20/05/2022 10:37 GMT+7

'Cuộc chiến' mới: giữ giá thực phẩm

BẢO ANH
BẢO ANH

TTO - Liên Hiệp Quốc (LHQ) kêu gọi các quốc gia phải 'cùng nhau hành động, khẩn trương và đoàn kết' để chấm dứt cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu hiện nay.

Cuộc chiến mới: giữ giá thực phẩm - Ảnh 1.

Nông dân thu hoạch lúa mì trên cánh đồng ở ngoại ô thành phố Amritsar, bang Punjab, miền bắc Ấn Độ hồi tháng 4-2022 - Ảnh: AFP

Ngày 18-5, tại hội nghị an ninh lương thực ở trụ sở của LHQ, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo cuộc chiến ở Ukraine góp phần gây ra khủng hoảng lương thực toàn cầu và khủng hoảng này sẽ kéo dài nhiều năm nếu không được kiểm soát. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói thế giới đang đối diện "cuộc khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu lớn nhất thời đại".

Nhiều nước cấm xuất khẩu thực phẩm

Ấn Độ - nhà sản xuất lúa mì lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc - vừa thông báo cấm xuất khẩu lúa mì. Truyền thông địa phương cho biết lý do là để đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Đây là diễn biến đáng chú ý, bởi chỉ mới cách đây 1 tháng, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi còn đề nghị giúp đỡ các nước thiếu lương thực.

Theo kênh CNBC, không chỉ Ấn Độ, trong danh sách các nước đang cấm xuất khẩu lúa mì do Viện Nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế (IFPRI) cập nhật còn có Nga, Ukraine, Ai Cập, Kazakhstan, Kosovo và Serbia.

Cũng theo danh sách này, nhiều nước như Argentina, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ… còn cấm xuất khẩu khoai tây, dầu cọ, thịt bò, đường… Serbia cấm xuất khẩu lúa mì, bắp, bột mì và dầu ăn ít nhất cho tới ngày 31-12-2022.

Phản ứng của các nước diễn ra trong bối cảnh giá cả nhiều mặt hàng tăng chóng mặt khiến lạm phát tăng toàn cầu. Chỉ số giá nông sản và thực phẩm của LHQ đạt mức cao nhất mọi thời (gần 160 điểm) vào tháng 3 năm nay trước khi giảm 1,2 điểm, tương đương 0,8%, trong tháng 4.

Chỉ số giá ngũ cốc và thịt cũng đạt mức cao kỷ lục trong tháng 3. Một năm trước, giá lúa mì trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) là 6,74 USD/bushel (1 bushel lúa mì = 27,2kg) nhưng hiện có giá 12,42 USD/bushel, tăng gần gấp đôi.

Trong phiên giao dịch ngày 18-5, chứng khoán Phố Wall (Mỹ) có một trong những phiên giảm điểm tồi tệ nhất kể từ năm 2020. Chỉ số S&P 500 giảm tới 4,04% sau khi nhóm bán lẻ cho biết các vấn đề về chuỗi cung ứng và lạm phát (hiện ở Mỹ là 8%) đang ảnh hưởng lớn tới lợi nhuận.

Nhận định trên báo Financial Times, cây bút Megan Greene thuộc Trường Harvard Kennedy cho rằng việc mất an ninh lương thực là vấn đề còn lớn hơn năng lượng. Nhà kinh tế học này đánh giá tình trạng thiếu lương thực trên toàn cầu đang đẩy giá cả lên mức cao kỷ lục, gây tác động lớn về kinh tế và chính trị, đe dọa làm bùng lên nạn đói và nợ nần tại nhiều nước.

Cuộc chiến mới: giữ giá thực phẩm - Ảnh 2.

Giải pháp: khó trông chờ vào thiện chí

Ông Antonio Guterres cho biết tình trạng thiếu lương thực do chiến tranh, biến đổi khí hậu và các vấn đề gián đoạn cung ứng đang đe dọa "đẩy hàng chục triệu người rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực".

Ông Guterres đã liên lạc với Nga và nhiều bên khác như Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU)... để cố gắng tìm giải pháp. "Các tác động phức tạp về an ninh, kinh tế và tài chính đòi hỏi thiện chí của tất cả các bên nhằm đạt được thỏa thuận", ông nói.

Cuộc xung đột Nga - Ukraine và các lệnh trừng phạt kinh tế quốc tế với Nga đã làm gián đoạn nguồn cung phân bón, lúa mì và các mặt hàng khác từ cả hai nước, đẩy giá lương thực và nhiên liệu lên cao, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Nga và Ukraine chiếm tới 30% lượng lúa mì được sản xuất trên thế giới.

Đối với Ukraine, với việc cảng Odessa, Chornomorsk và những cảng khác bị cắt đứt với thế giới, nguồn cung lương thực hiện tại chỉ có thể vận chuyển trên các tuyến đường bộ thường xuyên tắc nghẽn và kém hiệu quả hơn nhiều.

"Cần nói rõ là không có giải pháp hiệu quả nào cho cuộc khủng hoảng lương thực mà không khôi phục sản xuất lương thực ở Ukraine. Nga phải cho phép lương thực lưu trữ tại các cảng của Ukraine được xuất khẩu an toàn" - ông Guterres nói.

Đối với Nga, ông Guterres cho rằng thực phẩm và phân bón của Nga "phải được tiếp cận đầy đủ và không bị hạn chế tại các thị trường trên thế giới".

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass kêu gọi: "Các quốc gia nên phối hợp những nỗ lực tăng nguồn cung năng lượng và phân bón, giúp nông dân tăng cường trồng trọt và nâng cao năng suất cây trồng, xóa bỏ các chính sách cản trở xuất nhập khẩu...".

Các kế hoạch đối phó khủng hoảng

Ngày 18-5, Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã cùng một số ngân hàng phát triển toàn cầu và các nhóm khác lên kế hoạch trị giá hàng tỉ USD nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực trên thế giới đang ngày càng trầm trọng hơn. Chẳng hạn, Ngân hàng Phát triển châu Phi sẽ chi 1,5 tỉ USD để hỗ trợ 20 triệu nông dân.

Cùng ngày, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố tài trợ thêm 12 tỉ USD cho các dự án trong 15 tháng tới nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, nâng tổng số tiền tài trợ của họ lên 30 tỉ USD. Họ sẽ khuyến khích sản xuất lương thực và phân bón, tăng cường hệ thống lương thực, tạo thuận lợi nhiều hơn cho thương mại, hỗ trợ các hộ gia đình dễ bị tổn thương....

LHQ cảnh báo khủng hoảng lương thực kéo dài, Nga đổ lỗi phương Tây LHQ cảnh báo khủng hoảng lương thực kéo dài, Nga đổ lỗi phương Tây

TTO - Đại sứ Nga tại Mỹ nói các hành động không khôn ngoan của phương Tây là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, sau khi Liên Hiệp Quốc nói tình trạng thiếu hụt lương thực do xung đột Nga - Ukraine có thể kéo dài nhiều năm.

BẢO ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên