10/10/2014 07:15 GMT+7

​Công viên văn hóa trống vắng

TT - Khởi động từ năm 2001, đến nay đã hơn 13 năm, Công viên lịch sử văn hóa dân tộc rộng 400ha (tại Quận 9, TP.HCM) vẫn chưa hoàn tất khâu thu hồi đất.

Sân chọi trâu sau chín năm giờ khán đài bỏ hoang, khắp sân cỏ mọc - ảnh chụp sáng 7-10 - Ảnh: L.Điền
Sân chọi trâu sau chín năm giờ khán đài bỏ hoang, khắp sân cỏ mọc - ảnh chụp sáng 7-10 - Ảnh: L.Điền

Công viên lịch sử văn hóa dân tộc (tạm gọi là công viên văn hóa) do UBND TP.HCM quyết định thực hiện tại quận 9 với nhiều hạng mục công trình nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân về giải trí, thưởng thức văn hóa, về nguồn ôn lại các bài học lịch sử... khởi động từ năm 2001 đến nay vẫn chưa hoàn tất khâu thu hồi đất.

Trong số 400ha đất được giao, đến nay đã thu hồi được khoảng 320ha.

Đất đai mênh mông nhưng cho đến nay mới chỉ một nội dung tại đây được thực hiện tương đối tươm tất là khu tưởng niệm các vua Hùng, thuộc khu vực cổ đại (chiếm diện tích 80ha) trong phần Tái hiện lịch sử.

Các khu trung đại (30ha) và cận - hiện đại (33ha) thậm chí còn chưa có phương án nội dung sẽ làm gì. Theo ban quản lý Khu công viên lịch sử - văn hóa dân tộc, trong năm 2015 sẽ tổ chức hội thảo để quyết định nội dung cần làm cho hai khu trung đại và cận - hiện đại.

Trong suốt 13 năm qua, ngoài khu tưởng niệm các vua Hùng, công viên văn hóa chỉ mới làm được một số tuyến đường nội bộ và trồng cây xanh (theo UBND TP.HCM, công viên còn có chức năng là mảng xanh cho thành phố, trong quy hoạch cần phủ xanh đến 60% diện tích ở đây).

Cho nên ngoài ngày giỗ tổ Hùng Vương hằng năm quy tụ quan khách về đây đông vui, còn lại là một vùng vắng vẻ mênh mông.

Mặc dù ban quản lý ghi nhận hằng năm các cơ quan, đơn vị về đây tổ chức hội trại khoảng 40-50 trại/ năm, nhưng đây không phải là đối tượng khách chính của công viên.

Người dân TP.HCM khi được hỏi đa số cho rằng công viên ở ngoại thành, xa trung tâm, lại chưa có dịch vụ giải trí cũng như nội dung vui chơi gì nên hầu như nơi đây chưa trở thành điểm đến trong các chuyến dã ngoại dù lớn hay nhỏ của các gia đình hay nhóm bạn.

Bên cạnh bãi đậu xe là phần lớn diện tích đất chưa san lấp - Ảnh: L.Điền
Bên cạnh bãi đậu xe là phần lớn diện tích đất chưa san lấp - Ảnh: L.Điền

Ban quản lý cũng đồng ý rằng nội dung hoạt động của công viên phải đủ hấp dẫn mới thu hút được công chúng. Như cách nay gần mười năm, sân chọi trâu Long Bình được thành lập trong khuôn khổ hợp tác giữa công viên văn hóa và doanh nghiệp tư nhân Sỹ Đăng như một hình thức xã hội hóa.

Sân chọi trâu có tham vọng quy tụ các đội trâu danh tiếng của các vùng miền trong Nam ngoài Bắc về đây thi đấu, phục vụ công chúng TP.HCM và du khách cả nước đến với công viên.

Tuy nhiên mô hình này nhanh chóng bị thất bại. Khi chúng tôi trở lại đây ngày 7-10, sân chọi trâu nay đã bỏ hoang, khán đài vắng lặng và khắp sân cỏ dại lấp đầy.

Nhìn toàn cảnh mấy trăm hecta đã được thu hồi càng thấy hết sự trống vắng mênh mông. Thỉnh thoảng mới có vài sinh viên hoặc nam nữ thanh niên vào viếng khu tưởng niệm các vua Hùng và chụp ảnh lưu niệm.

Bên cạnh khu vực quy hoạch làm bãi đậu xe cho ngày lễ giỗ tổ Hùng Vương hoặc các sự kiện lớn là khoảng trống rộng như cánh đồng hoang mọc đầy cỏ dại.

Có lẽ phần lớn diện tích ở đây, trừ khu vực cổ đại đã xây dựng thành khu tưởng niệm các vua Hùng, còn lại đều chưa biết khi nào sẽ tiến hành san lấp để thực hiện các hạng mục đã dự kiến.

LAM ĐIỀN

13 năm hoàn thành 10% kế hoạch

Trong tương lai gần, vào năm 2015 ban quản lý sẽ trình UBND TP kế hoạch dự án cù lao Bà Sang với diện tích 40ha gồm các tuyến du lịch sinh thái, giải trí, khu biệt thự vườn, khu nuôi thú...

Tuy nhiên, dự án này cũng đang gặp khó khăn về ngân sách và phải kêu gọi nhà đầu tư bên ngoài theo kiểu xã hội hóa.

Tiếp theo là các dự án với những nội dung được giới thiệu: Bảo tàng lịch sử tự nhiên, khu vui chơi giải trí dọc sông Đồng Nai, khu làng hoa du lịch - tắm bùn khoáng, làng văn hóa các dân tộc, khu tái hiện rừng Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh, khu công viên điện ảnh...

Một cán bộ trong ban quản lý công viên cho biết đến nay tại đây đã tổ chức được ba câu lạc bộ, góp phần vào đời sống văn hóa của địa phương: CLB võ vovinam, hằng năm có thi đấu cờ người, CLB thư họa viết chữ Việt và CLB xe đạp địa hình.

Thành viên các câu lạc bộ này là cư dân phường Long Bình. Sắp tới đang có dự kiến thành lập phòng đọc sách tại khu cổ đại để tạo điều kiện cho các em học sinh và cư dân địa phương đến đọc sách và sinh hoạt.

Tuy nhiên sau 13 năm, công trình đồ sộ này chỉ mới hoàn thành 10% nội dung. 

Người dân mong sớm ổn định cuộc sống

Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận 9 cho biết toàn dự án công viên lịch sử văn hóa dân tộc (ảnh hưởng 1.500 hộ dân) hiện còn khoảng bảy hộ chưa được nhận quyết định bồi thường và tiền bồi thường.

Các hộ này sẽ được bồi thường xong trong tháng 10. Hiện nay còn trên 100 hộ dân đã nhận tiền bồi thường nhưng chưa bàn giao mặt bằng vì nhiều lý do, trong đó có một hộ chưa được bố trí nền tái định cư.

Dự kiến đến cuối năm 2014, UBND quận 9 sẽ có đủ nền đất bàn giao cho người dân.

Tuổi Trẻ đã ghi nhận ý kiến của một số hộ dân vẫn còn ở trong khu quy hoạch của dự án.

* Bà ĐOÀN THỊ VÂN 
(45 tuổi, KP Thái Bình 1): 

Chúng tôi mệt mỏi quá rồi

Tôi nhận tiền đền bù từ năm 2007 nhưng đến nay vẫn chưa được nhận nền tái định cư, chỉ biết là sẽ có một suất bên khu tái định cư Long Sơn. Nhưng tôi qua đó xem rồi, cả khu tái định cư rộng bao la như vậy mà không có chợ, đường sá thì bất tiện, khoảng cách gần mà phải chạy đường vòng cả 5-6km mới qua được.

Ở bên này tôi còn cho mướn mảnh đất sau nhà lấy đồng ra đồng vào, giờ chuyển sang đó chưa biết làm gì sinh sống.

Suốt từ hai năm nay chúng tôi sống biệt lập ở đây, không còn tổ dân phố, không còn họp hành đoàn thể gì nữa cả.

Nhà xây đã 22 năm, không được phép sửa chữa, không làm được giấy tờ, khi Nhà nước làm dự án thì chúng tôi cũng chấp hành. Nhưng chúng tôi mệt mỏi quá rồi, chỉ mong sao được nhanh chóng tái định cư, ổn định cuộc sống để còn lo làm ăn.

* Ông B. (KP Thái Bình 1): 

Kiểm kê tài sản 3 năm, chưa được bồi thường

Tôi biết đến dự án khi chưa sinh đứa con đầu lòng, nay nó đã 17 tuổi rồi. Nhà dột cột xiêu không được phép sửa chữa.

Tôi muốn cất thêm một quán nước nhỏ, chỉ chống mấy cây cột sắt lên rồi lợp mái lá cho khách ngồi, kiếm tiền sinh sống qua ngày nhưng phường không chịu, bắt tôi phải tự tháo dỡ.

Tôi có lên phường trình bày xin cam kết sẽ tự tháo dỡ công trình khi Nhà nước thực hiện dự án và không yêu cầu bồi thường nhưng phường cũng không chịu. Chính quyền đã kiểm kê tài sản từ cách đây ba năm nhưng đến nay tôi vẫn chưa nhận được tiền bồi thường.

Nhà nước chưa bồi thường, chưa thu hồi đất thì cứ để chúng tôi sử dụng để làm ăn, sao nỡ cấm cản...

MAI HOA - K.YÊN

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên