30/06/2004 08:41 GMT+7

Cú bắt tay lịch sử

PV
PV

TT - Ngày 10-9-1993, tôi loan báo rằng các nhà lãnh đạo Do Thái và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) sẽ ký một thỏa ước tại Nhà Trắng.

cxWdC3kg.jpgPhóng to
TT - Ngày 10-9-1993, tôi loan báo rằng các nhà lãnh đạo Do Thái và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) sẽ ký một thỏa ước tại Nhà Trắng.

Chỉ vài ngày trước lễ ký kết, báo chí hỏi tôi rằng liệu ông Arafat có được tiếp đón tại Nhà Trắng hay không. Câu trả lời của tôi là điều này tùy thuộc vào các phe liên hệ quyết định xem ai sẽ đại diện họ tại buổi lễ.

Thế nhưng trong lòng tôi rất muốn cả hai ông Yitzhak Rabin (thủ tướng Israel) và Yasser Arafat (lãnh đạo Palestine) cùng hiện diện vì nếu họ không có mặt thì không ai trong vùng Trung Đông tin rằng họ hoàn toàn sẵn sàng thi hành những điều căn bản vừa thỏa thuận xong.

Một trong những ước vọng lớn nhất của Bill Clinton là hòa giải được Palestine và Israel ngay trong nhiệm kỳ của ông.

Đây là một cuộc xung đột chằng chịt, không lối thoát, vừa mang tính giải phóng dân tộc, vừa mang màu sắc tôn giáo và Ả Rập. Nó là một trong những cội nguồn sâu xa nhất của tình trạng bất ổn trên thế giới nói chung và nước Mỹ nói riêng.

Và ông Clinton đã bước đầu đạt được nguyện vọng đó. Bức ảnh ông đứng giữa hai ông Yasser Arafat và Yitzhak Rabin đã trở thành một trong những bức ảnh lịch sử, đăng tải trên tất cả các tờ báo và phương tiện truyền thông trên thế giới. Nó khích lệ đáng kể xu hướng hòa giải ở Trung Đông.

Tiếc thay, dòng lịch sử lại không hề suôn sẻ: Rabin bị ám sát, Clinton rời chiếc ghế của ông, Trung Đông bắt đầu bị hạ cấp trong các ưu tiên của Mỹ, và thái độ khiêu khích của A. Sharon (thủ tướng hiện nay của Israel) đã dẫn đến việc tái bùng nổ phong trào Intifada...

Dẫu sao "bức ảnh lịch sử" cũng là một minh chứng cho thấy hòa bình Trung Đông có thể không phải là ảo tưởng. Và bức ảnh đó đã mang dấu ấn của Clinton. Ông đã rất khó khăn để có được tấm ảnh này, như chính ông mô tả trong hồi ký Đời tôi.

Nhìn lại, sự kiện cả hai ông Arafat và Rabin cùng có mặt không phải là điều dễ dàng. Vào thời điểm đó, nó là cả một sự mạo hiểm cho họ vì không biết phản ứng của dân chúng hai bên sẽ như thế nào. Cả khi có đa số đồng ý, họ vẫn phải đối đầu với những thành phần quá khích, dễ dàng bị khích động bởi những tương nhượng trên các vấn đề căn bản.

Sáng ngày ký kết (13-9), chúng tôi chỉ có hai trở ngại nhỏ. Khi tôi được cho biết là Chủ tịch Arafat sẽ đến tham dự trong y phục quen thuộc của ông, bộ quân phục màu xanh ôliu, khăn quấn đầu kaffiyeh và khẩu súng lục bên hông. Tôi không chịu và chuyển lời đến phía PLO là ông Arafat không được mang súng đến địa điểm ký kết. Ông Arafat đến đây để cùng tạo dựng hòa bình và việc mang khẩu súng bên người sẽ đưa ra một hình ảnh sai lầm. Ông Arafat đồng ý là sẽ không mang theo súng. Phía Palestine không chịu để gọi trong văn bản ký kết là "phái đoàn Palestine" mà phải gọi là PLO. Phía Do Thái cũng phải chấp nhận điều này.

Lại còn vấn đề nữa là liệu hai ông Rabin và Arafat có bắt tay nhau hay không? Tôi biết là ông Arafat rất muốn làm điều này. Trước khi đến Washington, ông Rabin cho hay sẽ bắt tay "nếu cần thiết" nhưng tôi thấy rõ là ông thật sự không muốn làm điều đó.

Khi ông Rabin đến Nhà Trắng, tôi lại nêu vấn đề này lên. Ông Rabin cho hay ông ngần ngại do đã có nhiều người Do Thái bỏ mạng vì ông Arafat. Tôi có nói với ông Rabin rằng nếu ông ta thật sự mong mỏi có hòa bình, ông phải bắt tay Arafat để chứng tỏ điều này. "Cả thế giới sẽ quan sát hai ông và cái bắt tay là điều mọi người trông đợi". Ông Rabin sau cùng cũng chấp thuận nhưng lại đưa ra điều kiện "không được ôm hôn". Truyền thống của người Ả Rập là hôn lên má người đối diện, và ông Rabin không muốn điều này xảy ra.

Tôi biết ông Arafat là người rất có tài hành xử trước ống kính và có thể sẽ tìm cách hôn ông Rabin sau cái bắt tay. Chúng tôi nghĩ rằng nếu Arafat không hôn được tôi thì sẽ không tìm cách hôn ông Rabin. Có người chỉ cho tôi cách bắt tay với ông Arafat mà vẫn có thể tránh không để bị hôn. Khi ông Arafat bắt tay tôi và tiến đến chuẩn bị hôn, tôi sẽ dùng tay trái nắm lấy cánh tay chỗ khuỷu bên phải của ông ta và giữ ông lại. Chúng tôi thực tập cách này cho đến khi thuần thục. Mọi người có vẻ coi đây là chuyện khôi hài nhưng tôi biết, đối với ông Rabin, đây là một vấn đề cực kỳ hệ trọng.

Trước khi bước xuống thang lầu để ra nơi hành lễ, khi chỉ còn lại hai ông Arafat, Rabin và tôi, ông Arafat ngỏ lời chào ông Rabin và chìa tay ra trước. Ông Rabin chắp tay sau lưng và trả lời một cách nghiêm trọng: "Ra ngoài kia". Ông Arafat chỉ mỉm cười và gật đầu ra chiều thông cảm. Ông Rabin nói tiếp: "Ông biết không, chúng ta sẽ phải cố gắng hết sức để thỏa ước này thành công". Ông Arafat trả lời: "Tôi biết, và tôi sẵn sàng làm phần việc của mình".

Chúng tôi bước ra ngoài, dưới ánh nắng ấm của một ngày cuối hạ. Sau phần diễn văn, và khi phần ký kết đã xong, mọi người đều hướng đến chúng tôi. Ông Arafat đứng bên trái của tôi và ông Rabin đứng bên phải. Tôi bắt tay với ông Arafat, thực hành đúng điều đã thực tập, rồi quay sang bắt tay ông Rabin. Sau đó, tôi đứng lùi về phía sau và dang rộng đôi tay để kéo hai người lại với nhau. Ông Arafat chìa tay ra, trong khi ông Rabin vẫn còn có vẻ ngần ngại. Khi ông Rabin đưa tay ra, đám đông ồ lên một tiếng và tiếp theo là một tràng pháo tay giòn giã.

PV
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên