08/03/2006 15:01 GMT+7

Cuộc chiến chốn thâm cung: Vì đâu thảm khốc?!

HÒA BÌNH
HÒA BÌNH

TTO - Bộ phim đang hằng đêm cuốn hút người xem, và được biết nó từng gây sốt kỷ lục người xem tại Hong Kong; đang được làm tiếp phần 2, cùng lúc được Trung Quốc phỏng lại, làm bộ mới…

q6lgaKkd.jpgPhóng to
TTO - Bộ phim đang hằng đêm cuốn hút người xem, và được biết nó từng gây sốt kỷ lục người xem tại Hong Kong; đang được làm tiếp phần 2, cùng lúc được Trung Quốc phỏng lại, làm bộ mới…

Xem phim, chứng kiến sự bi thiết của phận người nơi cung cấm, ai cũng sẽ rùng mình, xót xa tự hỏi tại sao? Tác giả Hải Triều đã có cách lý giải nguyên nhân trên Tuổi Trẻ ngày 3-3: đó là vì cái nhân - quả cho sự ích kỷ và những tham vọng đáng sợ của con người.

Song, vẫn có thể lý giải cách khác: chính định chế khắc nghiệt, vô lý của chế độ - xã hội phong kiến áp đặt lên người phụ nữ là cái gốc gây ra sự thảm khốc cho từng thân phận nữ nhi trong cuộc… nội chiến này.

Vâng, lẽ ra nhà đài nên để lại chữ “nội chiến” trong tên phim gốc Thâm cung nội chiến mới diễn tả được sóng gió trùng trùng bên trong cái vẻ ngoài vàng son, yên ả chốn cấm cung!

Vì sao tất cả những người phụ nữ tuyệt sắc đó đều không lơi một phút toan tính mưu sâu kế độc để tranh giành? Vì có mỗi một ông vua nhưng có đến tam cung, lục viện và ba năm lại tuyển mới tú nữ - con gái đẹp - một lần. Đám tú nữ này nếu được ban thẻ ngọc sẽ thành “đồng ứng” - dự bị được “tiếp cận” vua - trở thành tiểu chủ nhân, có quyền sai khiến người khác; không nhận thẻ ngọc sẽ phải làm cung nữ hầu hạ trong cung.

Từ đồng ứng có thể được phong thành “phi”, tùy vào… ngẫu hứng của vua. Thành phi rồi thì sao? Có những vị phi gặp vua chỉ mỗi một lần rồi lạnh lẽo tàn đời. Nếu được vua “biết” đến sẽ có bao nhiêu thế lực xu nịnh, dâng biếu biết bao lợi lộc như Như Phi. Nếu không được vua đoái hoài, lại không có bản lĩnh đối phó, dù là phi tần cũng không ai ghé mắt, ngay cả kẻ hầu cũng lờn mặt, có thể đói ăn đói mặc, chỗ ở nhện giăng ngay trong cung vàng điện ngọc như Phúc quí phi…

Thê thảm hơn, trong xã hội phong kiến, người phụ nữ không được tôn trọng, không thể tự quyết định số phận của mình. Lũ quạ đen phá phách, vô tích sự lại được nâng niu, nuôi ăn hằng ngày. Chúng đả thương con người nhưng ai đụng đến liền bị trị tội vì được cho là vật tổ của nhà Thanh; trong khi mạng người không bằng con vật.

An Xuyến 13 tuổi vào cung làm cung nữ, hơn chục năm dài luôn tận tụy làm việc, tính nết hiền lương; công cán, uy tín và ơn nghĩa trong cung tính ra không nhỏ - chẳng có một chút tham vọng. Chỉ vì một lần không nghe lệnh bề trên làm chuyện trái lương tâm, cô bị mưu hại dựa vào cái định chế “ban hôn” tùy tiện và lề thói trọng nam khinh nữ - chồng chúa vợ tôi độc ác “hoạn quan vẫn có thể lấy vợ” của chế độ vua chúa - bị ban hôn cho một lão thái giám nhẫn tâm; tính mạng như chỉ treo chuông…

Ba chị em Nguyên Kỳ, Thục Ninh, Nhĩ Thuần sống chung từ nhỏ, tình thâm như ruột thịt, vì đâu lại giết hại nhau trong cung Chung Túy? Bởi ba cô không được sống cho mình, chỉ là công cụ phục vụ cho Từ công công; song khi hết giá trị lợi dụng, lão sẵn sàng treo cổ Thục Ninh…

Ngọc Doanh xinh đẹp, tài trí hơn người, nhưng mẹ con cô vẫn bị khinh khi, hà hiếp vì phận lẻ mọn của bà mẹ trong xã hội mà đàn ông có thể năm thê bảy thiếp. Muốn được tôn trọng, giúp mẹ, cô gái này chẳng thể học hành, thi cử đỗ đạt để hiển vinh mà chỉ có con đường duy nhất “lấy chồng sang”, nên cô mới điên cuồng trong “trận chiến” dù lòng dạ nát tan, nhiều phen lâm nạn, bị nhốt cách ly, tiền bạc mất sạch…

Trong định chế xã hội ấy, người phụ nữ dẫu có làm đến hoàng hậu cũng dễ dàng rơi vào bất hạnh!

HÒA BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên