![]() |
Một góc công trường - Ảnh: T.Đ.T. |
Tề Lỗ từ nhiều năm qua đã trở thành một... công trường.
Công trường... làng!
Khắp Tề Lỗ có gần 300 bãi “mổ” ôtô mang những cái tên Chính Thủy, Lan Khích, Sơn Thành, Thu Rẽ... Bãi nào cũng ngồn ngộn những đống sắt, đống phế liệu từ ôtô chưa kịp bán chất cao như núi và rộn rã thợ “mổ”, người mua bán ra vào. Tiếng búa đập sắt chát chúa, tiếng máy cưa xoèn xoẹt, tiếng loảng xoảng, chan chát của kim loại vang lên không dứt, ầm ầm, ào ào...
Nhảy lên một chiếc xe tải cao trong bãi, Hùng “Ifa” - một trong những “đại gia” ở làng mổ xác ôtô - khoát tay nói: “Tề Lỗ bây giờ có vẻ giống như một công trường ôtô của Nga thời “đại công nghiệp” phải không? Năm, sáu năm trước, công trường ôtô Tề Lỗ chỉ là một... cánh đồng làng!”.
Khu đất rộng gần 4.000m2 mà Hùng “Ifa” dùng làm bãi trước kia cũng là ruộng lúa, nơi chính Hùng đã từng “bán mặt cho đất” để kiếm cái ăn bao năm trời. Bây giờ khu đất trở nên chật chội khi trước, sau, trái, phải đều là những chiếc ôtô chờ đến lượt bị “phanh thây”.
Chỉ kịp xem xét lại những chiếc ôtô mới nhập một lần cuối, Hùng vội vã lùa ngay đám thợ là hàng chục thanh niên vào việc: “Ba đứa làm cho tao con màu xanh nước biển L...90 (90 là hai số cuối của biển số xe), ba đứa làm con màu trắng Z...53, còn lại lo thu dọn bãi. Khẩn trương lên!”. Tức thì những thanh niên người cầm máy cắt kim loại leo lên đầu xe, người đem búa nhảy lên thùng, người khác cầm theo mỏ hàn và đèn khò chui vào gầm xe...
- Để tránh ô nhiễm môi trường và tạo điều kiện cho các bãi mổ ôtô Tề Lỗ hoạt động, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt xây dựng cụm làng nghề “mổ xác” ôtô ngay tại Tề Lỗ với diện tích hơn 20ha. Ông Đào Đức Chiêm, phó chủ tịch UBND xã Tề Lỗ, cho biết hiện đã giải phóng được 90% mặt bằng và sẽ đưa các bãi mổ vào cụm trong năm 2007. - Theo UBND xã Tề Lỗ, năm năm trở lại đây, nhờ nghề “mổ xác” ôtô mà cuộc sống của hàng nghìn người dân nơi đây đã “khá lên đến... không ngờ”. Hiện Tề Lỗ có trên 3.000 lao động (gần 100% lao động tại xã) có việc làm và thu nhập ổn định từ nghề “mổ xác” ôtô. Thu nhập toàn xã và thu nhập bình quân đầu người năm 2006 so với năm 2000 đã tăng xấp xỉ hai lần và là một trong những xã có thu nhập cao nhất Vĩnh Phúc: từ 30 tỉ/năm lên gần 60 tỉ/năm và 3,5 triệu đồng lên 6 triệu đồng/người/năm. |
Từ khi đặt bút ký hợp đồng mua thanh lý mười chiếc Ifa loại 4,5 tấn của một hợp tác xã vận tải tận Đồng Nai mới giải thể chỉ với giá 40 triệu đồng/chiếc, Hùng đã nắm chắc sẽ lãi gấp đôi.
Cái tính toán ấy cụ thể hơn nhiều khi anh đã bán được hai chiếc “còn chạy tốt” cho một tay buôn bán ôtô cũ người Huế với giá 300 triệu đồng. Những chiếc còn lại anh thuê xe cứu hộ kéo về mổ xác bán sắt vụn và phụ tùng.
“Những con này bán sắt vụn 100% cũng thừa vốn mua” - Hùng nói không giấu giếm. Những chiếc ôtô sau khi mổ sẽ được Hùng phân loại sắt đồng và các loại phế liệu khác bán ngay cho các chủ thu gom tại làng với giá 3.500 - 3.800 đồng/kg sắt và 50.000 - 65.000 đồng/kg đồng.
Máy móc, phụ tùng cái nào còn xài được Hùng bán cho những chủ trung tâm sửa chữa ôtô từ khắp nơi như Hà Nội, Thái Nguyên, Nam Định... đổ về và cũng đang ăn chực nằm chờ ngay Tề Lỗ để đợi hàng.
Trung bình mỗi “xác” ôtô chỉ cần ba thợ mổ một ngày là xong. Nhưng các chủ bãi mổ luôn bôn ba khắp nước tìm mối hàng nên đám thợ chẳng bao giờ thiếu việc. Mỗi ngày các chủ bãi mổ Tề Lỗ kéo về vài ba trăm “xác” ôtô hết đát nên vài nghìn lao động của làng tha hồ... mổ!
“Công nghệ”... mổ xác ôtô
Đứng ở đầu làng Tề Lỗ chừng 10 phút tôi đã đếm được hơn chục con “xế hộp”: Camry 2.4G, Camry 3.0V6, Corolla 1.8..., đặc biệt có một con Mercedes E200K mới cứng lướt qua mặt. Đó là những “xế hộp” đời mới mà chủ của chúng là những chủ bãi mổ dùng để “tiện giao dịch”, điều mà trước kia những ông nông dân chân lấm tay bùn ấy có mơ cũng không dám. Ngay chính Hùng cũng phải thừa nhận là thế, vì 5-6 năm về trước người ta vẫn thấy ngoài việc cấy cày anh chỉ có một việc khác là lùa bầy vịt đẻ đi mót lúa khắp cánh đồng.
Gần đây, các chủ bãi mổ tìm ra cách làm ăn mới: tân trang và bán lại ôtô, thậm chí đi săn lùng “hàng cổ”. Những con xe được mua từ khắp nơi nếu máy móc còn ngon sẽ được sơn tút bảo dưỡng, thay thế phụ tùng và xuất ngược lên vùng cao hay vùng xa.
Mỗi con xe được tân trang, các chủ bãi mổ thu lãi ít nhất cũng 20% giá. Tất nhiên con xe ấy phải đủ giấy tờ và đăng kiểm đàng hoàng. Gần đây, giới mổ xe Tề Lỗ cũng râm ran chuyện một chủ bãi mổ trúng lớn nhờ mua được con xe cổ đời 1892 của Pháp từ tay một dân chơi Đà Lạt. Vừa mua qua tay đã có tay buôn ôtô cổ ở tận TP.HCM đến nằn nì mua lại với giá 50.000 USD.
Nhiều chủ bãi mổ nhận cả những con máy xúc, máy ủi, công nông, xe kéo... Mỗi chủ bãi ở Tề Lỗ chỉ mổ một dòng xe nhất định. Cũng chính vì thế, nhiều “đại gia” trong làng mổ xe Tề Lỗ có cái tên ghép với dòng xe mình chuyên mổ: Nhân “Kamaz”, Dũng “Hyundai”, Huy “Uoat”...
Thật ra, các chủ bãi mổ cũng không dám “ôm mổ” tất cả dòng xe vì nếu không cẩn thận, chỉ cần nhầm đời xe (lầm lẫn năm sản xuất) vài chuyến coi như sập tiệm. Huy “Uoat” kể năm 2005, Tề Lỗ chứng kiến mấy “đại gia” bị ngân hàng niêm phong nhà và tài sản cũng chỉ vì nhầm đời: “Mua được gần 50 con Hyundai trong một hợp đồng thanh lý, H. “xe ben” (một chủ bãi mổ-NV) hí hửng tưởng “ăn dày”. Nào ngờ bên bán đã lén “lên đời” từ 70 lên 90. Xe bên ngoài mới nguyên nhưng mổ ra đã nát như tương, bán sắt vụn đến cả phụ tùng và máy móc, lượng sắt dự tính cũng hao hụt đến quá 70%. Vụ ấy nghe đâu H. lỗ đứt cả tỉ bạc”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận