16/01/2019 09:54 GMT+7

Container ứ đọng vì thông tư, doanh nghiệp lãnh đủ

BÁ SƠN
BÁ SƠN

TTO - Quy định không hợp lý của Bộ Tài nguyên và môi trường (Bộ TN-MT) làm hàng loạt dây chuyền ngưng hoạt động vì thiếu nguyên liệu, công nhân mất việc... khiến các địa phương, doanh nghiệp liên tiếp “cầu cứu” đề nghị sửa hai thông tư 08 và 09.

Container ứ đọng vì thông tư, doanh nghiệp lãnh đủ - Ảnh 1.

Một số container hàng hóa của Công ty giấy Chánh Dương bị ứ đọng tại cảng Cát Lái (TP.HCM) - Ảnh: TUYẾT KIỀU

Tình trạng căng thẳng ngày càng leo thang khi Tết Nguyên đán đang cận kề, nhiều doanh nghiệp lo ngại bị đình trệ sản xuất, gây thiệt hại về kinh tế và tiềm ẩn bất ổn khi công nhân bị cho nghỉ việc, thu nhập giảm, không có thưởng tết...

Đóng cửa dây chuyền

Khoảng hai tuần nay, một không khí ảm đạm bao trùm nhà máy của Công ty TNHH xưởng giấy Chánh Dương tại Khu công nghiệp Mỹ Phước, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương khi có tới 500/680 lao động phải ngưng việc. Hai dây chuyền được đầu tư tới 330 triệu USD lần lượt ngưng hoạt động vì thiếu nguyên liệu.

Là một trong các nhà máy sản xuất giấy có năng suất lớn nhất tại VN, nếu như thời điểm này năm trước từng khâu trong dây chuyền sản xuất của Chánh Dương đều tấp nập thì nay chỉ có một số bộ phận như nhân viên văn phòng, bảo vệ... còn làm việc. 

Các khu vực như kho nguyên liệu, dây chuyền, bãi xe chở hàng... đều vắng người. Lác đác vài công nhân làm nhiệm vụ vệ sinh, bảo dưỡng máy móc trong thời gian dây chuyền đóng cửa.

Ông Zhong Xi - tổng giám đốc Công ty TNHH xưởng giấy Chánh Dương - cho biết ông như ngồi trên đống lửa. Do Sở TN-MT tỉnh Bình Dương thiếu nhân sự để kiểm tra, dẫn tới khoảng 3.800 container của công ty đang bị tồn đọng tại các cảng Bình Dương, Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu)... làm phát sinh rất nhiều chi phí. Mỗi ngày, Công ty Chánh Dương thiệt hại 4,5 tỉ đồng vì sự chậm trễ trong kiểm tra của cơ quan chức năng.

Ông Nguyễn Văn Hậu - chủ tịch công đoàn Công ty Chánh Dương - chia sẻ mối lo lắng của hàng trăm lao động trong công ty. Do thiếu nguyên liệu, công nhân bị cho nghỉ việc chỉ được hưởng một phần lương cơ bản; mọi khoản phụ cấp, tăng ca, thưởng... đều bị cắt. 

"Tính ra, thu nhập của công nhân chỉ bằng 20% so với bình thường. Nhiều người lo lắng tết đã gần kề mà không có lương, thưởng nên hỏi thăm công đoàn. Tôi cũng chỉ biết trả lời công nhân là chờ đợi, hi vọng khó khăn này sớm qua đi" - ông Hậu chia sẻ.

Trong khi đó, ông P.V.D. - giám đốc một doanh nghiệp tại huyện Nhà Bè, TP.HCM - cho biết hiện quy trình từ khi doanh nghiệp đăng ký kiểm tra đến khi thông quan được container phải mất hơn 20 ngày, dẫn tới tỉ lệ container ứ đọng, quá hạn tại các cảng càng nhiều. 

Từ khi áp dụng thông tư mới, doanh nghiệp của ông D. đã có gần 100 container phát sinh thêm gần 2 tỉ đồng phí lưu kho để chờ kiểm tra. 

"Doanh nghiệp phát sinh thêm chi phí, thiếu nguyên liệu sản xuất ảnh hưởng đến đời sống của hàng trăm người lao động và mất uy tín nghiêm trọng với khách hàng" - ông D. bức xúc.

Tuổi Trẻ khảo sát hàng loạt doanh nghiệp khác ở VN như Công ty TNHH giấy Kraft Vina, Giấy An Bình, Đồng Tiến, Xuân Mai... với số lượng hàng trăm công nhân mỗi doanh nghiệp, cũng gặp tình trạng khó khăn tương tự.

Container ứ đọng vì thông tư, doanh nghiệp lãnh đủ - Ảnh 2.

Do quy định mới không hợp lý, thiếu cán bộ kiểm tra nên hàng ngàn container nguyên liệu ứ đọng tại cảng ở Bình Dương - Ảnh: BÁ SƠN

Theo tìm hiểu, tình trạng khó khăn của các doanh nghiệp xuất phát từ khi hai thông tư số 08 và 09 do Bộ TN-MT ban hành tháng 9-2018, quy định về quy chuẩn quốc gia về môi trường đối với một số loại phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.

Quy định phi thực tế

Hai thông tư này bên cạnh việc ban hành quy chuẩn, còn giao quyền và yêu cầu các sở TN-MT kiểm tra 100% các lô hàng container nguyên liệu là phế liệu. 

Điều đáng nói, quy định này không thể thực hiện trong thực tế do các sở TN-MT không có đủ nhân lực để kiểm tra.

Theo UBND tỉnh Bình Dương, trên địa bàn tỉnh mỗi ngày có khoảng 600 container nguyên liệu cần được kiểm tra, trong khi biên chế cán bộ của Sở TN-MT có chức năng kiểm tra chỉ 4 người. 

Mỗi cán bộ chỉ có khả năng kiểm tra bằng mắt thường khoảng 20 container/ngày, nếu container "có vấn đề" thì số lượng kiểm tra được càng ít hơn. 

Vì vậy, ngoài 4 biên chế có sẵn, dù tỉnh Bình Dương đã huy động thêm người của các bộ phận khác thì mỗi ngày cũng chỉ kiểm tra được khoảng 20% container nguyên liệu nhập về của các nhà máy.

Quy trình kiểm tra một container theo thông tư của Bộ TN-MT cũng rất rườm rà, gây khó cho doanh nghiệp và cả cán bộ kiểm tra. 

Trước hết, phải sắp lịch để bốn đơn vị (gồm sở TN-MT, đơn vị kiểm định, đơn vị giám định độc lập, hải quan) và doanh nghiệp cùng có mặt ở cảng. Sau đó, cảng phải bố trí mặt bằng để tháo dỡ từng container lấy hàng ra kiểm tra (bằng mắt thường). 

Với mặt bằng các cảng ở VN diện tích có hạn, cùng lúc có hàng ngàn container nhập về, quy trình kiểm tra thủ công như vậy dẫn tới việc container ứ đọng tại cảng là không thể tránh khỏi.

Container ứ đọng vì thông tư, doanh nghiệp lãnh đủ - Ảnh 3.

Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH xưởng giấy Chánh Dương bình thường có tới hàng trăm công nhân nhưng nay vắng tanh vì nguyên liệu ứ đọng tại cảng - Ảnh: BÁ SƠN

Chức năng chồng chéo

Đại diện Hải quan Bình Dương cho rằng trao chức năng kiểm tra tại cảng cho Sở TN-MT còn gây chồng chéo với chức năng của hải quan. 

Theo thông tư, Sở TN-MT nơi có nhà máy phải kiểm tra toàn bộ container của nhà máy đó. Vì vậy, giả sử một doanh nghiệp tại Bình Dương có container nhập về cảng tại Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM... thì Sở TN-MT của Bình Dương cũng phải xuống tận các cảng của địa phương bạn để kiểm tra.

Quy định không thực tế của thông tư dẫn tới hầu hết các nhà máy sản xuất lớn phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu đều rơi vào tình trạng dây chuyền sản xuất "đói" nguyên liệu. 

Trước thực trạng này, UBND tỉnh Bình Dương và một số địa phương, Hiệp hội Giấy và bột giấy VN, các doanh nghiệp... đã nhiều lần gửi văn bản "cầu cứu" Bộ TN-MT, Văn phòng Chính phủ nhưng tới nay vẫn chưa có kết quả.

Theo một cán bộ của Sở TN-MT tỉnh Bình Dương, nên giao việc kiểm tra hàng hóa ở các cảng cho hải quan, đơn vị kiểm định và giám định độc lập thực hiện như trước đây. 

Các sở TN-MT chỉ thực hiện việc hậu kiểm, kiểm tra tại các nhà máy, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu bất thường...

Mỗi ngày thiệt hại hàng tỉ đồng

Việc thiếu cán bộ kiểm tra dẫn tới container ứ đọng tại cảng gây thiệt hại rất lớn.

Hiện chi phí lưu container tại cảng là khoảng 50 USD/container/ngày.

Giả sử một doanh nghiệp tồn khoảng 500 container thì mỗi ngày sẽ thiệt hại tới 25.000 USD phí lưu kho bãi.

Đó là chưa kể nếu hàng hóa không thông quan được, số tiền doanh nghiệp phải ký quỹ để bảo lãnh lên tới hàng chục triệu USD cũng không thể giải tỏa để lấy vốn lưu động kinh doanh...

Tính ra, một doanh nghiệp có thể thiệt hại hàng tỉ đồng mỗi ngày vì vướng mắc của thông tư này.

Nếu mỗi container phải bôi trơn 1 triệu, doanh nghiệp chết Nếu mỗi container phải bôi trơn 1 triệu, doanh nghiệp chết

TTO - 'Một container nếu phải bôi trơn 1 triệu thì mỗi năm doanh nghiệp mất hàng chục tỉ đồng. Chi phí không chính thức này sẽ giết doanh nghiệp' - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói tại Hội nghị ngành tài chính ngày 9-1.

BÁ SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên