25/04/2009 08:31 GMT+7

Cuộc đua vào trường điểm ở Nhật

HẢI MINH (Theo Christian Science Monitor)
HẢI MINH (Theo Christian Science Monitor)

TT - Hiện chưa có số liệu chính thức về việc số trẻ em Nhật tham gia những trung tâm luyện thi vào lớp 1, nhưng sự cạnh tranh khốc liệt là điều không phải bàn cãi.

kErsSbhG.jpgPhóng to

Những kỳ thi vào đại học ở Nhật Bản được gọi là “kỳ thi địa ngục” -Ảnh: metropolitician.blog.com

Đó là một buổi chiều yên tĩnh ở ngoại ô Tokyo khi một chú bé ăn mặc chỉnh tề và bà mẹ vào Trường Nikken, một trung tâm luyện thi dành cho trẻ học mẫu giáo. Bà mẹ cúi chào các giáo viên, xác nhận lại giờ đón con, rồi lái chiếc Mercedes đi trong khi cậu bé bước vào một trong những biểu tượng của nền giáo dục Nhật: trường luyện thi.

Niềm hi vọng giá 22.000 USD

Các kỳ thi juken, hay “kỳ thi địa ngục” ở Nhật, từ lâu đã luôn gợi lên hình ảnh những cô cậu bé quấn một mảnh vải quanh đầu, đeo cặp kính cận dày cộp và ngồi dính vào bàn học để đua tranh cho một vị trí tại những trường đại học trong một kỳ thi “được ăn cả ngã về không”. Nhưng cuộc cạnh tranh đã hạ xuống cấp bậc thấp hơn. Giờ đây trong những kỳ thi ojuken, học sinh mẫu giáo phải làm toán và tham dự các lớp học đặc biệt để có một chỗ ở trường tiểu học khi các bậc phụ huynh muốn đảm bảo tương lai lâu dài cho con em mình.

Những lý do của trào lưu mới này là rất phức tạp. Nhật đang ngày càng già đi và nhiều trường đại học gặp khó khăn trong việc tuyển đủ chỉ tiêu, nhưng với những trường danh tiếng, điều đó vẫn chẳng thay đổi gì. Các bậc phụ huynh còn buộc con cái phải cạnh tranh gắt gao hơn do suy thoái kinh tế dẫn đến cuộc chiến tìm việc trở nên căng thẳng hơn. Giáo sư Makoto Kobari của Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn Donisha tại Kyoto, nhận định: “Tỉ lệ sinh thấp có lẽ khiến các bậc cha mẹ muốn dành tất cả những gì họ có cho đứa con duy nhất. Đó là một hành vi chọn lọc quá mức”.

Cuộc chạy đua vào lớp 1 trường điểm quả là khốc liệt. Trường tiểu học Keio Gijuku Yochisha tại Tokyo năm 2008 chỉ tuyển 144 chỉ tiêu nhưng nhận được 2.468 đơn đăng ký và cứ năm sau lại tăng cao hơn năm trước. Kỳ thi tuyển được tổ chức trong khoảng giữa tháng 11 và 12 hằng năm, năm học bắt đầu vào tháng tư và các em phải luyện thi từ trước đó rất lâu. Tại Trường Nikken, hầu hết các gia đình cho con em theo học khóa luyện thi hai năm và trả khoảng 22.000 USD cho học phí.

Không có gì ngạc nhiên, các bậc phụ huynh chủ yếu là những người giàu có. Giáo sư Kobari cho biết khoảng 56,8% phụ huynh cho con tham dự ojuken kiếm được hơn 10 triệu yen (100.000 USD) mỗi năm. Hầu hết các bậc phụ huynh đều là những người tốt nghiệp đại học và 76,5% các bà mẹ là những bà nội trợ toàn thời gian.

Vẫn chuyện công - tư

Tại Trường Nikken, cô giáo Kikuko Fukuda tiết lộ có những gia đình “tổng động viên” nguồn tài chính cho các em đến học ở Nikken: “Chúng tôi từng chứng kiến những gia đình lấy tiền từ cả sáu túi: bố, mẹ và ông bà cả hai bên”. Mục tiêu của ngôi trường không chỉ là những vấn đề học thuật. Trong góc một lớp học có treo những bức ảnh phóng lớn những bộ quần áo “chiến thắng” mà các bà mẹ mặc để đến những cuộc phỏng vấn ở các trường tiểu học cùng tên của các trường mà con cái họ được nhận vào.

Hanako Yamashita, trợ lý ở văn phòng luật sư, cho con gái cô vào học một lớp điểm của trường luyện thi chỉ nhận các học trò được giới thiệu đặc biệt. Bé gái đi ôn luyện trước khi 3 tuổi và cứ mỗi thứ bảy lại đến trường vài giờ trong suốt một năm qua. Giờ đã 4 tuổi, bé lắc đầu khi được hỏi có thấy những kỳ thi đáng sợ không. “Đồ ăn (các bé được thầy cô giáo cho ăn ở trường) rất ngon - bé đáp với một nụ cười - Đi học rất vui”. Và bé đã được nhận vào Trường tiểu học Denenchofu Futaba Gakuen, theo nguyện vọng của mẹ, cùng với chị gái năm nay lên lớp 4.

Giáo sư về giáo dục học Hidenori Fujita, đại học Thiên Chúa giáo quốc tế ở Tokyo, giải thích các bậc phụ huynh thuộc tầng lớp trung lưu muốn con cái họ được “nâng cấp” bằng cách chọn những trường dành cho người giàu. Một lý do khác là định kiến cho rằng các trường công gây cho họ các mối lo ngại như học trò đánh nhau, bị bắt nạt, trốn học hay phạm tội ở vị thành niên.

Giáo sư Fujita nói rằng các nhà chức trách giáo dục Nhật Bản đã giảm bớt giờ học ở trường bảy năm trước để giảm bớt áp lực, nhưng một nửa số trường tư vẫn duy trì giờ dạy, khiến họ càng trở nên nổi tiếng với các phụ huynh. Chính quyền buộc phải thay đổi chương trình học và tăng lại giờ học với các trường công, bắt đầu từ năm 2011.

“Trên thực tế, việc trường tư tốt hơn trường công chỉ là tưởng tượng. Nhưng người ta vẫn nghĩ thế” - giáo sư Fujita phân tích. Ông cho biết thêm nhiều bậc phụ huynh quyết định cho con tham gia ojuken đã phải thất vọng ghê gớm sau này, nếu như con cái họ không vào được những trường đại học như ước mơ.

“Cha mẹ hi vọng con cái sẽ hoàn thành giấc mơ đã đổ vỡ của họ” - ông nói. Yasuyoshi Kuno, đại diện của Trường Kogumakai - trung tâm luyện thi nổi tiếng tại Tokyo, nói rằng việc ojuken bùng nổ có nguồn gốc từ chính sách giáo dục mẫu giáo chỉ để trẻ vui chơi của Nhật Bản. “Các chương trình học trước khi đến trường đang trở nên quan trọng. Một phần vì các bậc phụ huynh không cho rằng nhà trẻ chỉ để trẻ vui chơi là đủ” - ông Kuno nói.

HẢI MINH (Theo Christian Science Monitor)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên