08/03/2024 09:20 GMT+7

Cụ ông Pa Kô và những tấm phiếu góp lương kháng chiến

Chiến tranh đã qua lâu nhưng ông Hồ Ca Đưng vẫn giữ gìn hàng chục tấm phiếu viết tay ghi lại đóng góp của gia đình cho kháng chiến. Không phải ông đòi, cũng không phải ông kể công, đó là tấm lòng sắt son của ông cũng như bao đồng bào với cách mạng.

Ông Hồ Ca Đưng gìn giữ những tấm phiếu đóng góp cho kháng chiến như “di sản” của cha mẹ

Ông Hồ Ca Đưng gìn giữ những tấm phiếu đóng góp cho kháng chiến như “di sản” của cha mẹ

Những mẩu giấy nhỏ gọn trong lòng bàn tay đã nhàu nát, ố màu thời gian nhưng nét chữ thì vẫn vẹn nguyên như tấm lòng sắt son của người Pa Kô với cách mạng. Có tờ viết tay hoàn toàn, có tờ được in theo mẫu, có dấu đỏ và có chung nội dung biên nhận gạo, sắn, muối của gia đình ông Hồ Ca Đưng kèm ngày tháng năm và chữ ký của người nhận.

Chúng tôi cũng dẫn theo nhiều học sinh ở thôn Pa Lin để các cháu noi gương. Các cháu rất thích thú khi nghe chuyện bố Đưng kể về một thời hào hùng và được xem các tấm phiếu quý giá đóng góp cho cách mạng.

Bà HỒ THỊ THANH TÂM

Tất cả cho kháng chiến

Ở tuổi 83, ông Hồ Ca Đưng trông vẫn còn đầy tráng kiện và khỏe mạnh. Nhà ông ở lưng chừng ngọn đồi tại thôn Pa Lin, xã A Vao, huyện Đakrông, Quảng Trị. Sinh ra và lớn lên ở vùng rừng núi, người Pa Kô có sức mạnh thể chất mà khó ai bì kịp. Trong căn nhà sàn nhỏ gọn, đơn sơ, ký ức một thời tham gia gùi lương tải đạn và bộ đội địa phương dần ùa về trong tâm trí ông.

Năm 1959, khi vừa tròn 18 tuổi, người thanh niên Hồ Ca Đưng tham gia cách mạng. Bấy giờ, gia đình ông ở thôn Prin C, xã A Vao (huyện Hướng Hóa). Ông cùng với những thanh niên khác trong bản được phiên vào đơn vị vận tải.

"Bố gùi hàng từ Ka Tang, một địa danh của huyện Sa Muồi (tỉnh Salavan, Lào) đến Thừa Thiên Huế. Trong ba năm liền, trên lưng bố gùi không biết bao nhiêu quần áo, súng đạn, gạo và cả xe quân sự", ông Đưng phá lên cười rồi giải thích xe quân sự được tháo rời từng bộ phận để mọi người cùng gùi.

Hàng nặng hơn không thể gùi bằng sức người thì chở bằng trâu, ngựa, voi rồi sau này là xe đạp. Sáng đi, chiều đến đích rồi mai quay trở lại để tiếp tục hành trình. "Thời điểm đó bom mìn thì ít gặp nhưng có lần đoàn bị cọp tấn công rồi ngã giữa rừng là thường", ông Ca Đưng kể.

Năm 1962, ông gia nhập quân đội, được biên chế về C1 bộ đội địa phương huyện Hướng Hóa, chiến đấu ở đường 9, cứ điểm Tà Cơn... Ông còn nhớ mãi năm 1971, đơn vị phối hợp với du kích bắn rơi một chiếc trực thăng ở đỉnh đồi Ra Chăng thuộc Lào.

Những khi có chiến dịch, ông cùng đồng đội ban đêm đặt mìn ở đường 9 nối thị xã Đông Hà lên biên giới Lào. Ban ngày thì nấp trong rừng rậm phục kích. Những lúc không đánh nhau, ông về làng bản sản xuất.

Sau 1975, ông xuất ngũ. Nơi gia đình ông sinh sống trở thành đất Lào khi hai nước phân định biên giới.

Năm 2006, nhà bị cháy, huân huy chương trong kháng chiến cháy sạch, ông kịp lao vào lửa cứu những tờ giấy ghi nhận đóng góp của gia đình với kháng chiến. Sau vụ cháy, ông cùng gia đình trở về xã A Vao sinh sống đến năm 2019 thì được cấp quốc tịch Việt Nam.

Sau hơn nửa thế kỷ, những tấm phiếu vẫn được gìn giữ

Sau hơn nửa thế kỷ, những tấm phiếu vẫn được gìn giữ

"Bố mẹ dặn cất kỹ, thống nhất cho Nhà nước xem"

Những mẩu giấy nhỏ gọn được ông Ca Đưng xem là "di sản quý báu" của bố mẹ để lại. "Bố mẹ dặn cất cho kỹ càng, khi thống nhất thì đưa cho Nhà nước xem", ông Ca Đưng kể lại lời của bố mẹ, lý giải việc lao vào lửa cứu những tờ giấy này.

Gia đình ông có bốn anh em trai, trong đó hai người đi bộ đội địa phương, hai người tham gia du kích. Trong khi ông đi bộ đội thì bố mẹ cùng hai anh trai ở nhà sản xuất, đóng góp lương thảo nuôi bộ đội. Ông kể lúc đó gia đình ông "nương rẫy nhiều, lúa rẫy cũng nhiều nên đã đóng góp lúa gạo, sắn, muối… nuôi quân, ủng hộ kháng chiến".

Bằng chứng là hàng chục tờ biên nhận úa vàng trên nhiều chất liệu giấy. Có tờ ghi chữ viết tay: "Tôi nhận 3 chặt muối - 31-8-61", "Tôi ban cung cấp công trường có nhận số gạo của thôn Prin C 28 thùng, hai mươi tám thùng.

Vậy tôi làm biên lai nhận cho Vỗ Hing sau này tiện bề thanh toán, ngày 24-1-62", "Ban vận động có nhận của khu vực Prin C 17 chặt và một con heo. Số gạo ủng hộ ủy ban kháng chiến Hướng Hóa", "Tôi Huỳnh Tấn Dũng đoàn 6 có nhận số sắn nuôi quân cho bộ đội là 100 gốc (một trăm gốc), ngày 23-12-69". Từ "chặt" là một đơn vị đo ở địa phương thời bấy giờ, còn Vỗ Hing là bố của ông Hồ Ca Đưng.

Ngoài rất nhiều tờ viết tay không theo mẫu thì trong số này có nhiều tờ in theo mẫu ghi với tiêu đề "biên lai" hoặc "phiếu thu", ghi rõ số lượng gạo nhận kèm ngày tháng, có đóng dấu hoặc chữ ký.

Ông Hồ Ca Đưng xem đây là tài sản quý gia đình để lại, chỉ những khách quý mới được ông trải lòng đưa ra cùng xem. Sau ngày trở về Việt Nam, ông thực hiện được một phần tâm nguyện là cất giữ kỹ càng. Phần việc đưa cho Nhà nước thì ông vẫn lần lữa sau này mới thực hiện.

Một phiếu đóng góp được ghi theo biểu mẫu

Một phiếu đóng góp được ghi theo biểu mẫu

Đang làm hồ sơ ghi nhận chế độ

Bà Hồ Thị Thanh Tâm - bí thư xã A Vao - cho hay địa phương ghi nhận công lao to lớn của ông Hồ Ca Đưng và gia đình trong kháng chiến. "Những câu chuyện của ông Hồ Ca Đưng và gia đình thật giá trị. Cá nhân ông Hồ Ca Đưng là một tấm gương, gia đình có công cách mạng tiêu biểu.

Hằng năm, chính quyền xã dành nhiều dịp lên thăm, trò chuyện cùng ông và gia đình. Chúng tôi cũng dẫn theo nhiều học sinh ở thôn Pa Lin để các cháu noi gương. Các cháu rất thích thú khi nghe chuyện bố Đưng kể về một thời hào hùng và được xem các tấm phiếu quý giá kể chuyện đóng góp cho cách mạng", bà Thanh Tâm nói.

Đến tháng 10-2023, xã A Vao đã ghi nhận các tấm phiếu đóng góp và có văn bản gửi đến Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đakrông để có hình thức ghi nhận đóng góp của gia đình ông.

"Phòng đang nghiên cứu để hỗ trợ trở lại gia đình ông những gì đã đóng góp theo quy định của pháp luật", bà Tâm thông tin. Trong khi đó, ông Hồ Ca Đưng tâm sự việc gìn giữ các phiếu thu là vì di nguyện của bố mẹ chứ không mong muốn có ngày được trả công. Hằng ngày ông vẫn lên rẫy canh tác. Ông có bốn tấm rẫy sắn mỗi năm thu nhập 20 triệu đồng, ba tấm trồng chuối, hai tấm trồng dứa và một tấm trồng cây bời lời.

"Vùng rừng núi biên giới, diện tích mỗi tấm không bao nhiêu nhưng cũng đủ để bố mẹ đủ ăn quanh năm", ông Hồ Ca Đưng cười tươi.

Hằng ngày ông vẫn vui vẻ lên rẫy canh tác lúa, sắn - Ảnh: H.TÁO

Hằng ngày ông vẫn vui vẻ lên rẫy canh tác lúa, sắn - Ảnh: H.TÁO

Ngoài số lượng, loại lương thực đóng góp, ngày tháng, tên của người đóng góp và người nhận, các tờ biên nhận còn có ghi rõ "khoản đóng góp quỹ cách mạng", "đóng góp nuôi quân", "bị chú chưa giả tiền". Một số tờ viết tay nhưng có dấu tròn đỏ còn rõ chữ "Tiểu đoàn 364". Các biên nhận, phiếu thu này ghi mốc thời gian từ 1960 đến 1971.

Hà Nội đêm rét, cụ ông xin thêm suất cơm mang về cho vợHà Nội đêm rét, cụ ông xin thêm suất cơm mang về cho vợ

Hà Nội trở lạnh, những mảnh đời gầy guộc run rẩy trong chiếc chăn mỏng trên vỉa hè. Họ vẫn phải mưu sinh, vẫn phải sống và đã có những bàn tay nhân ái chìa ra.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên