Bà Deborah Gildea, Giám đốc Novartis Social Business khu vực Châu Á, Thái Bình Dương
Đến nay, chương trình Cùng Sống Khỏe đã tiếp cận được hơn 930.000 người, cung cấp kiến thức cơ bản về sức khỏe và khám sàng lọc nhằm phòng ngừa các bệnh tiểu đường và tăng huyết áp. Chương trình cũng đào tạo về kỹ năng chẩn đoán và điều trị bệnh tăng huyết áp và tiểu đường cho 638 bác sĩ đến từ trung tâm y tế huyện và cộng đồng vào năm 2017 và 2018, từ đó giúp nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân tại các trung tâm y tế địa phương.
Bà Deborah Gildea, Giám đốc Khối kinh doanh xã hội khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Novartis (Novartis Social Business) đã chia sẻ về chương trình ý nghĩa này, nhân dịp bà đến Hà Nội tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới - ASEAN với lãnh đạo ngành y tế và các hãng dược đồng nghiệp. Bà nói:
Novartis đã có mặt ở Châu Á 20 năm nay, chúng tôi thực hiện chương trình Cùng Sống Khỏe với mục đích giúp người bệnh có thể tiếp cận được các dịch vụ y tế tốt với chi phí phù hợp. Để thực hiện chương trình này có hai vấn đề cần quan tâm đó là tính bền vững và khả năng duy trì. Đến nay chương trình đã thực hiện ở Việt Nam được 5 năm, và ở Ấn Độ là 10 năm.
Cùng sống khỏe được thực hiện như thế nào và người dân được hưởng lợi từ chương trình ra sao, thưa bà?
Chúng tôi áp dụng cách tiếp cận theo quốc gia dựa vào nhu cầu y tế cộng đồng của quốc gia đó. Hiện tại, chương trình tập trung vào chữa bệnh tiểu đường và tăng huyết áp. Những hoạt động này được hỗ trợ cho các nước từng bước một nhằm tăng cường khả năng tiếp cận của người dân, giúp họ tiếp cận được dịch vụ y tế tốt hơn với chi phí khám chữa bệnh hợp lý.
Cùng Sống Khỏe khám bệnh miễn phí cho người dân
Để thực hiện được chương trình, chúng tôi tìm hiểu kỹ về cơ sở hạ tầng y tế của từng quốc gia, như ở Ấn Độ chúng tôi chia đội ngũ ra làm hai nhóm để thực hiện mô hình Cùng Sống Khỏe, trong đó một nhóm đi từng làng mạc hướng dẫn người dân từng việc nhỏ để chăm sóc sức khỏe, như rửa tay như thế nào cho sạch, phòng ngừa tiểu đường bằng cách nào…, nhóm còn lại thì công việc của họ giống các công ty dược thông thường là nhận đơn và cung cấp thuốc.
Có một số người cho rằng Cùng Sống Khỏe làm vậy là để bán thuốc, nhưng tôi cũng xin gải thích là thuốc của Novartis chỉ có 5% trong đó thôi, 95% còn lại từ các hãng dược khác và do người bệnh lựa chọn, tất nhiên, thuốc của Novartis phải đáp ứng các yêu cầu tốt về chất lượng và được hội đồng tuyển chọn chọn lựa.
Cùng sống khỏe đã được mở rộng như thế nào và theo bà điều gì đang cản trở việc mở rộng chương trình?
Hiện nay chương trình đã có mặt ở 14500 làng mạc của Ấn Độ, còn tại Việt Nam, chúng tôi có hơn 1700 xã tham gia chương trình. Chúng tôi cũng tính đến tính sẵn có của các sản phẩm thuốc tại các nhà thuốc ở làng, xã.
Ngành y tế Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức là người bệnh bỏ qua tuyến y tế cơ sở để lên thẳng tuyến trên khám và chữa bệnh. Chúng tôi cũng như các bác sỹ ở tuyến cơ sở luôn động viên để người bệnh ở lại cơ sở y tế địa phương, được chẩn đoán sớm, phát hiện sớm giúp hiệu quả điều trị cũng tốt hơn, lại tiết kiệm được chi phí đi lại.
Như bà đã nói thì khả năng duy trì chương trình là vấn đề quan trọng. Hiện chương trình có dự định duy trì đến thời gian nào? Bà đánh giá như thế nào về gánh nặng bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam, nhóm bệnh mà Cùng sống khỏe đang hướng đến?
Chúng tôi đã thực hiện chương trình này tại Việt Nam được 5 năm và chưa có ý định dừng lại. Hiện tại, chương trình đang được thực hiện ở miền Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long, chúng tôi mong muốn được triển khai chương trình ở miền Trung.
Vấn đề hiện nay là nếu chúng tôi triển khai chương trình ở vùng sâu vùng xa thì sẽ gặp phải những khó khăn về ngôn ngữ, văn hóa, sự phối hợp… Cách thức hiện nay chúng tôi đang thực hiện là phối hợp với Sở Y tế tỉnh, rồi sau đó làm việc với huyện, xã và các thôn bản, từ đó chúng tôi đưa ra những tư vấn phù hợp với đặc trưng của từng vùng miền.
Các bệnh mạn tính hoặc các bệnh không lây nhiễm (NCDs) hiện là nguyên nhân gây tử vong cao gấp 4 lần so với các bệnh truyền nhiễm. Riêng bệnh tim mạch gây ra một phần ba (1/3) số ca tử vong. Ở các nước phát triển và đang phát triển, các yếu tố rủi đối với NCDs - chẳng hạn như lối sống ít vận động và chế độ ăn uống không lành mạnh - đang được nhân lên.
Việt Nam vẫn là quốc gia nơi có gần 15 triệu người hút thuốc. Và trong khi tại Việt Nam tỉ lệ người trưởng thành béo phì ở mức thấp nhất trên thế giới thì số trẻ em béo phì lại đang tăng lên, báo hiệu một cuộc khủng hoảng NCD trong tương lai.
Novartis đã hỗ trợ Bộ Y tế trong các lĩnh vực như bồi dưỡng năng lực nhân viên y tế thông qua chương trình Cùng Sống Khỏe, đã có hơn 2.400 chuyên gia y tế tại hơn 1.700 trạm y tế nông thôn tham gia, họ được huấn luyện cách tổ chức các cuộc trao đổi về giáo dục sức khỏe và các trạm y tế cộng đồng.
Các hoạt động này đã đến với hơn 930.000 người dân giúp họ có được kiến thức sức khỏe cơ bản về phòng ngừa các bệnh như tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh hô hấp và tiêu chảy. Nhân viên y tế cũng hỗ trợ phương pháp giữ vệ sinh và dinh dưỡng tốt hơn cho người dân, cũng như thúc đẩy người dân tiếp cận với các dịch vụ y tế địa phương.
Định hướng sắp tới là phối hợp với Bộ Y tế để đưa thuốc vào chương trình Novartis Access, một chương trình tiếp cận khác của chúng tôi, cho mọi người. Đồng thời, chúng tôi cũng cố gắng hỗ trợ người dân khám sàng lọc bệnh. Năm trong số 15 loại thuốc là một phần của chương trình Novartis Access đã được cấp phép. Chúng tôi hy vọng rằng chúng tôi có thể triển khai chương trình tại 2 tỉnh nữa ở miền Bắc Việt Nam vào cuối năm nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận