02/11/2009 08:19 GMT+7

Cuộc giải thoát 57 học sinh

LÊ VĨNH THÁI
LÊ VĨNH THÁI

TT - Sáng 2-11-1999, tin dữ khắp nơi dồn dập báo về bản doanh chống lũ của tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhưng có một thông tin khiến cả tỉnh sững sờ: 57 học sinh Trường THCS Hương Thọ (xã Hương Thọ, huyện Hương Trà) đang bị nước lũ nhốt trên mái lớp học.

“Đại hồng thủy 1999”, chuyện kể sau 10 năm

Kỳ 2:

Cuộc giải thoát 57 học sinh

TT - Sáng 2-11-1999, tin dữ khắp nơi dồn dập báo về bản doanh chống lũ của tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhưng có một thông tin khiến cả tỉnh sững sờ: 57 học sinh Trường THCS Hương Thọ (xã Hương Thọ, huyện Hương Trà) đang bị nước lũ nhốt trên mái lớp học.

ImageView.aspx?ThumbnailID=372287
Trường THCS nằm trên đồi, nhưng nước lũ tràn về đến lút sát mái hiên. 57 học sinh và hai thầy giáo đã đứng trên mái hiên này để chờ đò đến cứu - Ảnh: Minh Tự

>> Kỳ 1: Lụt chưa từng thấy

Năm đó ông giáo Lê Vĩnh Thái mới ra trường, bây giờ là phóng viên của tạp chí Sông Hương. Dưới đây là hồi ức của ông Thái về cuộc bao vây và giải thoát khiến cả tỉnh Thừa Thiên - Huế nín thở theo dõi.

Buổi sáng 1-11 trời mưa nhẹ hạt, đến trưa thì hửng nắng, dòng sông Hương vẫn hiền hòa chảy. Thế nhưng khoảng 3 giờ chiều nước bắt đầu dâng cao. Trời bắt đầu đổ mưa xối xả mù mịt cả đất trời, dòng sông cũng bắt đầu cuồn cuộn chuyển mình.

Đầu chạm trần nhà

Đoán chừng sẽ xảy ra lũ lớn, đa số học sinh ca chiều đều ở phía bên kia sông, hai anh em giáo viên chúng tôi tự phân công nhau, anh Hoàng Thái ở lại quản lý học sinh, tôi sang sông thuê đò lớn đưa các em về nhà.

ImageView.aspx?ThumbnailID=372180
Thầy Lê Vĩnh Thái gặp lại cô học trò Lê Thị Cẩm Hương, một trong 57 học sinh bị kẹt lại trên đồi trong lũ năm 1999 - Ảnh: M.Tự

Mười năm sau trận lụt đó, chúng tôi cùng với ông Lê Vĩnh Thái trở lại ngôi trường “nổi tiếng” từ trận lụt 1999. Suốt cả buổi chiều không tìm gặp được học trò nào trong số 57 em bị kẹt lại trong lũ.

Cuối cùng chúng tôi cũng gặp được một cô gái đang trông con và bán quán nước bên quốc lộ 49 lên A Lưới. Cô tên là Lê Thị Cẩm Hương, mười năm trước là học sinh lớp 8B, người làng La Khê Bãi, một trong số 57 em bị kẹt lại hôm đó.

Cô mừng đến chảy nước mắt khi gặp lại thầy Thái: “Suốt đời em không thể nào quên, thầy ơi”.

Con đò nhôm của chị Nhỏ hằng ngày vẫn đưa chúng tôi qua sông, nay trở nên quá nhỏ bé và mong manh trước dòng nước chảy mạnh và xoáy. Đến bờ bên kia thuộc xã Thủy Bằng, tôi đi hỏi nhưng chẳng có chủ đò nào dám chở, họ bảo nước lớn quá không thể chạy được.

Tôi đành qua sông trở lại trường. Chị Nhỏ bảo: “Thầy về nhà luôn đi, đừng trở lại nữa, nước lớn nguy hiểm lắm”. Không thể được, tôi phải trở lại vì các em học sinh của tôi đang còn ở bên kia sông. Chị Nhỏ chở tôi quay lại bên kia sông, phải chèo ngược lên phía trên nhưng dòng nước cứ cuốn phăng phăng về phía dưới.

Phải mất hơn 20 phút chúng tôi mới qua được sông, lúc này nước đã tràn lên con đường vào làng. Không kịp nhìn lại nữa, tôi lội nhanh lên dốc để kịp đưa các em học sinh quay lại trường. Lúc này mới khoảng 5 giờ chiều mà trời đã tối sầm, mưa như trút nước và gió lớn ào ạt.

Về lại trường, tôi cùng anh Hoàng Thái, anh Lê Văn Hồng (bảo vệ trường) tập trung học sinh vào phòng học, xếp bàn lại làm chỗ ăn ngủ với đinh ninh chỉ qua một đêm thôi. Người đi mượn chăn màn, người nấu cơm, người đi chặt buồng chuối xanh để nấu canh.

Anh Hồng đã vét hết nhẵn thùng gạo của gia đình để nấu bữa cơm tối cho 59 thầy trò. Tất cả công việc xong xuôi, bữa ăn tối đầu tiên tại trường diễn ra, lúc này khoảng 7 giờ tối. Nước càng lúc càng dâng nhưng ngôi trường ở nằm trên đồi cao nên chúng tôi cũng yên tâm.

Đến 3 giờ sáng 2-11, nước dâng lên sát chân đồi và tiếp tục lên rất nhanh. Thế này là nguy to rồi. Chúng tôi bắt đầu thu dọn hồ sơ, tài liệu của nhà trường đưa lên cao và chuẩn bị phương án chống lũ. Đến gần 6 giờ sáng nước đã tràn vào hành lang phòng học, chúng tôi huy động các em kê các bàn học lại, anh Hồng đi kiếm dây để cột các chân bàn.

Nhưng mới kê xong dãy bàn chưa kịp cột chân lại với nhau nước đã dâng lên hơn nửa bàn, chúng tôi lại tiếp tục chồng lên thêm một lớp bàn nữa. Nhưng nước lũ lúc này lên nhanh đến chóng mặt, chẳng mấy chốc đã ngập gần nửa lớp bàn thứ hai. Chúng tôi lại bơi trong nước để kê thêm tầng thứ ba, 57 em học sinh lúc này đầu đã chạm trần nhà. Bên ngoài mưa vẫn ào ạt át cả tiếng người.  

Nước đuổi theo người 

ImageView.aspx?ThumbnailID=372294
Cảnh tang tóc trên đường về biển Thuận An (Thừa Thiên - Huế) sau trận lụt - Ảnh: Hoàng Hữu Tư
ImageView.aspx?ThumbnailID=372295
Cảnh tang tóc của một gia đình ở Phú Tân, Thuận An (Thừa Thiên - Huế). Cha và một đứa em của ba đứa trẻ này đã chết trong cơn lụt, nhà cửa bị trôi, đám tang phải diễn ra bên đường - Ảnh: Văn Thanh
ImageView.aspx?ThumbnailID=372296
Cảnh tàn phá sau cơn lụt ở một làng quê thuộc phá Tam Giang thuộc huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế) - Ảnh: Hoàng Hữu Tư
ImageView.aspx?ThumbnailID=372297
Lũ cắt đi một nửa nhà dân ở cửa Tư Hiền (Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) - Ảnh: Nguyễn Khoa Quả
ImageView.aspx?ThumbnailID=372178
Em bé ở cửa biển Thuận An, huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế) ngấu nghiến ăn mì gói cứu trợ ngày 9-11-1999 - Ảnh: N.C.T.

Nhưng nước lũ vẫn cứ dâng lên mỗi lúc một nhanh hơn. Đến 9 giờ sáng nước đã ngập hết lớp bàn thứ hai. Chúng tôi điện thoại (may sao lúc này vẫn còn điện thoại) kêu cứu đến các cơ quan chức năng, báo cho lãnh đạo trường và các đồng nghiệp. Xong cuộc điện thoại, nước đã trườn lên đến tấm be của hành lang. Qua khe ngói, chúng tôi nhìn thấy cả làng La Khê Trẹm ở dưới kia đồi đã chìm nghỉm dưới nước.

Chúng tôi tính đến phương án phá mái ngói để leo lên mái nhà, nhưng rất khó bẻ gãy những thanh gỗ. Không còn cách nào khác hơn là phải lấy rựa để chặt, mà rựa lại đang nằm dưới đất. Tôi cột dây vào bụng anh Hồng để lặn vào phòng lấy rựa, không tìm thấy. Chúng tôi thay nhau lặn rất nhiều lần, cuối cùng cũng tìm được.

Chúng tôi bắt đầu chặt tất cả các thanh gỗ rui mè, trổ một lỗ để các em học sinh chui ra khỏi mái nhà, lúc này đã hơn 10 giờ sáng. Thầy trò đứng trên mái hành lang giữa mịt mù mưa gió. Đến khoảng 11g30 trưa, chị Võ Thị Thảo đang chèo đò đi qua chở theo người cha già, thầy trò mừng khôn xiết vẫy tay kêu cứu. Chị Thảo ghé vào chở bảy học sinh lên đồi Hóc Tổng.

Sau đó chị Dương Thị Liễu cùng em Võ Đại Đại, con trai của chị và anh Võ Đại Lựa, liên tục đưa đò cập vào mái trường để chở các em học sinh. Chúng tôi lên đồi Hóc Tổng, tưởng đã an toàn, nhưng chỉ được một lúc nước đã đuổi theo lên ngập đồi. Đang chuẩn bị đưa học sinh đi tìm nơi cao hơn thì gặp anh Nguyễn Ngọc Chính, bí thư Xã đoàn Hương Thọ, nghe tin nước lũ bao vây thầy trò chúng tôi lập tức đến ứng cứu.

Anh đưa thầy trò chạy lên miếu làng Trẹm. Nhưng nước vẫn đuổi theo. Thầy trò tiếp tục chạy lên nơi cao nhất của vùng đồi, lúc này đã hơn 3 giờ chiều. Mệt lả, lạnh và đói. Trời vẫn mưa và nước vẫn còn dâng, thầy trò chúng tôi dựng tạm chiếc lán để trú mưa.

Đêm xuống trên đồi, trời tối đen và mưa vẫn không ngớt. Bắt đầu nghe tiếng khóc của những em gái và lan truyền ra nhiều em khác. Để xua đi cái đói, rét và sợ hãi, chúng tôi cố tổ chức sinh hoạt tập thể: nào các em hát nhé, hát thật to, thật lớn cho ấm người. Và các em đã hát đến lúc không thể hát được nữa vì đói... Tất cả lả người và thiếp đi.

Sáng 3-11, trời vẫn mưa tầm tã, các em đã hết sức chịu đựng, chỉ còn cách duy nhất là ngồi sát vào nhau, ôm lấy nhau thành vòng tròn để gió khỏi len vào. Khoảng 10 giờ trưa, tôi và anh Hoàng Thái đi nhổ sắn quanh đồi về nấu cho các em ăn tạm.

Đến trưa, vợ chồng anh Hồng chèo đò đi mượn được khoảng 30 lon gạo ướt đã bị ngâm nước nhiều ngày, nhưng phải đến khoảng 1 giờ chiều cơm mới chín. Hạt gạo ngâm nước đã bốc mùi chua lòm nhưng các em vẫn ăn ngon lành. Nước mắt tôi cứ chảy ràn rụa.

LÊ VĨNH THÁI

___________________

10 năm trước, có một ngôi làng ở biển Thuận An (Thừa Thiên - Huế) đã bị cơn hồng thủy cuốn trôi ra biển. Ở đó có một đại gia đình chỉ còn một người sống sót, 12 người ruột thịt, bố, mẹ, vợ con, anh em trôi theo dòng nước.

Kỳ tới: Hòa Duân bãi bể nương dâu

======================================================================

Ký ức của bạn đọc

* Đọc “Đại hồng thủy 1999 – Chuyện kể sau 10 năm”, ký ức của những ngày sống chung với nước lũ hiện về trong tôi nguyên vẹn như mới hôm qua.

Năm đó tôi vẫn còn là sinh viên năm thứ hai Trường đại học Sư phạm Huế, ngôi trường nằm bên dòng sông Hương vốn rất êm đềm và thơ mộng. Nhà tôi và tập thể nơi tôi sinh sống cũng nằm bên cạnh dòng sông An Cựu “nắng đục mưa trong”. Tất cả những dòng sông ở Huế đều rất hiền lành, rất lặng lẽ nhưng rất dữ dội mỗi khi nước lũ thượng nguồn đổ về sau nhưng cơn mưa kéo dài.

Tôi còn nhớ như in, sáng 1-11-1999 không phải là ngày mưa lớn để người Huế quê tôi nghĩ đến những trận lụt vốn chẳng có gì xa lạ xảy ra hằng năm. Sinh viên chúng tôi vẫn đến trường; mọi sinh hoạt vẫn diễn ra như mọi ngày. Đến chiều thì trời đổ mưa, mưa liên tục đến đêm và sáng 2-11. Ở quê tôi, người ta có thói quen ra bờ sông nhìn nước lên mỗi khi trời mưa lớn và liên tục. Trận lụt 1999 nằm ngoài tưởng tượng của tất cả người dân Thừa Thiên nói chung và thành phố Huế nói riêng.

Chỉ trong một đêm, nước sông dâng lên, tràn ngập tất cả các con đường của Huế. Khu vực tôi ở nằm gần cầu và chợ An Cựu, nhưng năm đó nước cũng ghé thăm đến hơn nửa nhà chính. Đồ đạc và xe cộ cứ thế chìm dần trong nước lụt, chỉ có những vật dụng nhẹ và cần thiết mới được kê lên chỗ cao nhất.

Chúng tôi sống lênh đênh trên những tấm ván gỗ kê cao trên mặt nước đục ngầu. Không điện, không điện thoại, không nước sạch, xăng dầu cũng cạn kiệt, thức ăn cũng không, áo quần ướt sũng – mọi liên lạc với bên ngoài đều tê liệt. Tất cả sinh hoạt cá nhân trong 4 ngày lụt đó đều phải diễn ra trên mặt nước. Đến ngày 5-11 nước mới bắt đầu rút dần. Chúng tôi phải thức từ đêm đến sáng sớm để cùng nhau đẩy lớp bùn dày mấy mươi cen-ti-met đi theo dòng nước lụt đang dần rút xuống. Đây là việc mà tất cả người dân Huế đều phải làm mỗi khi có lụt.

Những người ở vùng cao như tôi tranh thủ ngay khi nước rút bớt thì đi mua thức ăn và tiện thể xem lụt ở khu vực nội thành, là khu vực thấp hơn thuộc Bắc Sông Hương. Khu chợ Đông Ba – cầu Gia Hội hóa ra cũng chẳng mấy tốt hơn những nơi khác. Tiểu thương chợ Đông Ba đa số là những người sống ở khu vực nội thành và vì không ngờ được sức nước dâng cao và nhanh đến vậy nên cũng đành trắng tay. Hàng hóa chìm trong nước liên tục 4 ngày - hư hỏng sạch sành sanh. Chợ có cũng như không vì hàng hóa đâu mà bán. Tôi đi một vòng vào đường Đinh Tiên Hoàng từ cửa Thượng Tứ, lúc đó nước khu vực này vẫn cao ngang thắt lưng. Đâu đâu cũng thấy đồ đạc bằng gỗ trôi nổi, nhà cửa tan nát, cửa nẻo cũng theo lụt trôi đi hết. Cảnh tượng hãi hùng và đau thương không thể tả. Chúng tôi ở trung tâm thành phố mà còn gánh chịu thiệt hại đến vậy thì những vùng quê có lẽ thiệt hại gấp trăm lần.

Báo đài sau đó liên tục cập nhật tin tức về mức độ thiệt hại về cả người và của. Người chết lên đến mấy trăm, chủ yếu là ở các vùng nông thôn hoặc cận trung tâm thành phố, cơ sở vật chất thiệt hại đến hàng ngàn tỷ đồng. Bãi biển Thuận An cũng trở thành nơi hoang phế và là nơi các thi thể nạn nhân lũ lụt tập trung nhiều nhất.

Năm 2001 tôi vào TP.HCM lập nghiệp, đến nay cũng gần chục năm. Ở đây thời tiết quá thuận tiện và quá ưu đãi cho việc làm ăn và cho cả cuộc sống, mặc dù vẫn có một vài khu vực, người dân phải sống chung với những đợt triều cường, thấy mà thương. Nhưng so với những trận lụt bão thường niên của miền Trung thì người nới đây đáng thương hơn nhiều lần. 10 năm rồi cũng trôi qua. Tan thương cũng nguôi dần. Thế hệ những người chứng kiến và chịu đựng trận đại hồng thủy 1999 bây giờ cũng đều có tuổi, nhưng nhắc đến ngày ngày này 10 năm trước thì những ám ảnh và xót xa vẫn còn.

TÔN THẤT HÒA (TP.HCM)

* Nhà tôi ở đường thuộc khu vực cao của thành phố Huế, mùa mưa lũ hiếm khi nước ngập nhà, vậy mà lúc đó canô đặc chủng của công an chạy vun vút như ở sông. Từ nhỏ đến lớn lần đầu tiên tôi nhìn thấy cảnh tượng như vậy.

Cả xóm tôi may mắn đến trú được ở tầng hai của một nhà mặt tiền trong xóm (hơn 30 người). Thấy bọn con nít chúng tôi vẫy tay xin đồ cứu trợ, canô muốn dừng lại mà không thể dừng vì nước chảy xiết cuốn phăng mọi thứ, mưa thì rát mặt, giống như trên trời có bao nhiêu nước đều trút xuống hết.

NGUYỄN THỊ THÁI HƯNG

=====================================================================

* Bạn có những ký ức và hình ảnh không quên về trận lũ lụt lịch sử 1-11-1999 tại miền Trung, hãy chia sẻ với bạn đọc Tuổi Trẻ Online tại địa chỉ tto@tuoitre.com.vn hoặc trong phần Ý kiến bạn đọc dưới đây. Chân thành cám ơn.

LÊ VĨNH THÁI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên