15/08/2018 14:35 GMT+7

Công trình giảm ùn tắc đang... ách tắc

ĐỨC PHÚ - THU DUNG
ĐỨC PHÚ - THU DUNG

TTO - Sở GTVT TP.HCM cho biết có đến 50 công trình giao thông chậm tiến độ vì thiếu mặt bằng thi công, khiến chương trình đột phá "giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông" 2016 - 2020 bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Công trình giảm ùn tắc đang... ách tắc - Ảnh 1.

Cầu vượt đường Nguyện Kiệm - Nguyễn Thái Sơn thi công dang dở - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG

Sở GTVT đã kiến nghị Hội đồng thẩm định giá đất có hướng dẫn mới phù hợp để làm căn cứ lập đơn giá đất bồi thường cho người dân. Chậm ngày nào sẽ khiến dự án tăng thêm chi phí giải phóng mặt bằng ngày đó.

Ông ĐOÀN PHÚ ĐỨC (phó giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 2)

Vấn đề này vừa được Sở GTVT báo cáo tại kỳ họp HĐND TP.HCM mới đây. Tuổi Trẻ đã trở lại các công trình giao thông giảm ùn tắc đang bị ách tắc này.

Thi công cầm chừng

8h sáng một ngày cuối tháng 7, công trình xây dựng bến xe Miền Đông mới (giáp ranh Q.9, TP.HCM và Bình Dương) vẫn còn ngổn ngang.

Công trình này khởi công vào ngày 26-4-2017 trên 16ha đất, với kỳ vọng đáp ứng nhu cầu phục vụ hơn 21.000 lượt khách/ngày. Đáng ra công trình hoàn thành vào dịp tết 2018, nhưng đến nay vẫn còn là một bãi đất được đào xới ngổn ngang.

"Công trình thi công ì ạch, đất đá vương vãi... rất dễ xảy ra tai nạn" - anh Nguyễn Văn Hậu, một người dân, than thở.

Còn công trình cầu Nam Lý trên đường Đỗ Xuân Hợp (nối Q.9 với Q.2) đi qua các cảng Phú Hữu và đường vào cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây cũng đang làm dần dần do chưa giải tỏa hết mặt bằng.

Công trình này có tổng mức đầu tư hơn 857 tỉ đồng, thi công từ tháng 10-2016, dự kiến sẽ xong vào tháng 9-2019 với điều kiện được địa phương bàn giao toàn bộ mặt bằng. Với tình trạng vừa thi công vừa chờ mặt bằng như hiện nay thì chưa biết khi nào xong.

Một cán bộ quản lý dự án cầu Nam Lý cho biết: "Chúng tôi phải thi công cầu cầm chừng, đoạn nào giải tỏa xong thì làm đoạn đó. Phải vừa thi công vừa đi vận động người dân giao mặt bằng".

Tương tự, cầu vượt chữ N tại vòng xoay Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn (Q.Gò Vấp) đến nay vẫn thi công ì ạch vì chưa có mặt bằng, trong khi nạn kẹt xe ở vòng xoay Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn xảy ra hằng ngày.

Đến nay công trình chỉ mới xây xong hai nhánh cầu Nguyễn Kiệm - Hoàng Minh Giám, Hoàng Minh Giám - Nguyễn Thái Sơn. Nhánh còn lại là Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn dự kiến khánh thành tháng 1-2018 thì vẫn giậm chân tại chỗ!

Nhiều nhà dân chưa được di dời

Ông Lê Văn Pha, phó tổng giám đốc Samco - chủ đầu tư dự án bến xe Miền Đông mới, cho biết hiện vẫn còn một hộ dân chưa được đền bù, Samco và UBND Q.9 đã kiến nghị cơ quan thẩm quyền giải quyết cho hộ này mua nền đất tái định cư 140m2 nhưng chưa được chấp thuận.

Ngoài nguyên nhân này, theo ông Pha, việc thi công chậm trễ ở bến xe Miền Đông mới còn vướng mắc về công tác giao đất, thủ tục thuê đất.

Đó là chưa kể mặt bằng thi công đường D11 và đường E3 trùng với vị trí đường hiện hữu nên nhà thầu vừa thi công hai đường này vừa phải đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân trên đường tạm. Điều này đã gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án.

Nói về việc chưa thể thi công nhánh cầu Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn, ông Phạm Ngọc Dũng, giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 3, cho biết do vướng khâu đền bù giải phóng mặt bằng.

Hiện còn 49 hộ dân không đồng ý nhận tiền đền bù. Khu 3 đang phối hợp với UBND Q.Gò Vấp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.

Dự án nút giao thông Mỹ Thủy giai đoạn 1 dù đã hoàn thành cầu vượt nhưng cũng đang vướng mặt bằng với diện tích 16,6ha để thi công các hạng mục tiếp theo. UBND Q.2 hứa sẽ giải phóng mặt bằng xong trước ngày 30-4-2018, nhưng đến nay vẫn chưa duyệt được phương án bồi thường, chưa chi trả cho người dân.

Giá bồi thường và giá thực tế vênh nhau

Theo các chủ đầu tư và cơ quan chức năng, điểm vướng lớn nhất khiến quá trình giải phóng mặt bằng chậm chính là sự chênh nhau giữa giá bồi thường và giá thực tế.

Giải thích về việc chưa giải tỏa hết mặt bằng ở công trình cầu Nam Lý, bà Võ Thị Như Tiến, cán bộ Ban bồi thường giải phóng mặt bằng Q.9, cho biết dự án được tính toán thi công từ năm 2012, nhưng thời điểm đó chủ đầu tư chưa ghi được vốn nên đến năm 2016 mới thi công.

Trong khi đó, dự án đã được ban hành thông báo thu hồi đất chung từ năm 2012.

Khi thi công, công tác giải tỏa mặt bằng bị vướng ở khâu thủ tục, pháp lý ở giai đoạn thay đổi các chính sách liên quan đến Luật đất đai năm 2003 và 2013 nên cần có văn bản điều chỉnh và xin ý kiến cơ quan chức năng.

Ông Đoàn Phú Đức, phó giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 2, cho biết đơn giá đất bồi thường của dự án sẽ căn cứ theo các hợp đồng mua bán đất thực tế trên thị trường.

Tuy nhiên, hầu hết các hợp đồng giao dịch đều ghi giá chuyển nhượng đất thấp hơn so với giá thực tế nên việc lập đơn giá đền bù khó sát thực tế để bồi thường thỏa đáng cho các hộ dân.

Ông Đức cho biết hiện có tới 9 dự án cầu đường do Khu quản lý giao thông đô thị số 2 làm chủ đầu tư cũng đang vướng mặt bằng như đường nối Nguyễn Văn Hưởng ra xa lộ Hà Nội (Q.2), dự án cầu Tăng Long (Q.9), nút giao thông Đại học Quốc gia...

Đội vốn trăm tỉ

Theo Sở GTVT, phần lớn các dự án thuộc chương trình giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2016 - 2020 đang gặp phải khó khăn do thiếu vốn, thiếu mặt bằng. Việc này khiến thi công chậm trễ kéo theo công trình bị đội vốn.

Điển hình như dự án mở rộng tỉnh lộ 8 (Củ Chi) gắn với Khu công nghiệp Đông Nam (dài 7km) được duyệt từ năm 2008 với vốn đầu tư 220 tỉ đồng (trong đó 110 tỉ đồng giải phóng mặt bằng).

Đến nay do vướng mặt bằng, chậm triển khai nên thẩm định lại vốn dự án này đã bị đội lên hơn 800 tỉ đồng (trong đó hơn 600 tỉ đồng giải phóng mặt bằng)...

Theo tính toán, giai đoạn 2016 - 2020, TP.HCM cần bố trí khoảng 177.000 tỉ đồng cho dự án giao thông, nhưng đến thời điểm này mới chỉ bố trí được 14%.


ĐỨC PHÚ - THU DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên