Phóng to |
"Hoa biển" mới chỉ xong phần thô |
Hoa gì kỳ thế?
"Hoa biển" - biểu tượng của thành phố biển Nha Trang là một khối nhà bêtông, cốt thép có chiều cao 36 mét, gồm 5 "cánh" được trang trí bằng cửa sổ kính khung nhôm. Nhưng, ý tưởng kiến trúc của KTS Nguyễn Ngọc Dũng quá xa lạ với thực tế và lạc lõng giữa không gian nhẹ nhàng, thoáng đãng... khiến công trình càng xây lên cao càng phản cảm.
Người Nha Trang cũng như tất thảy du khách khi đi ngang qua Quảng trường 2.4 đều thốt lên tự hỏi: "Hoa gì mà kỳ thế?". Hoa gì mà chỉ là một khối bêtông y hệt ống khói của những nhà máy ximăng lò đứng?
Chưa nở đã...tàn
Từ khi Nha Trang chuẩn bị được công nhận là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới, tỉnh Khánh Hoà đã đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng biểu tượng của thành phố. Đầu tháng 5-2002, trong một cuộc họp thông qua quy hoạch Quảng trường 2-4 Nha Trang, UBND tỉnh Khánh Hoà đã chỉ đạo tổ chức một cuộc thi ý tưởng kiến trúc.
Sau 4 tháng phát động, BTC đã xét tặng giải thưởng cho 5 trong tổng số gần 10 đề án được chọn qua vòng sơ khảo. "Hoa biển" vẫn còn thiếu phần trình bày các giải pháp kỹ thuật chi tiết, nhưng đã được chấm giải B đồng hạng với đề án của nhóm KTS Ngô Toàn (không có giải A) để rồi trở thành đề án khả thi nhất.
Dự án được UBND tỉnh Khánh Hoà giao cho Ban quản lý dự án các công trình xây dựng dân dụng Khánh Hoà làm chủ đầu tư. Đến đầu năm 2005 mới động thổ và Công ty cổ phần xây lắp - vật liệu xây dựng tỉnh Khánh Hoà được chỉ định thầu. Rồi, nhà thầu liên tục đề nghị nâng mức đầu tư vì lý do dự toán thiết kế ban đầu chỉ phù hợp với đơn giá vật liệu thời điểm tháng 7-2004, hơn nữa có một số hạng mục cần phải thay đổi vật liệu thì mới đảm bảo độ bền vững của công trình. Đơn giá thay đổi, kinh phí gia tăng từ hơn 10 tỉ đồng (dự toán ban đầu) lên hơn 18,3 tỉ đồng (tính đến 10-2005) mà phần thô vẫn còn dang dở.
Ngày 17-1-2006, UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo tạm dừng thi công, thành lập hội đồng thẩm định hoặc thuê kiểm toán xác định khối lượng và giá trị xây lắp thực tế; mặt khác, lãnh đạo tỉnh Khánh Hoà liên tục vận động các doanh nghiệp tham gia "xã hội hoá" công trình nghệ thuật "Hoa biển".
Ngày 1-3-2006, GĐ Công ty TNHH du lịch - thương mại Hòn Tre đã thay mặt 5 doanh nghiệp gửi công văn phúc đáp UBND tỉnh Khánh Hoà rằng "cùng nhau thống nhất" nhận công trình nghệ thuật "Hoa biển" để xây dựng lại theo hướng "trình thêm cho UBND tỉnh sớm nhất những phương án kiến trúc khác".
Thêm những nỗi lo
Ngày 9-3, ông Lê Xuân Thân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - cho biết: "Bước đầu xác định được giá trị thực tế đã đầu tư trên công trường chỉ khoảng 5 tỉ đồng. Kế hoạch xã hội hoá vừa được thường trực UBND tỉnh Khánh Hoà thông qua, vẫn tiếp tục xây dựng tại vị trí này một công trình văn hoá nghệ thuật tiêu biểu, nhưng đó là công trình gì thì còn phải chờ phương án mới của 5 doanh nghiệp trên".
Dư luận cho rằng, khái niệm "xã hội hoá" đã bị lạm dụng nhằm khoả lấp những việc làm sai trái có liên quan "Hoa biển". Và, hiện có thêm những nỗi lo khác đòi hỏi lãnh đạo tỉnh cần lưu tâm cân nhắc. Trong công văn phúc đáp, các doanh nghiệp đã nêu rõ điều kiện: "...đề nghị UBND tỉnh giao cho chúng tôi cùng nhau quản lý, sử dụng công trình này thành nơi giới thiệu, quảng cáo, quảng bá các thông tin về tỉnh Khánh Hoà nói chung và lĩnh vực du lịch, dịch vụ nói riêng".
Đến thời điểm này, không ai tưởng tượng được rồi đây hoa gì sẽ thay "Hoa biển" và các nhà đầu tư sẽ quảng cáo những gì trên đó, nhưng khu đất tuyệt đẹp ấy đã thuộc về những người chủ mới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận