WHO kêu gọi cảnh giác trước biến thể Omicron - Ảnh: AFP
Ngày 8-12, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết việc biến thể Omicron lây lan ra toàn cầu có thể tác động lớn đến đại dịch COVID-19 và đây là lúc cần ngăn chặn nó trước khi có thêm nhiều bệnh nhân nhập viện.
"Chúng tôi kêu gọi tất cả quốc gia tăng cường giám sát, xét nghiệm - ông Tedros nói trong cuộc họp báo - Bất kỳ sự tự mãn nào sẽ phải trả giá bằng mạng sống".
Theo Hãng tin Reuters, WHO đã ghi nhận bằng chứng ban đầu từ Pfizer-BioNTech về hiệu quả của vắc xin trước biến thể Omicron.
Liều 3 vắc xin có phải là chìa khóa chống Omicron? - Ảnh: NYT
Trong ngày 8-12, hai hãng dược Pfizer và BioNTech cho biết liều 3 vắc xin của họ có thể vô hiệu hóa biến thể Omicron trong cuộc thử nghiệm. Với những người tiêm liều thứ ba, lượng kháng thể tăng 25 lần, tương đương mức độ mà hai liều vắc xin Pfizer-BioNTech mang lại trước virus SARS-CoV-2 gốc và các biến thể khác.
Trong khi đó, với người chỉ tiêm hai liều vắc xin, lượng kháng thể trung hòa giảm 25 lần trước biến thể Omicron so với phiên bản virus gốc. Về lý thuyết, điều này cho thấy hai liều vắc xin Pfizer có thể không đủ để bảo vệ con người trước biến thể Omicron.
Dù vậy, nhà khoa học trưởng của WHO là bà Soumya Swaminathan cho biết còn sớm để khẳng định việc giảm kháng thể trung hòa có nghĩa là vắc xin kém hiệu quả.
WHO sẽ công bố quan điểm về liều vắc xin tăng cường trong vài ngày tới.
Chậm một ngày, virus tiến một bước
Khoảnh khắc đón năm mới trên bãi biển ở Rio de Janeiro (Brazil) vào năm ngoái. Năm nay nhiều nơi đã hủy bỏ các bữa tiệc Giáng sinh và năm mới vì biến thể Omicron - Ảnh: REUTERS
Cùng ngày, WHO cho biết biến thể Omicron đã được ghi nhận tại 57 quốc gia. Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) cảnh báo chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi biến thể mới này lây lan tới nhiều nước khác.
Cũng như WHO, giám đốc PAHO Carissa Etienne nói trong cuộc họp báo rằng họ đang nghiên cứu để hiểu rõ hơn về Omicron và rủi ro tiềm ẩn của nó, nhất là đối với châu Mỹ.
"Việc xuất hiện một biến thể mới không nhất thiết là mọi thứ tồi tệ hơn, nhưng chúng ta phải hết sức cảnh giác", bà Carissa nói.
Quan điểm của PAHO là vắc xin vẫn là công cụ quan trọng để giảm số ca nhập viện và tử vong, cũng như hạn chế sự xuất hiện của các biến thể mới.
Cho tới nay, 55% người dân Mỹ - Latin và Caribê đã tiêm chủng đầy đủ nhưng 20 quốc gia trong khu vực chưa đạt độ phủ vắc xin 40% theo mục tiêu do WHO đề ra.
Tình hình COVID-19 trên thế giới:
Anh: Thủ tướng Boris Johnson dự kiến siết các biện pháp phòng dịch COVID-19, bao gồm yêu cầu mọi người làm việc tại nhà. Giáo sư Neil Ferguson, thành viên nhóm cố vấn khoa học của chính phủ, cho biết ca bệnh Omicron dường như tăng gấp đôi sau 2-3 ngày và với tốc độ này Omicron sẽ vượt qua Delta trước Giáng sinh.
Đan Mạch: Ngày 8-12, Thủ tướng Mette Frederiksen tuyên bố tái áp đặt các biện pháp phòng dịch COVID-19, bao gồm đóng cửa trường tiểu học từ ngày 15-12 và đóng cửa nhà hàng cũng như quán bar bắt đầu từ ngày 11-12. Người dân cũng được khuyến khích làm việc tại nhà và không tụ tập ăn tiệc Giáng sinh.
Pháp: Người phát ngôn chính phủ Gabriel Attal nói làn sóng COVID-19 thứ 5 hiện tại ở Pháp vẫn chưa đạt đỉnh và các nhà chức trách cân nhắc tiêm liều vắc xin thứ 4 để phòng dịch.
Nam Phi: Số ca mắc mới COVID-19 ở nước này ghi nhận vào ngày 8-12 lên tới gần 20.000 ca, kỷ lục từ khi biến thể Omicron được phát hiện. Vẫn chưa rõ ca nhiễm Omicron chiếm bao nhiêu trong số đó nhưng các chuyên gia tin rằng Omicron là nhân tố thúc đẩy làn sóng dịch thứ 4 của Nam Phi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận