17/02/2004 08:47 GMT+7

Cuộc điều tra vụ tàn sát thường dân VN bước sang giai đoạn hai

DUY VĂN (tổng hợp từ The Blade of Toledo, AP)
DUY VĂN (tổng hợp từ The Blade of Toledo, AP)

TT - Sau loạt bài, cuối tháng 10-2003, quân đội Mỹ nói đồng ý xem xét lại vụ việc, nhưng vẫn chưa chịu gặp các nhân chứng. The Blade không chịu thua và liên tục tạo áp lực bằng cách thông tin các diễn tiến, kể cả sự im lặng của quân đội Mỹ và sự thúc giục không ngừng của các nhân chứng. Cuối cùng, vào tuần trước phía quân đội Mỹ xác nhận sẽ nghe lời khai nhân chứng vào cuối tháng này, mà theo The Blade, là bắt đầu giai đoạn thứ hai của cuộc điều tra.

8ycgP1KG.jpgPhóng to
43 cựu binh Mãnh Hổ đã trả lời các phỏng vấn của The Blade, trong số này 10 người thú nhận đã giết các phụ nữ, trẻ em không vũ khí, vi phạm rõ ràng Công ước Geneva 1949 và Quân luật Mỹ. Nhiều người nói họ lấy làm hối tiếc về những hành động của mình. Trong ảnh là thiếu úy Stan Parker - một lính tình nguyện của lực lượng Mãnh Hổ tại VN.
TT - Sau loạt bài, cuối tháng 10-2003, quân đội Mỹ nói đồng ý xem xét lại vụ việc, nhưng vẫn chưa chịu gặp các nhân chứng. The Blade không chịu thua và liên tục tạo áp lực bằng cách thông tin các diễn tiến, kể cả sự im lặng của quân đội Mỹ và sự thúc giục không ngừng của các nhân chứng. Cuối cùng, vào tuần trước phía quân đội Mỹ xác nhận sẽ nghe lời khai nhân chứng vào cuối tháng này, mà theo The Blade, là bắt đầu giai đoạn thứ hai của cuộc điều tra.

Những người không chịu im lặng

“Sự im lặng đáng sợ” vẫn tiếp tục. Đó là nỗi tâm tư của Rion Causey, 37 năm trước là một quân y sĩ (trong sáu tháng vào năm 1967) tại đơn vị Mãnh Hổ ở VN, và hiện nay là một kỹ sư nguyên tử.

Sau loạt bài "Những sự thật bị chôn giấu, những sự thật tàn bạo" của The Blade, Rion (nay đã 56 tuổi và đang sống tại California) nói ông đã gọi tới Lầu Năm Góc và xin được ra điều trần với tư cách nhân chứng. Nhưng ba tháng tiếp đó, đề nghị của ông đã rơi vào khoảng không, không một chút hồi âm.

Rion Causey nói ông đã tận mắt nhìn thấy đơn vị mình vi phạm luật chiến tranh. Theo lời khai của ông, các chỉ huy đơn vị biết về cuộc thảm sát nhưng đã im lặng, trong một số trường hợp thậm chí còn khuyến khích để làm tăng cái gọi là thành tích "đếm xác" của trung đội. "Không thể tha thứ cho những điều như vậy. Tôi vẫn đang chờ tòa triệu tập những sĩ quan này. Họ vẫn chưa trả lời điều gì đã xảy ra” - ông nói.

Rion là một trong hai nhân chứng đã liên lạc với quân đội sau loạt bài của The Blade, loạt bài dài nhất về những cuộc thảm sát của một đơn vị chiến đấu của Mỹ tại VN. Cùng với Rion Causey là cựu phóng viên chiến trường Dennis Stout, năm nay đã 58 tuổi.

Trong chiến tranh VN, Dennis Stout đã được tờ báo quân đội The Screaming Eagle phân công theo chân Mãnh Hổ tháng 7-1967. Sau khi chứng kiến tận mắt cảnh mà nhà báo này nói "tôi sẽ không thể nào quên và đã phải sống với nó trong một thời gian dài”, Dennis Stout bị cấm viết về những cuộc thảm sát.

Dù vậy, ông cũng đã báo cáo lên cấp trên nhưng đã không có một cuộc điều tra nào. Trong cuộc điều tra đầu tiên của quân đội tiến hành năm 1969, Dennis Stout cũng đã ra cung cấp bằng chứng mà ông tận mắt thấy: "Binh lính Mỹ bố ráp và bắt 35 người gồm phụ nữ và trẻ em rồi giết họ ngay trên cánh đồng trong thung lũng Sông Vệ vào tháng 7-1967”.

Ngay sau loạt bài của The Blade, Dennis Stout nói ông đã gọi cho bộ phận điều tra quân đội hai lần, và một đại tá đã gọi lại nói sẽ gửi một sĩ quan tới gặp ông. Nhưng ba tháng tiếp đó ông đã chờ đợi mà không thấy gì. Sốt ruột, tới ngày 23-1-2004 ông lại viết một lá thư cho Bộ chỉ huy điều tra tội ác quân đội (ACIC), nhưng vẫn không được mời lên phỏng vấn.

Thế nên vào tuần trước, cũng như Rion Causey, ông đã rất ngạc nhiên khi phía quân đội thông báo họ sẽ lấy lời khai của ông. Rion Causey và Dennis Stout cho biết họ sẽ được thiếu tá Randal Doyle phỏng vấn vào cuối tháng này.

Ngoài hai nhân chứng trên, Tổ chức Ân xá quốc tế Amnesty International (AI) và các nghị sĩ Mỹ cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc giục quân đội. Curt Goering, phó giám đốc điều hành AI, nói AI đang yêu cầu Bộ Quốc phòng Mỹ cho gặp các nhân chứng vào cuối tháng này, và khẳng định những vụ thảm sát mà The Blade nêu là tồi tệ nhất trong số các báo cáo về VN thời chiến tranh. Cuối tháng 1-2004, hạ nghị sĩ Dân chủ Dennis Kucinich (bang Cleveland) cũng đã viết thư cho quyền bộ trưởng lục quân Les Brownlee, thúc giục quân đội phải nói chuyện với các nhân chứng và tiến hành điều tra.

Ai làm "thất lạc" hồ sơ?

Hai tháng sau các bài báo của The Blade, cuối tháng 12-2003 tờ báo này phát hiện quân đội Mỹ, trong quá trình điều tra các vụ thảm sát mà nhật báo này nêu, đã không tìm thấy một số hồ sơ chủ chốt mà họ không thể giải thích tại sao chúng thất lạc (thông báo của Chris Grey, người phát ngôn của ACIC)!

Loạt bài của The Blade cho biết ít nhất 81 thường dân không vũ khí - đàn ông, đàn bà và trẻ em - đã bị trung đội “Mãnh Hổ” của sư đoàn không vận 101 giết trong khoảng từ tháng 5 đến tháng 11-1967, mặc dù nếu căn cứ vào những lời khai của các cựu binh và thường dân thì con số thường dân chết dưới tay trung đội này có thể lên tới hàng trăm.

The Blade cũng phát hiện rằng quân đội đã tiến hành một cuộc điều tra về vụ giết hại thường dân này trong suốt bốn năm rưỡi, bắt đầu từ năm 1971 và đã phán quyết 20 tội diệt chủng liên quan đến 18 binh sĩ Mỹ.

Thế nhưng sau khi hồ sơ được đưa tới Nhà Trắng dưới thời tổng thống Richard Nixon, nó đã bị lặng lẽ đóng lại năm 1975, vào thời tổng thống Gerald Ford.

The Blade tìm đến Cơ quan lưu trữ quốc gia (NA) thì được biết trong các hồ sơ "biến mất" này có đơn kiện đầu tiên chống lại trung đội Mãnh Hổ năm 1969 cùng những phát biểu (đã được tuyên thệ) của khoảng hơn 100 binh lính - nhân chứng. Sự “thất lạc” kỳ lạ này khiến Curt Goering của AI nêu thắc mắc: "Khi những hồ sơ như thế lạc mất, nó đặt ra một loạt câu hỏi. Tự nhiên thôi, nó làm tăng các nghi ngờ...”.

Nhân chứng - nhà báo Dennis Stout giận dữ khi đọc thấy tin vụ thất lạc này trên The Blade. “Làm thế nào mà người ta có thể đánh mất chúng? Thật không thể hiểu nổi. Tôi đã gặp các nhà điều tra quân đội ba lần. Họ đã lấy lời khai của tôi“.

Trong khi đó, các bảng liệt kê hồ sơ của NA còn ghi rõ Stout đã gửi tới tám đơn kiện, bắt đầu từ ngày 16-12-1969, dẫn tới việc các nhà điều tra phải phỏng vấn các binh sĩ trong hai năm tiếp đó. Một trong những binh sĩ này cuối cùng cũng đã mô tả chi tiết tội ác chiến tranh từng làm dấy lên cuộc điều tra về Mãnh Hổ kéo dài bốn năm rưỡi.

Nhưng giờ đây, những lời khai của Dennis Stout đã biến mất! Gerald Pollock, luật sư của Dennis Stout, cũng xác nhận ông đã có mặt cạnh thân chủ của mình năm 1969 khi Dennis Stout nộp đơn kiện lên ACIC.

Stout không chịu thua. Ông báo lại vụ việc với thượng nghị sĩ John McCain, người vào ngày 10-12-2003 đã viết cho Stout một lá thư nói sẽ đòi quân đội tìm cho ra những hồ sơ này. “Khi nào tôi nhận được phúc đáp, ông sẽ được báo ngay”.

Trong khi đó, hạ nghị sĩ D. Kucinich cũng viết thư cho Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld, nói ông muốn biết tình trạng của những hồ sơ thất lạc này và tại sao vụ việc lại không bao giờ được đưa ra tòa. D. Kucinich còn nhấn mạnh là với tư cách một thành viên của tiểu ban an ninh quốc gia hạ viện, ông sẽ tiếp tục kêu gọi một cuộc điều tra của quốc hội. Sức ép từ phía các nhân chứng “bướng bỉnh” và của các nghị sĩ Mỹ khiến quân đội Mỹ không thể im lặng.

Bộ trưởng Quốc phòng D.Rumsfeld, từng là thứ trưởng quốc phòng dưới thời tổng thống Gerald Ford khi cuộc điều tra đầu tiên bị xếp xó, trong một lá thư trả lời D.Kucinich ngày 22-12-2003 nói ông đã chuyển vụ việc này cho Bộ trưởng lục quân L.Brownlee. D.Rumsfeld cũng nhắc lại rằng ông không hề rút lại cuộc điều tra đầu tiên về Mãnh Hổ.

Theo người phát ngôn của nghị sĩ D. Kucinich, các kết quả điều tra sẽ phải được chuyển lên thiếu tướng Donald Ryder, chỉ huy ACIC, đầu tháng ba này. Sau đó, Donald Ryder sẽ đề nghị cách thức hành động: hoặc là quân đội sẽ ra lệnh mở cuộc điều tra mới, hoặc là sẽ khép lại vụ việc. Nhưng câu hỏi chính của D.Kucinich phải được trả lời: tại sao quân đội Mỹ xếp lại cuộc điều tra vào năm 1975?

DUY VĂN (tổng hợp từ The Blade of Toledo, AP)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên