31/10/2012 06:27 GMT+7

Cột chèo

PHƯ CHU
PHƯ CHU

TTC - Từ ngày có vợ, ông Đặng Thanh Bình, một kỹ thuật viên máy tính, trở nên hoạt bát phấn khởi. Cứ thứ bảy chủ nhật, vợ ông hay yêu cầu: “vợ chồng mình về thăm ba má ở tận Long An”. Ban đầu, ông gắng gượng cười chở vợ đi, rồi dần dần ông nhiệt tình, sốt sắng về nhà nhạc gia hơn cả bà vợ. Ngược lại bà vợ thì ngày càng hết ham về nhà gặp ba má.

Chuyện là vầy: mỗi lần về quê vợ ông thấy thật dễ chịu. Không phải ông mê vườn cây trái và môi trường trong lành thoáng đãng quê vợ mà mê mấy ông anh em cột chèo, chồng của chị hai, chị tư, chị năm. Vợ ông là út, vào thành phố học, nên mới gặp ông. Các chị ở quê lấy chồng, làm vườn nuôi cá… mấy ông anh cột chèo chân chất, vui tính. Ông nào cũng biết nấu đồ nhậu, ngon xa mấy quán ở Sài Gòn. Lại được nhậu thoải mái không bị vợ gọi điện kêu về .Vậy là hôm thì tổ chức nhậu ở nhà anh hai, hôm anh ba, anh tư rồi giáp vòng lại. Ông là rể út chịu bỏ tiền mua bia…, riết rồi quen, rồi ghiền. Vậy nên, mỗi lần về quê vợ, chỉ có bà vợ trẻ thui thủi ở nhà ăn cơm với ba má, còn chồng thì sang nhà một trong ba anh cột chèo, có bữa tối xỉn ngủ luôn tại bàn nhậu. Trong khi bà vợ bực mình, càu nhàu với chồng thì ông lại bao biện: “Mình về thăm nhà mà không tham gia coi sao được, anh em mà, cột chèo chứ bộ người dưng à”. Rồi được mấy ông anh cột chèo động viên, ông chồng cứ ngày càng tăng đô, tăng cữ nhậu. Mới thứ hai đầu tuần đã hẹn hò xếp lịch hẹn nhậu vào cuối tuần. Bà vợ kêu cứu chị Hai, chị Ba… mấy bà chị chịu thua: “Bỏ làm, bỏ ăn, chứ bỏ nhậu là mấy ổng hổng chịu đâu, thú vui duy nhất ở đây mà. Thôi kệ, miễn mấy ổng đừng ra quán nhậu là ngoan lắm rồi. Từ ngày có thêm một đứa em cột chèo dân thành phố là mấy ổng mừng lắm, bảo để huấn luyện cho, đàn ông gì mà không biết nhậu, sao ra đàn ông…”. Bà vợ nghe xong, hết hồn!

Nghe chuyện, bà Nguyễn Tú Anh lại thở dài khi nhắc đến mấy ông anh cột chèo: “Tôi chỉ mong ông xã tui hòa thuận với ông chồng của chị tui. Ông anh rể hiền lành thật thà, làm ruộng ở Củ Chi, biết lo cho gia đình. Mỗi lần hiếm hoi gặp nhau, bao giờ ảnh cũng vui mừng chào ông xã tui: “Khỏe không dượng Ba!”. Ông xã tui giả lả cười cười chứ trong bụng không vui. Ổng chê người nhà quê, ngồi với nhau không biết nói chuyện gì, cứ hỏi “làm được bao nhiêu tiền? mang chi đôi giày láng dữ vậy? sao hổng có con trai, dở quá..”. Có lần, anh rể lên TP, ghé nhà vợ chồng tui. có khách đến, tui để ý thấy ông xã cứ lơ lơ, chẳng chịu giới thiệu ông anh cột chèo với khách. Ngược lại, anh rể tui mỗi lần gặp ông xã tui ở đám giỗ là mừng rỡ, giới thiệu với bà con cả xóm… Nhiều lúc tui cũng thấy ái ngại với chị mình”.

Ông Trần Chương có đứa cháu ruột thất nghiệp, muốn xin việc làm. Cô gái trẻ đến tìm ông để nhờ ông nói một tiếng với người em cột chèo đang làm lãnh đạo một nhà máy sản xuất hóa mỹ phẩm có nhu cầu tuyển nhân viên kế toán. Ông ngập ngừng, nửa muốn giúp cháu, nửa muốn từ chối. Ông tâm sự: “Hồi trước, chú mạnh miệng liền, bây giờ chú lớn tuổi, làm ăn xuống rồi, hơn nữa bà xã cũng mất được mấy năm nay, anh em cột chèo mà, chứ có phải ruột rà gì, không biết người ta có còn nể mình không?”. Ngày trước vợ chồng ông làm chủ một nhà sách lớn, còn có cả nhà in, có tiền nhiều, quan hệ làm ăn lớn, hai đứa em cột chèo của ông coi ông như thần tượng, thân nhau còn hơn máu mủ. Bây giờ, “tụi nó” vẫn làm ăn khí thế, còn ông rút lui, tự dưng ông không khoái vỗ ngực cột chèo với tụi đó sợ người ta nghĩ mình “thấy sang bắt quàng…”.

Nhà bà Thân Thị Nga (phường 15 - Bình Thạnh) có hai đứa con gái. Bà hay gọi thằng rể chồng con gái út là “chèo mũi”, thằng lấy con gái đầu là “chèo lái”. Nhưng không có chuyện “mũi dại, lái chịu đòn” đâu nhé! Đứa nào cũng thấy mình đầy tài năng nên hay cạnh tranh ngầm. Đứa này đổi xe thì đứa kia cũng ráng đổi… nhà. Bà nói: “Mấy năm rồi, thấy tụi nó vẫn khách sáo. Thằng “chèo mũi” gặp khó khăn trong làm ăn, vẫn chảnh không muốn kêu thằng “chèo lái” giúp cho, còn bảo nhờ người ngoài tốt hơn, khỏi mang ơn… Trời! Thiệt đúng “rể là khách”, bà nghe con gái út kể, chứ cũng không dám can thiệp vào chuyện của hai ông con rể. Bà chỉ mong, người một nhà thì “em ngã, anh nâng”, tụi nó không thuận thì mấy đứa con gái cũng ảnh hưởng. Bà luôn coi con rể như con trai mình, để mấy anh em thân thiết với nhau nhưng thiệt khó.

Người ta nói gia đình có nhiều dâu cũng mệt, vậy chứ nhiều rể cũng đâu ít rắc rối.

uYo6hB6P.jpgPhóng to
Tuổi Trẻ Cười số 462 ra ngày 15/10/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái!

PHƯ CHU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên