09/12/2012 08:16 GMT+7

Cụ Điếu vá xe

NGUYÊN LINH
NGUYÊN LINH

TT - Đêm đông. 21g, dòng người xe hối hả đi về tổ ấm, tôi bắt gặp một cụ ông ngồi co ro bên vỉa hè đường Lê Lợi, TP Huế. Đó là ông Nguyễn Văn Điếu (76 tuổi, trú tổ 2, khu vực 1, phường Vỹ Dạ) hi vọng đợi có người đi đường ghé vào bơm vá xe.

8sassSEF.jpgPhóng to
Hằng đêm, ông Điếu vẫn cần mẫn bơm vá xe trên vỉa hè.

“Vợ con đang ngóng tui ở nhà nhưng ráng làm thêm chút nữa. Từ sáng đến giờ mới kiếm được ba chục ngàn thôi. Tiền thuốc, tiền trường vẫn chưa gom đủ” - giọng ông buồn rầu. Ông kể năm tháng trước vợ con ông gặp tai nạn giao thông, cả hai mẹ con bị gãy tay, gia đình khốn đốn.

Bà Dương Thị Vân (74 tuổi, vợ ông) bị thoái hóa xương nên cánh tay phải bị gãy năm tháng nay vẫn chưa cử động được. Gia đình chưa đủ tiền phẫu thuật để lấy nẹp vít xương cánh tay cho cậu con trai. Học phí của con vẫn chưa có tiền đóng.

Ông nói rằng ngày trước ông làm nghề cắt tóc ở một góc phố nhưng khi đường phố mở rộng, ông mất chỗ đứng nên phải ra bám vỉa hè bên cạnh Đại học Sư phạm Huế. Ròng rã 20 năm nay, hình ảnh ông Điếu khắc khổ, cần mẫn bên chiếc bơm tay đã trở nên quá đỗi thân quen với cánh sinh viên sư phạm Huế.

Từ 8g sáng, ông sắp xếp đồ nghề, đẩy chiếc xe đạp từ con hẻm nhỏ bên kia bờ Đập Đá đến cổng trường. 21g-22g, ông lọ mọ dọn đồ đạc ra về. Những bữa cơm rau cà, ông nuốt vội trên hè phố. Bao thế hệ sinh viên đến rồi đi nhưng ông vẫn ngồi đó, cặm cụi bơm vá xe. Mỗi ngày ông kiếm được bốn năm chục ngàn đồng, ngày nào “hên” thì được bảy tám chục.

Ba năm nay, con trai ông vào đại học, gia đình ông thiếu trước hụt sau. Vợ chồng ông gồng gánh làm lụng kiếm tiền bất kể nắng mưa để có tiền lo việc học của con. Ngày chưa bị nạn, bà Vân đi bán bắp nướng, mực khô ở công viên, mỗi ngày kiếm được năm ba chục ngàn phụ ông nuôi con. Nhưng nay bà nằm một chỗ, toàn bộ gánh nặng cơm áo ghì lên vai ông.

Suốt quãng thời gian làm nghề, hầu như ông không thể nhớ hết mình đã bơm vá xe miễn phí cho bao nhiêu sinh viên, người lỡ đường. Sinh viên khi ra trường đã biếu ông những chiếc xe đạp cũ để tỏ lòng quý mến. Khách du lịch, sinh viên cũ khi đi qua đây thỉnh thoảng ghé lại hỏi thăm ông, biếu ông ít tiền hay một gói quần áo, đồ dùng cũ...

Ngồi khép mình bên góc phố tránh gió lạnh, ông ứa nước mắt khi nhắc đến gia cảnh của mình. Ngày trước vợ chồng ông ở chung trong căn nhà của cha mẹ ông, khi cha mẹ chết, con cháu đông nên vợ chồng ông phải dọn ra ngoài ở trọ.

Thương cảnh vợ chồng ông cù bơ cù bất, người làng cho gia đình ông ở nhờ một góc nhà bếp nền đất, mái tôn của đình làng. Nghèo khó đã đành, đường con cái cũng lắm gian truân. Bà Vân mấy lần mang thai đều không giữ được. “21 năm trước, vợ chồng tui nhận một bé trai làm con nuôi để gia đình bớt hiu quạnh. Năm 2009, vợ chồng tui mừng chảy nước mắt khi nó thi đỗ hai trường đại học” - ông thủ thỉ.

Cuộc sống bề bộn khó khăn nhưng vợ chồng ông gắng tảo tần cho đứa con nuôi được học hành, hi vọng có tương lai. Ba năm con trai học đại học, ông Điếu làm ngày làm đêm, vay thêm ngân hàng 13 triệu đồng. Khi vợ con ông gặp nạn, món nợ ngày càng phình to.

Ở tuổi gần đất xa trời, đáng ra phải được con cháu chăm sóc, phụng dưỡng nhưng ông Điếu vẫn phải sống những ngày cuối đời trong bao nỗi lo toan cơm áo. Ngồi trong góc nhà xập xệ, bà Vân rớm nước mắt bảo thương ông lắm, tuổi già mà còn phải phơi mặt suốt ngày ngoài đường để kiếm miếng ăn.

NGUYÊN LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên