Đổ tiền xây trung tâm hành chínhXây trung tâm hành chính: “Rằng hay thì thật là hay...”
Phóng to |
Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương đang được xây dựng - Ảnh: Thuận Thắng |
* Tiến sĩ, kiến trúc sư NGUYỄN QUỐC THÔNG (phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam):
Xu hướng không còn thích xây lớn
Có thể chúng ta đang bị choáng ngợp bởi các mô hình công sở - khu hành chính của các quốc gia mới phát triển hàng xóm như Trung Quốc hay Malaysia: to lớn, bề thế, hoành tráng, chiếm diện tích lớn và tạo cảm giác quyền lực đối với người dân có việc cần lui tới.
Những mô hình trung tâm hành chính như Putrajaya (Malaysia), nhiều lần Hội Kiến trúc sư cũng đã tổ chức tham quan, hội thảo và có những khuyến cáo không nên áp dụng ở Việt Nam vì nó quá tách biệt với khu dân cư, tạo nên một “thành phố chết” khi hết giờ làm việc, đồng thời khiến người dân ngại ngùng khi có việc phải vào đó, vì khoảng cách địa lý quá xa và khoảng cách về tâm lý cũng lớn.
Theo khảo sát của chúng tôi, ở các nước đã phát triển, xu hướng xây trụ sở hoành tráng cũng từng có lúc chiếm ưu thế: những công trình ở châu Âu sau Thế chiến thứ hai, tâm lý trỗi dậy từ tro tàn đổ nát đã khiến có lúc trụ sở một đảng không cầm quyền ở Pháp cũng chiếm trọn cả một ô phố với quy mô bề thế.
Nhưng càng ngày xã hội càng tự điều chỉnh nhận thức: công sở chỉ nên là nơi làm việc, là nơi phục vụ người dân hằng ngày, nên rất cần ở gần khu dân cư, quy mô lớn nhỏ nên phụ thuộc dân số, và kiến trúc phải rất hài hòa, thân thiện với môi trường, tạo cho người dân cảm giác tới đó như tới nhà mình. Tòa nhà làm việc của thủ tướng Anh là một ví dụ về sự khiêm nhường hữu ích.
Cũng do bộ máy hành chính phân quyền, bộ máy công chức viên chức châu Âu đang ngày càng nhỏ đi, xu hướng mỗi bộ chiếm một tòa nhà đang giảm mạnh. Rất nhiều bộ, sở, ngành tại các đô thị châu Âu chuyển sang mô hình liên cơ hữu cơ: 4-5 bộ có liên quan dùng chung một tòa nhà để tiện cho người dân đi lại làm các thủ tục hành chính.
Nói chung, theo chúng tôi, thế giới cũng từng trải qua giai đoạn thích làm lớn, thích phô trương, nhưng người ta đã nhanh chóng sửa chữa, chúng ta cũng đừng nên để tình trạng này diễn ra quá lâu. Một đô thị chỉ nên có vài công trình mang tính biểu tượng, mang dấu ấn quốc gia, vùng miền, còn tất cả công sở nên giản dị, tiết kiệm và gần gũi.
* Kiến trúc sư NGUYỄN NGỌC DŨNG:
Đừng để người dân phải khép nép
Mấy ngày qua theo dõi những ý kiến về chuyện trụ sở xây quá hoành tráng, tôi rất tâm đắc. Trụ sở xây quá hoành tráng, trong khi đất nước còn nghèo, nhân dân còn khó khăn là đi ngược lại tiêu chí phục vụ dân, vì dân của những cơ quan công quyền.
Ở nhiều nước trên thế giới, trụ sở cơ quan công quyền thường thiết kế đơn giản, nhẹ nhàng để người dân cảm thấy gần gũi. Thậm chí đó còn là nơi tham quan, là nơi để du khách có thể đến tìm hiểu về kinh tế, xã hội, về nền hành chính của địa phương đó. Theo tôi, Việt Nam nên học tập điều này. Lúc đó, trụ sở không cần phải hoành tráng, đặc trưng cho vùng đất đó, đồng thời giúp người dân cảm thấy gần gũi, tiện dụng khi có công việc cần liên hệ. Tôi cho rằng cần phải xem lại kiến trúc của trụ sở từ Nam chí Bắc để đánh giá lại mức độ trầm trọng mà sự nhân bản trụ sở đã tạo nên suốt nhiều năm qua.
Lâu nay, trụ sở của chúng ta không chỉ hoành tráng một cách không cần thiết mà tệ hơn là mang tính nhân bản về kiến trúc. Trụ sở trong cả nước gần như là những bản sao của nhau, chung một kiểu dáng có từ thời bao cấp, nặng nề, lạnh lẽo, không tiện ích và làm cho người dân cảm thấy khó khăn, sợ sệt khi bước vào.
Đối với một số công trình trụ sở có kiến trúc đặc biệt, được nhiều người biết như UBND TP.HCM hay UBND Q.10 (TP.HCM) theo tôi cũng nên xét lại từng ưu, khuyết để có thể nhân rộng hoặc thay đổi công năng. Những công trình có không gian mở với người dân như UBND Q.10 rất đáng hoan nghênh, cần thiết được nhân rộng.
Tôi đề nghị cần phải đưa vào luật xây dựng, quy hoạch những tiêu chí mặc định về trụ sở theo công năng phục vụ người dân. Đồng thời quy định cả mật độ xây dựng, tầng cao, màu sắc, hình khối... của trụ sở để các địa phương khi xây trụ sở áp dụng. Lúc đó sẽ không có lý do gì để các địa phương tự ý xây trụ sở hoành tráng nhưng công năng phục vụ lại không đầy đủ, làm người dân cảm thấy xa cách, ngại ngần khi bước vào.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận