trong ngày bầu cử nhân dân phải di chuyển hòm phiếu đến bốn địa điểm khác nhau để hoàn thành việc bỏ phiếu.

Tại vùng Tây nguyên như ở Buôn Krong, Prong (Đắc Lắc), nhân dân tập trung ở nhà làng để bỏ phiếu, địch tới bao vây, nhân dân chạy sâu vào rừng, địch lại tấn công vào rừng, nhân dân đi sâu vào khe suối, mang theo gạo ăn để bỏ phiếu. Tại nhiều đô thị như Nha Trang, Sài Gòn, Tân An, hàng chục cán bộ ta đã bị địch sát hại trong lúc tổ chức bầu cử.

Ở miền Bắc, bọn VN quốc dân đảng và VN cách mạng đồng minh hội theo gót quân đội Tưởng Giới Thạch kéo về nước với mưu đồ lật đổ Chính phủ ta, làm tay sai cho bọn thống trị phương Bắc.

Chúng không hi vọng gì nếu chúng đưa người ra ứng cử, nên dựa vào quân đội và hiến binh Tưởng Giới Thạch chống phá tổng tuyển cử một cách điên cuồng, âm mưu ám sát, bắt cóc những người được Mặt trận Việt Minh giới thiệu và ứng cử. Ngay tại Hà Nội, chúng mang cả tiểu liên đến Ngũ Xã ngăn không cho đặt hòm phiếu, chúng cấm cả nhân dân treo cờ, đồng bào Ngũ Xã phải kéo sang khu phố gần đó để bỏ phiếu.

Hi sinh cho cuộc tổng tuyển cử thắng lợi

Ở khắp nơi, sự đoàn kết đấu tranh đầy hi sinh dũng cảm của nhân dân ta đã đưa cuộc tổng tuyển cử đến thắng lợi vẻ vang. Ở miền Nam, tại các vùng bị quân Pháp tạm chiếm đóng, cử tri đã đi bỏ phiếu từ 65-85%, ở miền Bắc có 75-95% cử tri đi bỏ phiếu bầu.

Từ nhiều địa phương, đồng bào viết thư về đề nghị Hồ Chủ tịch không cần ra ứng cử ở một tỉnh nào, nhân dân cả nước sẽ bỏ phiếu cử Bác vào Quốc dân đại hội, ai cũng muốn được ghi tên Bác đầu tiên trên lá phiếu của mình. Bác đã viết một bức thư ngắn trả lời đề nghị này:

Tôi là một công dân của nước VN dân chủ cộng hòa, nên tôi không thể vượt qua khỏi thể lệ tổng tuyển cử đã định. Tôi ra ứng cử ở Hà Nội nên không thể ra ứng cử ở nơi nào nữa. Xin cảm tạ đồng bào đã có lòng yêu tôi và yêu cầu toàn thể đồng bào hãy làm trọn nhiệm vụ người công dân trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới”.

Ở Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thu được 98,4% số phiếu bầu.

Trong cuộc tổng tuyển cử này, nhân dân cả nước đã bầu vào Quốc dân đại hội 333 đại biểu, trong đó Bắc bộ có 152 đại biểu, Trung bộ có 108 đại biểu và Nam bộ có 73 đại biểu.

--------------

Kỳ sau: Quốc hội chất vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh

Không chỉ chất vấn các bộ trưởng, Quốc hội khóa đầu tiên đã chất vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều câu hỏi gai góc về vụ buôn lậu của bộ trưởng kinh tế Chu Bá Thượng, về đề nghị thay đổi quốc kỳ...

LÂM QUANG THỰ (đại biểu Quốc hội khóa I)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên