08/07/2022 14:12 GMT+7

Công ty ở Trung Quốc gây tranh cãi vì không tuyển người đã mắc COVID-19

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

Một số công ty ở Thượng Hải đã bị cáo buộc từ chối tuyển dụng người từng mắc COVID-19, thậm chí cả những người làm việc ở các trung tâm cách ly tập trung.

Công ty ở Trung Quốc gây tranh cãi vì không tuyển người đã mắc COVID-19 - Ảnh 1.

Hội chợ việc làm tại Thượng Hải. Ảnh: chinadaily.com

Theo phương tiện truyền thông địa phương, công ty Pudong New Area và Songjiang District có trụ sở tại Thượng Hải đã phát thông báo tuyển dụng kèm yêu cầu không chấp nhận những người từng mắc COVID-19. Một số thông báo còn cho biết những tình nguyện viên làm việc tại các cơ sở cách ly tạm thời, hoặc bệnh viện dã chiến, cũng không được nộp đơn. Cáo buộc này cũng liên quan đến nhà tuyển dụng đại diện cho các công ty lớn như Disney và Foxconn. Điều này làm dấy lên tranh cãi về hành vi phân biệt đối xử trong bối cảnh trung tâm kinh tế lớn nhất đất nước đang trên đà hồi phục sau 2 tháng phong tỏa.

Ông Zhang Hongtao, nhân viên tại công ty cung cấp lao động ở Thượng Hải, chia sẻ rằng phần lớn các nhà máy điện tử và khu sản xuất địa phương đều từ chối thuê lao động đã từng mắc COVID-19 vì sợ họ tái nhiễm. Các công ty lo ngại những người này có thể làm bùng phát dịch, gây gián đoạn toàn bộ hoạt động sản xuất của nhà máy.

'Các nhà máy nói rõ rằng họ không thuê những người đã từng có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Chúng tôi không thể làm gì được. Ngay cả khi một số nhà máy không đề cập đến điều đó trong các yêu cầu tuyển dụng, họ sẽ từ chối và chúng tôi phải nhận người về. Yêu cầu này khiến chúng tôi cảm thấy khó xử ', ông Zhang nói.

Tại Trung Quốc, dù đại dịch đã bùng phát được 2 năm, tình trạng kỳ thị bệnh nhân COVID-19 vẫn còn tồn tại. Nhiều bệnh nhân chia sẻ rằng họ đã mất việc làm ngay sau khi bình phục, mặc dù luật pháp Trung Quốc quy định phân biệt đối xử với người bị bệnh truyền nhiễm là bất hợp pháp.

Tháng trước, một công nhân quê ở tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc, đã đăng tải một bài viết trên mạng xã hội. Anh kể lại rằng mình có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2-vào tháng 4, khi đang làm việc tại một trung tâm cách ly ở Thượng Hải. Sau khi khỏi bệnh, anh đã phải vất vả tìm việc làm nhưng không được nhận. Người đàn ông cho biết anh phải ăn xin và sống trên đường phố.

Tuy nhiên, hôm 6/7, một số công ty lớn đã phủ nhận cáo buộc này. Trong đó, Foxconn khẳng định những tin đồn này là sai sự thật. Công ty cho biết họ không có yêu cầu nào như vậy và nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử trong quá trình tuyển dụng.

Shanghai Disney Resort cũng đăng tải bài viết đính chính thông tin trên tài khoản WeChat chính thức: 'Chúng tôi đã nhận được thông tin sai lệch rằng Shanghai Disney Resort đã phân biệt đối xử với những người từng mắc COVID-19 trong quá trình tuyển dụng'. Thông tin tuyển dụng được đề cập trong báo cáo không phải là thông tin chính thức được công bố bởi Shanghai Disney Resort hoặc cơ quan tuyển dụng bên thứ ba được ủy quyền. Công ty nhấn mạnh rằng mọi ứng viên tham gia tuyển dụng đều có cơ hội bình đẳng.

Quản lý của một công ty tư nhân nhỏ ở Thượng Hải tuyên bố công ty mình chưa bao giờ đưa yêu cầu này vào các điều khoản tuyển dụng. Người này nói: 'Theo quy định, chúng tôi sẽ yêu cầu các ứng viên cung cấp giấy xét nghiệm axit nucleic. Không quan trọng là họ đã từng mắc COVID-19 hay chưa. Người dân Thượng Hải đã trải qua một thời kỳ khó khăn. Chúng tôi không thể tạo thêm nhiều rào cản cho họ nữa'. Tuy nhiên, quản lý này nói rằng anh cũng nghe được thông tin một số công ty có yêu cầu tuyển dụng như vậy.

Nhà miễn dịch học Zhuang Shilihe tại Quảng Châu cho biết theo quan điểm chuyên môn, mặc dù không hiếm trường hợp người mắc COVID-19 có kết quả tái dương tính sau khi khỏi bệnh, song điều này chỉ có nghĩa là trong cơ thể họ vẫn còn sót lại các hạt virus, nhưng không thể lây nhiễm.

Hầu hết những người bị mắc COVID-19 ở Thượng Hải trong đợt bùng phát gần đây đều là các ca nhiễm sau khi tiêm vaccine. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhóm này tạo ra mức kháng thể trung hòa cao nhất, cho thấy nguy cơ tái nhiễm thấp hơn so với những người khác. Song ông Zhuang lưu ý một số nhà sử dụng lao động có thể đã đưa ra các hạn chế, không phải vì sự thiếu hiểu biết cơ bản về y tế, mà là do họ cân nhắc các rủi ro thực tế.

'Nhiều nhà sử dụng lao động lo rằng nếu một trong những nhân viên của họ bị nhiễm bệnh, công ty sẽ phải ngừng hoạt động và sản xuất, do đó sẽ bị thiệt hại đáng kể về mặt tài chính', ông Zhuang giải thích.

Tuy nhiên, ông Zhang Yiwu, giáo sư tại Đại học Bắc Kinh, nói rằng những hạn chế như vậy là vô lý và bất hợp pháp. Ông cho biết có những điều khoản rõ ràng trong luật hiện hành không cho phép phân biệt đối xử với những người mắc bệnh truyền nhiễm và những người đã khỏi bệnh.

'Tất cả xã hội, bao gồm chính phủ, người sử dụng lao động, người tìm việc và công chúng, nên bày tỏ sự phản đối rõ ràng đối với nạn phân biệt đối xử bất hợp pháp này', ông nhấn mạnh.

Trong khi đó, nhà dịch tễ học Zhuang lưu ý rằng ở Trung Quốc, những người mắc bệnh viêm gan B đã chiến đấu trong nhiều thập kỷ để xóa bỏ sự phân biệt đối xử trong xã hội. Cuối cùng luật pháp nghiêm ngặt đã giúp giải quyết vấn đề này. Ông nói rằng trong một xã hội tiến bộ, bi kịch này không nên lặp lại. Ông cho biết các hành vi vi phạm pháp luật của các công ty phải bị trừng phạt nghiêm khắc.

Luật sư lao động Chen Wenjin tại Công ty Luật Liêm chính Thượng Hải cho biết: 'Các công ty có thể từ chối thuê người từng mắc COVID-19 để bảo vệ sức khỏe cho các nhân viên khác, nhưng điều đó mang tính phân biệt đối xử và vi phạm pháp luật. Mặc dù người lao động có thể gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan quản lý, nhưng thách thức là làm thế nào để thu thập bằng chứng chứng minh người sử dụng lao động không thuê họ do từng mắc COVID-19. Một số công ty có thể viện lý do khác hoặc không đưa ra lý do'.



Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên