15/03/2022 13:58 GMT+7

Công nhân dệt may muốn làm thêm 60 giờ/tháng

ĐỨC BÌNH
ĐỨC BÌNH

TTO - “90% lao động mong muốn được nới giờ làm thêm, từ 40 giờ/tháng lên ít nhất 60 giờ/tháng, tăng giờ làm thêm từ 300 giờ lên 400 giờ/năm…”.

Công nhân dệt may muốn làm thêm 60 giờ/tháng - Ảnh 1.

Phó tổng giám đốc Tổng công ty May 10 Bạch Thăng Long cho biết có đến 90% công nhân đồng ý làm thêm giờ tới 60-72 giờ/tháng - Ảnh: Đ.BÌNH

Công nhân may muốn tăng giờ làm thêm lên 60 giờ/tháng. Ông Bạch Thăng Long, phó tổng giám đốc Tổng công ty May 10, cho biết như vậy khi trao đổi cùng báo chí sáng 15-3.

Dệt may rất mong giờ làm thêm được nới thêm

Theo ông Long, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất, tiến độ giao hàng của công ty: 

"Các đơn hàng đã được ký từ đầu năm 2021, và không ai lường trước được mức độ dịch lại tăng mạnh như thời gian vừa qua. Toàn công ty có trên 12.000 lao động làm việc tại các công ty, xí nghiệp thành viên ở 8 tỉnh, thành phố. 

Trước và đặc biệt từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, công ty chúng tôi bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19. Số công nhân bị F0 tăng cao, có thời điểm, có đơn vị có đến 70% công nhân bị F0 phải nghỉ việc từ 10-14 ngày. 

Tính bình quân cả công ty từ sau Tết đến nay, số người bị F0 chiếm khoảng 40%. Nhiều công nhân bị F0 phải nghỉ cả chục ngày khiến các đơn hàng bị ảnh hưởng. Chúng tôi đã phải làm việc lại với các đối tác để xin kéo dài thời gian giao hàng…".

Ông Long cho rằng ngành dệt may, hay da giày, chế biến thủy sản là những ngành đặc thù, sản xuất phụ thuộc thời vụ, phụ thuộc vào thời gian giao hàng. Vì đặc thù nên trong Bộ luật lao động đã quy định giờ làm thêm của ngành này cao hơn các ngành khác rất nhiều. Cụ thể, công nhân dệt may có thể làm thêm tối đa đến 40 giờ/tháng, 300 giờ/năm.

"Tuy số giờ làm thêm theo luật đã cao hơn các ngành khác, nhưng do đặc thù nên ngành dệt may rất mong giờ làm thêm được nới thêm. Không chỉ doanh nghiệp, mà hầu hết người lao động cũng có chung mong muốn như vậy", phó tổng giám đốc Tổng công ty May 10 nhấn mạnh.

Công nhân Nguyễn Thị Thương - Xí nghiệp May sơ mi Hà Nội - cho biết bình thường vẫn làm thêm 1 giờ/ngày, nhưng khi có đơn hàng gấp, chị cũng như mọi người đều đồng ý làm thêm 2 giờ/ngày. Nếu chỉ làm 8 tiếng/ngày thì lương 9-10 triệu đồng/người/tháng, nhưng nếu làm thêm, thu nhập tăng lên 12-13 triệu đồng/người/tháng.

Đồng nghiệp của chị Thương, công nhân Phạm Thị Phượng thẳng thắn: "Nhu cầu làm thêm là có, và tôi nghĩ là chính đáng vì có làm thêm thì thu nhập của chúng tôi tăng thêm 2-3 triệu đồng/tháng. 

Chúng tôi hoàn toàn tự nguyện, và hầu hết ai cũng có nhu cầu làm thêm. Khi làm thêm thì công ty cũng chăm lo thêm chất lượng bữa ăn, lại có thêm sữa, bánh ăn nhẹ trong khi làm thêm. Sức khỏe chúng tôi đảm bảo và chúng tôi mong muốn cấp trên xem xét cho tăng giờ làm thêm".

Tăng giờ làm thêm chỉ là tạm thời

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Bộ Lao động, thương binh và xã hội cho biết đề xuất tăng thêm giờ làm thêm là xuất phát từ thực tế nhằm kịp thời đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch COVID-19 để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động. 

Bộ đã nhận được đề xuất của rất nhiều tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp về nới giờ làm thêm, trong đó hiệp hội dệt may, da giày, thủy sản, điện tử, các doanh nghiệp Nhật Bản… đề xuất tăng giờ làm thêm.

Từ những đề xuất trên, bộ đã trình Chính phủ để xây dựng nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động. 

Cụ thể, đề xuất nâng số giờ làm thêm trong 1 tháng của người lao động từ không quá 40 giờ lên không quá 72 giờ; số giờ làm thêm trong 1 năm của người lao động là không quá 300 giờ và được áp dụng cho tất cả các ngành, nghề, công việc.

"Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, để thực hiện chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, việc tăng thời giờ làm thêm trong thời điểm hiện nay như một giải pháp hỗ trợ khôi phục sản xuất, khắc phục những tổn thất do dịch COVID-19 gây ra cho người lao động và người sử dụng lao động trong hơn 2 năm vừa qua, góp phần cho quá trình phục hồi kinh tế - xã hội". 

"Việc tăng giờ làm thêm cũng chỉ là tạm thời, trong thời gian ngắn và trước mắt là thực hiện trong năm 2022. Bộ đã lấy ý kiến nhiều hiệp hội, doanh nghiệp, người lao động, tất cả đều đồng thuận, trong đó có Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. 

Trong những ngày tới, Bộ Lao động, thương binh và xã hội sẽ cử các đoàn đến các địa phương để tiếp tục khảo sát, lấy ý kiến của địa phương, doanh nghiệp và đặc biệt của người lao động về việc này", một lãnh đạo Cục An toàn lao động - Bộ Lao động, thương binh và xã hội chia sẻ với Tuổi Trẻ Online.

Thất nghiệp tăng cao nhất ở Nhật Bản kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 Thất nghiệp tăng cao nhất ở Nhật Bản kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008

TTO - Đại dịch COVID-19 đã giáng một đòn nặng nề vào thị trường lao động Nhật Bản. Số người thất nghiệp trong vòng ít nhất một năm đã tăng lên mức cao nhất, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên