04/07/2018 10:30 GMT+7

Cuộc đời nhìn từ tuyển Nhật Bản

HUY THỌ
HUY THỌ

TTO - Nhìn lại những trận đấu đã qua của World cup 2018, nếu có hỏi thích thú với đội nào nhất, thì câu trả lời của tôi là Nhật Bản! Bởi ở đội này, tôi tìm thấy những giá trị ngoài bóng đá.

Cuộc đời nhìn từ tuyển Nhật Bản - Ảnh 1.

Với người hâm mộ Nhật, kết quả cuối cùng chưa hẳn đã là điều quan trọng nhất

Ở vòng 1/16, dẫn trước đội tuyển Bỉ 2-0, nhưng bị thua ngược lại 2-3, nhiều người Việt đã chê HLV Nishino của Nhật là ngây thơ, là non nớt vì không áp dụng lối chơi đổ bê tông để bảo toàn kết quả!

Nhưng người Nhật thì không thế. Họ có thể rơi nước mắt vì thất bại, nhưng tự hào với cách thua như thế này, hơn là cái cách vào vòng hai.

Quay lại một chút về 15 phút cuối trận Nhật - Ba Lan ở vòng bảng. 15 phút ấy đã bị đa số người dân Nhật phản đối dữ dội, khiến ông Nishino phải lên tiếng xin lỗi (và ông đã thay đổi, không chọn lối chơi xấu xí để đạt hiệu quả, thể hiện trong gặp Bỉ).

Không ít người Việt đã lấy làm lạ về chuyện này, khi cho rằng kết quả cuối cùng mới là điều quan trọng. Sao lại mắng ông Nishino?

Thật ra, muốn hiểu câu chuyện này, chúng ta đừng lấy tư duy của mình để khen hay chê ông Nishino. Người nào cũng đúng cả, bởi hai góc nhìn khác nhau: một nhìn từ việc đề cao fair play, và một nhìn từ góc độ hiệu quả.

Nhưng người Nhật thì khác, họ nhìn vấn đề dựa trên tư tưởng của Yukichi Fukuzawa - nhà tư tưởng vĩ đại nhất của Nhật (1835-1901), người được in chân dung trên tờ bạc có mệnh giá cao nhất của Nhật.

Ông là người được xem như làm thay đổi cả nước Nhật. Nếu đọc các tác phẩm của Yukichi như Khuyến học, Phúc ông tự truyện, Thoát Á luận… thì sẽ thấy một trong những vấn đề lớn mà ông đưa ra, đó là không thỏa hiệp với sai trái để đạt được mục đích nhất thời, riêng tư.

Nhờ đó, chúng ta mới có những bài học lớn từ người Nhật như sóng thần, động đất đe dọa tính mạng con người đến nơi, nhưng họ vẫn trật tự xếp hàng. Họ làm việc luôn hết mình, không nề hà đó là làm cho bản thân hay cho ông chủ.

Tôi từng kể với mọi người một câu chuyện là vị Tổng giám đốc công ty J-League, trong một lần đến VN đã cho mọi người xem một tấm danh thiếp màu xanh, trên đó ghi "Nhật Bản vô địch World Cup 2050". Bất cứ ai làm bóng đá ở Nhật, cũng luôn có tấm danh thiếp này trong người, như một sự nhắc nhở rằng phải luôn nhớ đến mục tiêu đó.

Nếu ví bóng đá Nhật như là cuộc đời một con người để hoạch định tương lai, thì mục tiêu cao nhất là vô địch World Cup, và cột mốc là năm 2050, cũng là năm người Nhật chuẩn bị ngay từ bây giờ để xin đăng cai tổ chức World Cup.

Nghĩa là đến 2050, đó là đỉnh cao của bóng đá Nhật.

Vậy thì, ví như một đời người, ở 2018 hiện tại, bóng đá Nhật như một cậu học sinh phổ thông trung học. Và ở lứa tuổi phổ thông trung học thì phải làm gì? Phải sống và học tập hết mình, chơi hết mình, biết nuôi dưỡng ước mơ; chứ không phải sống mưu mẹo để đạt những mục tiêu nhất thời.

Có như vậy mới biết mình đang ở đâu, mạnh điểm nào, yếu ở điều gì nhằm rèn luyện bổ sung để hoàn thiện.

Chúng ta thử đặt một giả thiết: Nếu Nhật chọn lối chơi tử thủ 30 phút cuối để bảo toàn chiến thắng thì sao? Chưa chắc đã bảo vệ được thành quả trước sức ép và cả sự vượt trội của Bỉ.

Nhưng cho dù thành công, thì vào tứ kết gặp Brazil, liệu có thắng không? Người Nhật không ảo tưởng đâu. Nhưng chơi một trận tất tay với Bỉ, họ biết mình hiện còn thiếu điều gì, và sẽ hoàn thiện để hạn chế những khiếm khuyết còn lại trong 32 năm còn lại nhằm hướng đến 2050.

Tôi nghĩ, người Nhật làm bóng đá dựa trên những ưu điểm đã đưa dân tộc này đạt những bước tiến thần kỳ sau thế chiến thứ 2. Có như thế, họ đến với vòng chung kết World Cup muộn hơn Hàn Quốc, muộn hơn nhiều đội châu Á khác, nhưng giờ họ là những người đi nhanh nhất, vững chắc nhất của bóng đá châu Á.

Vận câu chuyện của đội Nhật, của bóng đá Nhật vào cuộc đời, có lẽ chúng ta sẽ rút tỉa ra những bài học cực hay cho bản thân.

Ví dụ như với bóng đá Việt, còn nhớ, khi đội tuyển của ông Mai Đức Chung đoạt cúp Merdeka, đa phần người hâm mộ đã hò reo vui mừng. Nhưng, những người nhìn xa trông rộng thì không thấy điều gì đáng mừng ở đây cả. Khi đoàn quân của ông Chung đã chọn lối chơi tử thủ ở giải đấu này.

Lối chơi ấy chỉ đem lại cái lợi nhỏ ở trước mắt, chứ không thấy cái hại lớn ở tương lai.

Tương tự, các giải trẻ, thiếu niên, nhi đồng ở Việt Nam, người lớn đã sớm dạy cho trẻ con quá nhiều mưu mô để tìm kiếm thành tích. Nhưng điều này không phù hợp với giai đoạn phát triển của trẻ, và không giúp được sự phát triển cho tương lai. Và kết quả thì chúng ta đã thấy, bóng đá Việt thường rất giỏi ở các giải trẻ, nhưng đi càng xa càng hụt hơi.

Chung quy, đó là do bệnh hám thành tích quá nặng mà ra…

HUY THỌ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên