21/09/2004 05:00 GMT+7

"Côta": mua bán ra sao?

Bài & ảnh: TRẦN VŨ NGHI
Bài & ảnh: TRẦN VŨ NGHI

TT- Sau sự kiện ông vụ phó Vụ Xuất nhập khẩu Bộ Thương mại Lê Văn Thắng bị bắt tạm giam vì nhận hối lộ trong chuyện phân bổ quota dệt may, dư luận chú ý chuyện các doanh nghiệp (DN) cần quota có khi đã phải chạy mua với giá rất cao.

980AQg4y.jpgPhóng to
Một DN ngành may thiếu quota nên đành để máy nằm không!
TT- Sau sự kiện ông vụ phó Vụ Xuất nhập khẩu Bộ Thương mại Lê Văn Thắng bị bắt tạm giam vì nhận hối lộ trong chuyện phân bổ quota dệt may, dư luận chú ý chuyện các doanh nghiệp (DN) cần quota có khi đã phải chạy mua với giá rất cao.

Chuyện mua bán quota diễn ra như thế nào? Giá cả ra sao?

“Chạy” quota... méo mặt!

Theo các DN ngành may, thường có hai trường hợp thỏa thuận về vấn đề quota. Trường hợp thứ nhất, nhà sản xuất sẽ nhận “bao” luôn quota cho khách. Phí quota lúc này sẽ được tính trực tiếp vào hợp đồng ký với khách hàng.

Cụ thể khi khách đến đặt hàng cat. (mã hàng) 347-348, nếu DN có quota sẽ báo giá cho khách là nhận làm đơn hàng đó với giá 1 USD/quần. Trong trường hợp DN đã ký hợp đồng với khách, nhưng đến giờ chót lượng quota không đủ để thực hiện đơn hàng, lúc đó mới “ba chân bốn cẳng” vắt chân lên cổ mà... “chạy”. Sẽ có hai hướng để “chạy”. Trước tiên là “chạy nhờ” ở các DN đang giữ trong tay quota mình cần. Đây là những DN cũng sản xuất thực thụ, cũng được phân bổ quota đàng hoàng.

Nhưng vì lý do nào đó DN này không ký được hợp đồng nên còn thừa quota, nhưng dạng này thì cực hiếm (!). Lúc này, tùy theo mối quan hệ, việc nhượng lại quota với giá “hữu nghị”, thường chỉ 20-30 cent/chiếc. Nhưng ở những cat. hàng mà thị trường đang “hút”, lúc đó việc chuyển nhượng với giá... tình cảm là không thể.

Ông N., giám đốc một DN may tư nhân, không giấu được vẻ cay đắng khi nhắc lại “đoạn trường” chạy quota của mình. Ông ký hợp đồng thực hiện 50.000 tá cat. 338-339. Khi đàm phán, ông đã nhẩm tính nếu được phân bổ theo thành tích xuất khẩu, chí ít công ty ông phải nhận được khoảng 45.000 tá.

Giá thực của quota (hạn ngạch) dệt may thường rất thấp. Với thị trường EU, giá đắt nhất là cat.15 (áo khoác nữ) với giá 1.000 đồng/chiếc. Còn cat.4 (T-shirt, polo shirt) chỉ có giá 200 đồng/chiếc, cat. 6 (quần) giá cao hơn, khoảng 500 đồng/chiếc.

Với thị trường Mỹ, các cat. cao giá thường rơi vào các cat. “nóng”, tức là các cat. hút hàng trên thị trường. Đắt nhất là cat. 347-348 (quần nam nữ chất liệu bông) với giá 8.000 đồng/tá (một tá là 12 chiếc), cat. 334-335 (áo khoác nam nữ chất liệu bông) có giá 6.000 đồng/tá...

Các mức giá nói trên là mức thu lệ phí hạn ngạch mà doanh nghiệp dệt may phải nộp các phòng quản lý xuất nhập khẩu khi nhận được tờ giao phân bổ quota.

Thế là yên tâm ký hợp đồng. Đùng một cái, công ty ông chỉ nhận được 32.500 tá, thiếu mất 16.500 tá. “Lúc đầu tôi mua cat. này chỉ 3 USD/tá. Giá này là giá “tình cảm”, nghĩa là DN bạn chia bớt lại cho tôi một mớ. Nhưng càng về sau giá leo thang đến chóng mặt, nhảy lên 6 USD, 8 USD, 15 USD và mức cao nhất là 22 USD/tá” - ông này thở dài nói.

Trong khi đó giá thu phí hạn ngạch của cat. này chỉ trên 8.000 đồng/tá. DN này cũng tiết lộ thêm khi mua đến mức giá 15-22 USD/tá thì ông đã thông qua một tay “cò”. “Cò” này cũng là DN trong ngành nhưng máy móc sản xuất chẳng có là bao. Chính “cò” này bằng nhiều cách đã móc nối được với đường dây “chạy quota” của bộ nên đang giữ một số lượng rất lớn cat. nóng này. Và để tránh bị phát hiện, toàn bộ chứng từ, hồ sơ xuất khẩu của lô hàng đều đứng tên của công ty “cò” này.

Trường hợp thứ hai là khách hàng tự lo quota. Lúc này khách hàng chỉ thỏa thuận giá thực hiện đơn hàng với DN sản xuất. Do khách lo quota nên DN thường bị khách hàng quay ngược trở lại ép giá gia công. Chẳng hạn, nếu ban đầu khách hàng thỏa thuận giá gia công khoảng 50 cent/áo thì sau đó có thể bị ép chỉ còn 30-40 cent/áo này. Ông N. than: “Người ta biết tôi thiếu quota nên ép giá vậy đó”.

Đành phải xén bớt... lương thưởng!

Việc phải đón đầu tình hình cat. nào có khả năng trở nên “nóng” để gom trước quota được coi là công việc rất quan trọng của giới làm “cò”. Để nắm tình hình, “cò” phải dò được cat. nào đang được đặt hàng nhiều, từ đó phân tích ra năm nay cat. nào sẽ “nóng”, hoặc ngược lại cat nào sẽ “lạnh”. Muốn các nhận định này trở nên chính xác thì phải móc nối với cán bộ phụ trách phân bổ quota, hoặc nắm được tỉ lệ hạn ngạch thực sẽ phân bổ cho DN.

“Mấy tay này chuyên dò xem quota của cat. nào có nhiều, theo dõi ba tháng xuất khẩu đầu năm, nếu thấy tỉ lệ xuất hàng của cat. đó tăng dần thì lúc đó lo đi gom... quota là vừa!” - một DN tiết lộ. Một nguồn tin quan trọng của “cò” chính là từ những quan chức có khả năng định đoạt tỉ lệ cấp quota cho DN! Và có lẽ “cò” không thể nhận không các thông tin đáng giá này! Các DN trong ngành thường nhận được tin hành lang kiểu “cat. này đã cấp hơn 50% hạn ngạch rồi đó, lo mà giữ đi”. Thế là đổ xô đi tìm, đi vay, đi mua để phòng không đủ quota xuất hàng.

Thông thường đã mua quota thì có nghĩa là DN đó làm không có lời. Nếu DN có qui mô lớn, phí mua quota sẽ được đổ vào hạch toán “lỗ”, hoặc dồn vào quĩ dư từ nguồn nguyên phụ liệu thừa. Theo ông C. - giám đốc một công ty may mặc quốc doanh có qui mô lớn, thường DN lớn không thể đổ phí quota vào quĩ lương của công nhân lao động. “Không thể trả bớt lương của công nhân vì nó chỉ làm tâm lý công nhân bất ổn, dẫn đến năng suất lao động thấp, lúc đó đơn hàng trì trệ thì mệt thêm”.

Còn với DN nhỏ và vừa, không còn cách nào khác họ đành phải... xén bớt lương của công nhân. Tỉ lệ “xén” này khoảng 10-15%. “Tôi biết làm vậy là không được. Nhưng thử hỏi với khoản phí bỏ ra mấy chục ngàn USD để chạy quota, tiền đâu mà kham nổi. DN của tôi nhỏ mà!” - nữ giám đốc một DNTN ngập ngừng nói.

Cũng theo bà giám đốc này: “Tôi thấy khoản nào có thể đắp lỗ vô được là tôi đẩy phí mua quota vào đấy. Ví dụ như thưởng 2-9 vừa rồi, thay vì thưởng công nhân 300.000-500.000 đồng/người, tôi chỉ có thể chi một nửa số đó. Tôi không còn cách nào khác”.

Bài & ảnh: TRẦN VŨ NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên