26/10/2009 15:32 GMT+7

"Cú đánh chết người" vào một sinh viên Việt tại Mỹ

THANH TUẤN
THANH TUẤN

TT - Một đoạn băng quay được bằng điện thoại di động đang gây chấn động cộng đồng bang California, Hoa Kỳ khi một nhóm cảnh sát ở San Jose đã liên tục dùng dùi cui và súng bắn điện đối với một sinh viên người Việt.

“Cú đánh chết người” vào một sinh viên Việt tại Mỹ

TT - Một đoạn băng quay được bằng điện thoại di động đang gây chấn động cộng đồng bang California, Hoa Kỳ khi một nhóm cảnh sát ở San Jose đã liên tục dùng dùi cui và súng bắn điện đối với một sinh viên người Việt.

ImageView.aspx?ThumbnailID=370737
Sinh viên Hồ Phương trong cuộc trả lời phỏng vấn với Mercury News - Ảnh: Mercury News

Điều tra hình sự hành vi bạo lực này

Theo Mercury News, một số chuyên gia trong lực lượng cảnh sát cho rằng đây là hành vi dùng bạo lực thái quá và có thể là phạm luật. Người phát ngôn cảnh sát của thành phố San Jose cho biết cảnh sát đã điều tra hình sự đối với hành vi bạo lực này.

Cảnh quay trên điện thoại di động (http://www.mercurynews.com/news/ci_13631841?nclick_check=1) có thể thấy cảnh sát còn tiếp tục đánh sinh viên này sau khi anh đã bị còng tay.

Vụ việc xảy ra khi Hồ Phương, một sinh viên toán từ TP.HCM, bị bắt vì nghi ngờ tấn công một sinh viên cùng phòng khác. Hiện Hồ Phương đang đối mặt hai án nhẹ là đưa hung khí ra dọa và chống lệnh bắt giữ. Hồ Phương đã thừa nhận có cầm dao khi cãi nhau với một người cùng phòng nhưng anh không hề cầm vũ khí khi cảnh sát tới.

Mercury News nói bốn trong sáu chuyên gia cảnh sát khi được báo cho coi đoạn băng video cho rằng chuyện này là nghiêm trọng. Đoạn video dài hơn hai phút cho thấy Hồ Phương đã bị một cảnh sát dùng dùi cui kim loại liên tục đánh hơn 10 lần - có những lúc dùng cả hai tay - trong khi một sĩ quan khác đè lên và dùng súng điện gí vào người dù Phương kêu gào thảm thiết. Dimitri Masouris, người đã quay đoạn phim, cho rằng phản ứng của cảnh sát không cần thiết và quá mức.

Ông Frank Jordan, cựu cảnh sát trưởng và thị trưởng San Francisco, nói: “Một khi đã bị còng thì anh ta không còn khả năng hành động gì nữa. Đó là cú đánh chết người. Có cần thiết vậy không”.

Vụ việc xảy ra hôm 3-9 khi Hồ Phương và bạn cùng phòng Jeremy Suftin cãi cọ vì Suftin vứt xà phòng vào món thịt bò của Hồ Phương và Phương đã nhặt con dao ăn lên nói “nếu ở nước tôi, tôi có thể giết anh vì việc này”. Một số người cùng phòng đã cười khi Phương nói câu này nhưng Suftin lại coi đó là chuyện nghiêm trọng và gọi cảnh sát. Đã có ít nhất bốn cảnh sát tới đó.

ImageView.aspx?ThumbnailID=370736
Một cảnh chụp từ đoạn băng Hồ Phương bị cảnh sát dùng bạo lực thái quá - Ảnh: Daily Mail

Theo báo cáo của cảnh sát Kenneth Siegel, anh không hiểu được Hồ Phương nói gì khi gặp mặt và cho rằng Hồ Phương đã phớt lờ lệnh nói đứng yên khi cảnh sát vào phòng để kiểm tra căn cước.

Khi Hồ Phương theo Siegel vào phòng, sĩ quan Steven Payne Jr đã cố còng tay Hồ Phương. Payne viết trong báo cáo là khi đẩy Hồ Phương vào tường ở lối đi để còng tay thì Hồ Phương chống lại. Trong đoạn băng phỏng vấn với Mercury News, Hồ Phương giải thích là khi đó kính của anh rớt nên đã xin phép được cúi xuống nhặt kính. “Họ buông tay ra và tôi nghĩ có thể cúi xuống lấy kính được thì lúc đó tôi bị đánh. Cứ mỗi giây là một cú đòn giáng xuống” - Hồ Phương nói.

Phương nói lúc đó dù đã bị một cảnh sát nặng hơn 120kg ngồi lên người nhưng cảnh sát vẫn tiếp tục đánh anh. Dù cảnh sát ghi trong báo cáo là Hồ Phương “đá một cách thô bạo về phía họ” nhưng các chuyên gia cảnh sát lại đặt nghi vấn về điều này. “Anh ta đang van nài, đó không phải là chống cự”.

Jordan đặt dấu hỏi tại sao có nhiều cảnh sát tại hiện trường lại không thể bắt Hồ Phương mà sử dụng vũ lực. Đặc biệt Hồ Phương đã bị đánh một cú dùi cui vào đầu. Các chuyên gia nói rằng cú đánh vào đầu đó có thể gây chết người, là hành động đặc biệt nguy hiểm và chỉ được sử dụng đối với những nghi can mà cảnh sát cần phải sử dụng tới vũ lực chết người như vậy.

Robert Brennan, cựu cảnh sát trưởng của Atherton, nói ông đã nhảy dựng lên khi thấy cú đánh dùi cui cuối cùng. “Nếu đây là lính của tôi làm thì tôi sẽ rất quan ngại - Brennan nói - Tôi nghĩ đó là hành vi giống như trong vụ Rodney King” (Rodney King là một người da đen bị một nhóm cảnh sát Los Angeles đánh đập dã man hồi năm 1991 từng gây phản ứng dữ dội trong dư luận Mỹ).

Theo hồ sơ cảnh sát thì Hồ Phương đã được điều trị vì vết bỏng của súng điện và phải khâu vài vết thương, trong đó có cú đánh vào đầu. Hầu như suốt đêm đó Hồ Phương phải ở trong phòng giam. Sau khi được thả, Hồ Phương phải tự đi bộ gần hai giờ để về nhà.

THANH TUẤN

=====================================================================

Ý kiến bạn đọc

* Đọc bài này tôi thấy có vẻ na ná trường hợp xung đột pháp lý khi một giáo sư đại học người da đen bị cảnh sát đánh khi vào nhà mình trước đây. Vụ việc đó khiến Tổng thống Obama lỡ lời với viên cảnh sát và sau đó ông phải mời ông giáo sư (bạn ông ta) và viên cảnh sát đến Nhà Trắng uống bia giải hòa.

Vụ việc của Hồ Phương đang được điều tra, sẽ có kết quả rõ ràng.

MAI THÙY

* Đánh người như vậy giống như phân biệt chủng tộc rồi.

NGOC NGUYEN

* Đây cũng là bài học cho những sinh viên nên có những ứng xử tốt hơn khi đi học ở nước ngoài.

VŨ QUỐC HUY

* Các bạn Việt Nam hãy cẩn thận cách cư xử khi ở bất cứ nơi đâu. Hãy khôn khéo. Vì không ai có thể bảo vệ ta ngoài bản thân ta. Mình đọc xong bài báo mà cảm thấy đau như chính người thân của mình, cảm thấy tức vì mình không thể làm gì được.

LILIHUYỀN

* Tại sao cảnh sát lại lạm quyền đến như vậy? Cần phải điều tra rõ ràng.

MỸ TOÀN

* Thực sự mà nói thì dù ở Mỹ hay một quốc gia nào đó đi chăng nữa thì vẫn có những trường hợp cảnh sát lạm dùng quyền lực vi phạm pháp luật. Trong câu chuyện này chúng ta không nên có cách suy nghĩ là Mỹ không có nhân quyền, bởi vì hành động của một vài cảnh sát Mỹ dùng bạo lực không đồng nghĩa với việc pháp luật Mỹ chấp nhận chuyện này. Những cảnh sát này sẽ bị điều tra và nếu đúng như họ vi phạm pháp luật thì sẽ bị các chế tài do pháp luật Mỹ quy định.

Trong thực tế không chỉ sinh viên Việt Nam mà còn sinh viên của nhiều nước khác sang du học ở các quốc gia khác nhau cũng hay gặp những trường hợp phân biệt đối xử. Chỉ có điều là mức độ như thế nào thôi. Trong thế giới này chừng nào còn các màu da khác nhau, các thể chế chính trị khác nhau sự phát triển kinh tế - xã hội khác nhau thì còn phân biệt. Đó là thực tế không thể phủ nhận. Chúng ta đang đấu tranh để chống lại nó và câu chuyện đó còn dài mà chưa có hồi kết.

Vì thế điều tốt nhất có thể làm là các sinh viên của chúng ta hãy nên tự biết cách tự bảo vệ mình bằng cách am hiểu một cách cơ bản về văn hóa và pháp luật của nước sở tại để có cách ứng xử phù hợp trong cuộc sống, tránh xảy ra những tình trạng đáng tiếc như trên.

BÙI QUANG KHÁNH

----------------------------

* Lưu ý: Trong trường hợp bạn đọc click vào đường link trong bài mà không được dẫn đoạn video clip trên Mercury News, lại xuất hiện địa chỉ sau: https://secure.passport.mnginteractive.com/mngi/servletDispatch/ErightsPassportServlet.dyn?url=http://www.mercurynews.com/news/ci_13631841?nclick_check=1&forced=true, thì bạn cần xóa đoạn đầu của địa chỉ website này https://secure.passport.mnginteractive.com/mngi/servletDispatch/ErightsPassportServlet.dyn?url=; chỉ giữ lại http://www.mercurynews.com/news/ci_13631841?nclick_check=1&forced=true để truy cập vào được trang web có đoạn video clip. TTO

THANH TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên