Những hiện vật: bia, đá đang lưu giữ ở chùa Thuyền Lâm ngày nay mà nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho rằng là dấu vết của cung điện Đan Dương - Ảnh: Minh Tự |
Có hay không cung điện Đan Dương thời Tây Sơn ở Huế? Nếu có thì cung điện đó nằm ở đâu, đặc điểm như thế nào, chức năng và thời gian tồn tại, nhân vật nào và sự kiện gì xảy ra tại đó?
Cuộc tranh luận kịch liệt về cung điện Đan Dương thời Tây Sơn ở Huế kéo dài đến 6g tối ngày 30-10 mà vẫn chưa thể giải quyết được nhiều vấn đề đặt ra như trên.
Kết cục này có lẽ đã được ban tổ chức hội thảo (Sở VH-TT&DL, Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên - Huế và Vietravel) cũng như các đại biểu hội thảo (chuyên gia sử học của cả nước) lường trước. Bởi vì câu hỏi này đã được giới nghiên cứu trong nước và thế giới đặt ra từ hơn nửa thế kỷ trước, đã có rất nhiều công trình nghiên cứu công phu và tâm huyết, nhưng vẫn chưa thể tìm ra câu trả lời thuyết phục trước thách thức và cũng là đòi hỏi ráo riết của lịch sử.
Người công phu nhất là nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, ông bỏ ra hơn 30 năm để đi tìm cung điện Đan Dương. Câu trả lời của ông được lý giải rất công phu trong cuốn sách Cung điện Đan Dương - sơn lăng của hoàng đế Quang Trung đã hai lần xuất bản.
Nghiên cứu của ông Xuân dựa trên nguồn tư liệu là ghi chép của những người Pháp vào thời điểm vua Quang Trung đang ở kinh đô Phú Xuân và các bài thơ của hai vị cận thần của vua Quang Trung là Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích. Nguồn tư liệu thứ hai là kết quả khảo sát thực địa khu vực ấp Bình An - nằm ở phía nam sông Hương, gần đàn Nam Giao.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân (cầm gậy) giới thiệu với các nhà nghiên cứu một hiện vật mà ông cho rằng đó là dấu vết của cung điện Đan Dương - Ảnh: Minh Tự |
Ông Xuân dẫn các tài liệu ghi chép của các nhân chứng đương thời, cho thấy cung điện đó có những đặc điểm: nằm ở bờ nam sông Hương; phía bắc đàn Nam Giao; gần chùa Thiền Lâm; có đắp thành chung quanh. Từ những đặc điểm mà các tư liệu mô tả, ông Xuân tiến hành khảo sát thực địa tại khu vực ngày nay có ngôi chùa tên Thuyền Lâm (150 đường Điện Biên Phủ, Huế) và khu vực chung quanh.
Tại đây, ông Xuân đã tìm thấy nhiều hiện vật gồm: bia đá, đá táng dùng kê các cột nhà, đá lát sàn, gạch vồ; các giếng được gọi là “giếng loạn”; các ngôi mộ được gọi là “mả loạn”... Từ những nghiên cứu đó, ông Xuân đi đến kết luận: có một cung điện tên là Đan Dương của Quang Trung vốn là cung điện mùa đông, tức là phủ Dương Xuân của chúa Nguyễn.
Cung điện Đan Dương là nơi sống, làm việc của vua thời ở kinh đô Phú Xuân (vua không làm trong kinh thành Phú Xuân). Đây cũng là nơi chôn cất thi hài của vua khi băng hà (năm 1792), gọi là Đang Dương lăng.
Quan điểm của ông Nguyễn Đắc Xuân nhận được sự ủng hộ của không ít nhà nghiên cứu, nhưng cũng có nhiều ý kiến chưa đồng tình, thậm chí phản bác kịch liệt. Nhà nghiên cứu Nguyễn Anh Huy (Huế) cho rằng các tư liệu thơ văn của Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích mà ông Xuân đã tham khảo là không chuẩn.
Cụ thể là câu “Cung điện Đan Dương là sơn lăng phụng chứ bảo y tiên hoàng ta” trong phần chú thích của bài thơ “Cảm hoài” của Ngô Thì Nhậm là do người đời sau viết, có nhiều chỗ không rõ ràng, nên không có giá trị tham khảo.
Chùa Thuyền Lâm ngày nay, nơi mà các nhà nghiên cứu cho rằng từng tồn tại chùa Thiền Lâm thời Quang Trung - Ảnh: Minh Tự |
Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh (Huế) thì khẳng định: không có cung điện Đan Dương nào cả, mà chỉ có một lăng Đan Dương, nơi an táng thi hài của Thái tổ Võ hoàng đế Quang Trung. Và Đan lăng nằm ở đâu? “Theo tôi, đó là một điều chưa thể khẳng định chỉ với các suy luận thiếu chứng cứ hiển nhiên”, ông Vinh nói.
Đồng thời, ông Vinh đưa ra một giả thiết mới: lăng mộ vua Quang Trung có thể nằm ở địa điểm phía đông chùa Từ Đàm, bởi vì trong sơ đồ điền thổ làng Bình An, có một thửa đất khá gần chùa Thiền Lâm, nằm phía đông trước chùa Từ Đàm, ghi là “cựu hoàng mộ”...
Theo ý kiến của GS Phan Huy Lê - chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN: cần phải có thực hiện khai quật khảo cổ học ở khu vực mà các nhà nghiên cứu cho rằng có thể có cung điện Đan Dương. Đó là khu vực hiện đang tọa lạc chùa Thuyền Lâm và khu dân cư chung quanh, thuộc ấp Bình An trước đây và bây giờ là phường Trường An, TP Huế.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân (đứng bìa phải) thuyết minh với giới nghiên cứu về khu vực mà ông cho rằng là nơi từng tồn tại cung điện Đan Dương. Người ngồi giữa là GS Phan Huy Lê, ngồi bên trái là GS Chương Thâu - Ảnh: Minh Tự |
Những tranh luận quyết liệt của các nhà nghiên cứu cũng chỉ dựa chủ yếu trên tư liệu thơ văn thời Tây Sơn và ghi chép của người Pháp bấy giờ. Vì vậy, câu trả lời không gì cụ thể và thuyết phục hơn là kết quả khai quật khảo cổ.
Việc khai quật này không chỉ giúp các nhà nghiên cứu khỏi mất thêm thời gian tìm kiếm và tranh luận, mà còn giúp các nhà kinh doanh du lịch có một quyết định đầu tư chính xác. Bởi vì lúc này, khi cung điện Đan Dương vẫn chưa rõ có hay không mà đã có doanh nghiệp du lịch nghĩ đến việc xây dựng một tour du lịch triều Tây Sơn ở Huế, với điểm đến rất độc đáo là “cung điện Đan Dương”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận