![]() |
Nông dân Pakistan biểu tình ở Lahore để phản đối Ấn Độ trong vụ tranh chấp nguồn nước. Các tổ chức Hồi giáo cực đoan đang kêu gọi thánh chiến như “giải pháp duy nhất”! - Ảnh: AP |
“Năm nay, nguồn nước cung cấp đã giảm mạnh, ảnh hưởng tới 50% thu hoạch của chúng tôi. Nếu tình hình này cứ tiếp diễn, nông nghiệp vùng này sẽ giảm tới 75% trong 10 năm tới”. Chỉ vào 34ha hoa màu của mình đang khô hạn, Ghulam Sarwar, một nông dân Pakistan ở làng Budhan Kay, miền bắc Punjab, nói. Anh ta tỏ ra bức xúc: “Với Ấn Độ, chỉ có thể giải quyết bằng chiến tranh mới xong”. Cũng như nông dân này, hàng triệu người Pakistan khác đang lên án Ấn Độ đã “đánh cắp” nguồn nước của họ.
Mối bất hòa: đập thủy điện
Từ lâu mối quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan đã luôn “cơm không lành, canh chẳng ngọt”. Từ năm ngoái, sự nghi kỵ, giận dữ, hoang mang lại nhen nhúm và nay bùng phát khi Ấn Độ tuyên bố xây một đập thủy điện lớn trên sông Kishanganga (còn gọi là sông Neelum) ở khu Kashmir phía Ấn Độ kiểm soát. Dự án Kishanganga có công suất 330MW chỉ là một trong số vài nhà máy thủy điện mà New Delhi dự định xây dựng ở thung lũng Himalaya trong vòng một thập niên tới, nhằm đáp ứng nhu cầu điện đang ngày càng tăng vọt của nền kinh tế Ấn Độ.
Đối với Ấn Độ, việc khai thác nguồn nước vùng Himalaya là cực kỳ quan trọng. Khoảng 40% dân Ấn Độ vẫn phải sống thiếu điện và tình trạng điện chập chờn đang tác hại nghiêm trọng đến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế thuộc vào loại hàng đầu châu Á hiện nay. Nhà máy thủy điện Kishanganga đã được New Delhi tính toán xây từ 18 năm trước, nhưng do nhiều nguyên nhân mãi tới năm 2009 dự án này mới chính thức được phục hồi và thông qua.
Theo Hiệp ước nước sông Ấn (IWT) giữa Ấn Độ và Pakistan, hai bên được phép xây đập thủy điện trên sông Ấn và các chi nhánh của nó ở phía hai nước, và trong 50 năm qua IWT vẫn vận hành một cách êm ả. “Nguyên nhân là vì trước đây phía Ấn Độ chưa xây gì cả - chuyên gia nguồn nước Nam Á John Briscoe thuộc ĐH Harvard nhận định - Còn nay cuộc chơi đã hoàn toàn khác khi hàng loạt dự án thủy điện ra đời”.
Dù theo IWT, Ấn Độ có quyền xây đập thủy điện Kishanganga, nhưng dự án này lại gây phẫn nộ ở Pakistan. Nước này lo ngại với đập thủy điện này cùng nhiều đập thủy điện khác được xây dựng, phía Ấn Độ có thể điều khiển dòng chảy con sông một cách tùy ý, đặc biệt là trong mùa trồng trọt. “Con đập đó sẽ khiến Pakistan trở nên dễ bị thương tổn - một nghị sĩ Pakistan khẳng định - Phía Ấn Độ không thể nói rằng hãy tin tưởng chúng tôi, nhưng người Pakistan lại không tin người Ấn Độ”. Hồi tháng 5, chính quyền Islamabad đã cáo buộc Ấn Độ vi phạm IWT và đe dọa sẽ kiện New Delhi ra tòa án quốc tế.
Phía Ấn Độ bác bỏ mọi cáo buộc cho rằng họ vi phạm IWT hoặc cố tình “ăn trộm” nước của Pakistan. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng Pakistan có lý do để lo lắng. Nếu Ấn Độ tích nước vào hồ chứa của đập thủy điện trong mùa trồng trọt thì vụ mùa của người Pakistan ở vùng Punjab, vựa lúa mì của Pakistan, sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chuyên gia Briscoe nhận định nếu toàn bộ các dự án thủy điện này của Ấn Độ được xây dựng, chúng sẽ có khả năng giữ một lượng nước bằng một tháng nước sông chảy vào Pakistan trong mùa khô, đủ để phá hủy hoàn toàn một vụ mùa của vùng Punjab.
Họng súng kề thái dương
Theo báo cáo của Trung tâm nghiên cứu quốc tế Woodrow Wilson, nguồn cung cấp nước ở Pakistan đã giảm tới 70%, từ mức 5.000 m3/người trong thập niên 1950 xuống dưới 1.500 m3/người. Pakistan đang đứng trước bờ vực của một quốc gia thiếu nước, theo đánh giá của Liên Hiệp Quốc.
Trong khi đó, thiết kế của đập thủy điện Kishanganga đòi hỏi phần lớn lượng nước của con sông bị đổi hướng trong gần cả năm. Các chuyên gia Pakistan cảnh báo đập thủy điện đầu tiên này sẽ giết chết các loài cá và tiêu diệt cuộc sống của người dân sống ở vùng Kashmir phía Pakistan kiểm soát.
Dù Ấn Độ đã lên tiếng trấn an nhưng Pakistan cho rằng họ có đủ lý do để ngờ vực. Năm 1948, một năm sau khi Pakistan và Ấn Độ trở thành hai quốc gia độc lập, một nhà quản lý ở Ấn Độ đã chặn nguồn nước dẫn vào hàng loạt con kênh ở vùng Punjab.
Sau đó chính quyền New Delhi tuyên bố đó chỉ là một “sơ suất hành chính”, nhưng ký ức này vẫn còn nguyên trong đầu óc của người Pakistan. “Một khi từng bị gí súng kề thái dương và khẩu súng đã lên đạn, bạn không bao giờ quên được” - một nghị sĩ Pakistan mô tả. Một số quan chức Mỹ ở Islamabad cũng thừa nhận nỗi lo ngại thiếu nước ở Pakistan đang trở nên nghiêm trọng.
Xung đột về nguồn nước có nguy cơ bùng nổ giữa hai nước láng giềng vốn đã thù hằn nhau. Các tổ chức Hồi giáo cực đoan ở Pakistan bắt đầu kêu gọi nông dân nổi dậy. “Chỉ có thánh chiến mới giúp đem lại nước ngọt cho Pakistan”, tổ chức thiện nguyện Jammat-ud-Dawa, một tổ chức bình phong của nhóm Lashkar-e-Taiba, thủ phạm vụ tấn công Mumbai, tuyên bố.
Giới quan sát nhận định Ấn Độ và Pakistan cần dẹp bỏ mọi hằn thù, nghi kỵ để đối thoại và chia sẻ thông tin về nguồn nước. “Cách duy nhất là ngồi lại và đàm phán” - chuyên gia Hamid Malhi thuộc Hội đồng nước Punjab, đại diện nông dân Punjab, nhấn mạnh.
Nhưng như một nghị sĩ Pakistan nhận định, mối quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan “giống như một cuộc hôn nhân tồi tệ”. “Sẽ là tốt hơn nếu chúng tôi đối thoại công khai? Chắc chắn rồi - ông than thở - Nhưng trong lúc này chúng tôi chưa làm được vậy”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận