Gửi gắm tin yêu cùng “Mùa xuân biển đảo”Chuyện một người đàn bà đan lenMang quà tết đến với Trường Sa
Phóng to |
Cụ Hồng ngồi đan áo tại nhà của mình ở khu tập thể Hòa Cường (Q.Hải Châu, TP Đà Nẵng) - Ảnh: Đ.Nam |
Mời bạn đọc xem video clip |
Cụ Hồng đến mang theo một tâm nguyện: nhờ Tuổi Trẻ chuyển tận tay tới các chiến sĩ ở Trường Sa những chiếc áo len do chính cụ đan.
Đôi bàn tay run run, cụ Hồng từ tốn bảo: “Tôi già rồi, giờ chẳng làm được gì có ích. Thôi thì tích cóp chút tiền lương hưu mua len về đan áo gửi ra cho các chiến sĩ ở đầu chiến tuyến, mong sao các anh chân cứng đá mềm”...
“Tuổi thơ dữ dội”
Tôi tìm về khu tập thể Hòa Cường (Q.Hải Châu, TP Đà Nẵng) theo địa chỉ cụ Hồng ghi trên thùng áo len để lại ở tòa soạn. Nằm lọt thỏm trong một hẻm sâu nhưng đó lại là một căn nhà xinh xắn và luôn đầy ắp tiếng cười đùa của lũ trẻ. Tiếp tôi là chị Khánh, người con dâu mà theo lời bà cụ là “chẳng phải ruột rà mà còn sâu hơn tình nghĩa”. Thấy khách lớ ngớ không hiểu, cụ Hồng cười xòa bên ánh mắt đầy yêu thương của cô con dâu hiền thảo. “Chuyện là vậy nè, chồng nó vốn không phải là con ruột mà là con nuôi, tôi nhận về chăm bẵm từ bé. Nuôi đến lớn thì dựng vợ gả chồng. Giờ hai vợ chồng cùng con cái kéo nhau về ở với tôi để phụng dưỡng mẹ già”.
Thân sinh cụ Hồng quê gốc Hội An (Quảng Nam) vốn là một nhà nho, hành nghề thuốc bắc cứu người. Nhưng từ nhỏ ông lại rất muốn con cái được vinh danh khoa bảng nên đã hướng cho con gái là cụ Hồng bằng mọi giá phải đi học. Ngặt nỗi cụ Hồng lại “mê” Việt Minh nên tìm đủ cách để đi theo kháng chiến.
Cuối năm 1947, hai cha con cụ Hồng bị Pháp bắt. Sau hơn hai tháng tra khảo, mật thám Pháp buộc phải trả tự do cho họ. Ra khỏi tù, cụ Hồng cùng cả nhà lần nữa rời bỏ Đà Nẵng quay lại vùng kháng chiến. Tại đây ngoài việc học chữ, hằng ngày cụ Hồng còn làm nhiệm vụ gia công khâu may áo quần cho kháng chiến. Năm 1954 khi Hiệp định Genève được ký kết, cụ Hồng là một trong số người đầu tiên xuống tàu ra miền Bắc tập kết, rồi vào học đại học tại Trường đại học Sư phạm Hà Nội lúc bấy giờ.
Đan áo gửi Trường Sa...
Hòa bình lập lại, cụ về nhận công tác ở TP Đà Nẵng với chức danh hiệu trưởng Trường cấp III Hòa Vang. Năm 1981 chồng cụ, ông Hồ Hân, sang Trung Quốc nhận nhiệm vụ tham tán chính trị tại Đại sứ quán VN. Cụ phải khăn gói “theo chồng đi sứ”.
Cụ Hồng bảo: “Những ngày theo chồng đi sứ, tôi học được nhiều điều. Và nhất là hiểu rõ hơn về “hàng xóm” mình, vậy nên giờ đây tôi thương bộ đội ở Trường Sa nhiều lắm. Họ chấp nhận hi sinh, thiệt thòi nhiều thứ, vậy nên mình phải chăm chút cho họ càng nhiều càng tốt. Tôi già rồi, chỉ còn chút tài mọn của phụ nữ nên cố đan gửi đến các anh những chiếc áo ấm”.
Chị Khánh bảo: “Hôm trước khi đan xong 20 chiếc áo len, má gói đóng vào thùng bảo tụi em lấy xe chở má qua tận Vùng 3 hải quân (đóng ở Sơn Trà, Đà Nẵng) để trao tận tay các anh hải quân. Hôm ấy các anh ở Vùng 3 có làm một buổi lễ tiếp nhận nho nhỏ nhưng rất trân trọng”. Theo lời chị Khánh, ngoài khoản tiêu vặt hằng ngày, cụ Hồng gần như dành trọn số tiền lương hưu của mình để mua len về đan áo. “Má giờ tuổi lớn, mắt yếu vậy mà ngày nào cũng cặm cụi móc len” - chị Khánh nói.
Sau khi hoàn tất đợt áo len thứ hai, cụ Hồng bảo chị Khánh chở nhanh đến Tuổi Trẻ để nhờ báo chuyển ra Trường Sa nhân mùa thay quân. Cụ nói: “Tôi biết cuối năm nào cũng có tàu ra đảo. Chỉ tiếc là mình giờ không còn đủ sức khỏe để ra thăm các anh, tận tay mặc chiếc áo mình làm ra cho các anh. Chỉ mong sao các anh chân cứng đá mềm”...
Phóng to |
Ảnh: Đông Hà |
“Biển đảo quê hương chúng ta là những tiền tiêu vô cùng quan trọng của Tổ quốc. Trong tình hình hiện nay, đó là nơi nóng bỏng. Nóng bỏng không phải vì những cơn bão của đất trời mà là do dã tâm của người khác. Từ những suy nghĩ ấy, tôi là bà già đã 82 tuổi muốn đến với các anh bằng tấm lòng yêu thương, kính trọng và vô cùng biết ơn...”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận