Ba tháng sau ngày nộp đơn tham gia công ước Berne (về bảo hộ quyền tác giả trên thế giới), theo đúng thể lệ, từ ngày 26-10-2004 VN đã trở thành thành viên thứ 156 của công ước này và cũng là ngày công ước có hiệu lực tại VN.
Điều đó có nghĩa từ nay việc xuất bản các tác phẩm của nước ngoài đều phải được sự đồng ý bằng văn bản của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm hoặc tổ chức đại diện hợp pháp quyền tác giả của tác phẩm đó.
Kể cả với những tác phẩm đã được Cục Xuất bản cấp giấy phép trước ngày 26-10 mà chưa triển khai xuất bản, cũng phải thực hiện theo quy định mới. Điều này đã làm một số nhà xuất bản phải thay đổi cấp bách kế hoạch của mình. Cùng với việc chưa được hướng dẫn, tập huấn cụ thể, hầu hết họ đều đang rất lúng túng.
Riêng ngành sản xuất băng đĩa đang gặp một số khó khăn, khi theo quy định mới của Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD), cả những băng đĩa có tác phẩm của nước ngoài đã sản xuất trước ngày 26-10-2004 cũng phải nộp đơn xin sản xuất lại, với đầy đủ văn bản cho phép của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm hoặc tổ chức đại diện hợp pháp quyền tác giả - nếu muốn tái bản hoặc nhân bản.
Điều này gây khó khăn vì các nhà sản xuất băng đĩa luôn chỉ sản xuất chương trình từng đợt theo thị trường, bán hết mới in thêm (và mua thêm tem của Cục NTBD), sống được là về lâu dài, có rất nhiều chương trình chỉ thu hồi vốn sau vài năm.
Thật ra, các nhà quản lý hoàn toàn có thể báo trước tình hình cho người sản xuất sớm hơn, thậm chí việc thực hiện công ước vẫn có thể được thương thảo về thời hiệu đối với một số lĩnh vực cụ thể, có thể sau một thời gian.
Việc hướng dẫn thực hiện công ước quả quá cấp bách và lạnh lùng, đó là chưa kể công văn này được bắt đầu bằng câu: “Trong những năm qua, các tổ chức, cá nhân khi sử dụng các tác phẩm âm nhạc của tác giả nước ngoài đã không thực hiện đúng các qui định của pháp luật về quyền tác giả, gây bất bình trong dư luận xã hội và trở ngại cho sự hội nhập của VN với thế giới”.
Tất cả các trung tâm băng đĩa nhạc đều thở dài: việc sản xuất một chương trình băng đĩa đều được thông qua giấy phép vô cùng chặt chẽ của mấy tầng nấc, từ sở VH-TT địa phương đến Cục NTBD, sao có thể đổ cho các nhà sản xuất và nói là họ không làm đúng qui định của pháp luật?
Bắt đầu tham gia sân chơi đã là chậm, nhưng thiết nghĩ việc để thêm một ít thời gian xây dựng những bước đi phù hợp đồng thời với việc phổ biến, hướng dẫn luật chơi đến từng ngành liên quan... là điều rất cần thiết, nếu chúng ta biết quan tâm đúng mức đến những nhà sản xuất trong nước.
----------------------
Tin, bài liên quan:
* Công ước Berne: Những điều khoản hay bị hiểu lầm* Thực thi Công ước Berne từ hôm nay, 26-10-2004* Hãy yên tâm về quyền lợi tác quyền của mình!* "Có bị dồn vào chân tường, chúng ta mới khá lên dược!"* Thắc mắc tác quyền trước công ước Berne* VN sẽ có một nền văn hóa bản quyền trong quan hệ quốc tế* Ai nửa mừng nửa lo, ai bình chân như vại?* Phải làm sách đàng hoàng hơn* Cần có một cơ quan môi giới về bản quyền* Bản quyền 2004: thêm chuyện mới
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận