05/01/2009 07:42 GMT+7

Công nhân - nỗi niềm mùa tết - Bài 2: Gánh nặng nợ nần

ĐỨC TUYÊN - ĐỨC THANH
ĐỨC TUYÊN - ĐỨC THANH

TT - Cuối năm là thời điểm phải thanh toán nợ nần, cũng là cao điểm công nhân nghèo phải vắt chân lên cổ chạy mượn đầu này đắp đầu kia. Nỗi lo mất việc trước mắt gánh thêm nỗi lo nợ đòi sau lưng.

paP9KwbD.jpgPhóng to
Lương thưởng tết eo hẹp, các bạn nữ công nhân chỉ chọn lựa mua thêm cái áo mặc tết với giá 10.000 - 15.000 đồng/cái, bày bán ở chợ chồm hổm ngay trước Khu chế xuất Linh Trung 2, P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức, TP.HCM (ảnh chụp chiều 3-1)- Ảnh: Đ.Tuyên

Bài 1: Tết cận kề, nghề bấp bênh

Bà Lê Thị Bích Thúy, chủ nhà trọ trong xóm công nhân trên đường số 7 (phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP.HCM), chia sẻ: “Xem ra năm nay khó khăn hơn năm trước. Mấy bữa rày tôi ngửi thấy mùi kho quẹt hắt ra từ những phòng trọ suốt. Đứa thì thất nghiệp, đứa thì thu nhập quá thấp lại đang vướng phải nợ nần tứ giăng, còn có cơm ăn với kho quẹt đã là may. Tội nghiệp...”.

Món nợ 13 triệu đồng...

Chị công nhân Nguyễn Thị Duyên ôm đứa con 8 tháng tuổi vào lòng, nước mắt rưng rưng nói: “Hôm rồi cháu phải mổ do mắc chứng nang ruột đôi. Chồng tôi phải chạy vay bạn bè, người thân được 13 triệu đồng để chữa trị cho cháu. Tính tiền nằm viện gần tháng trời, thuốc men, chi phí ăn uống hai mẹ con hết hơn 13 triệu đồng. Chắc phải muối mặt khất nợ với mọi người sang năm hai vợ chồng lo cày mà trả”.

Duyên kể ba năm trước cô rời vùng quê nghèo ở xã Quỳnh Sơn, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang vào TP.HCM làm công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp tại các khu công nghiệp. Sau vài lần chuyển nơi làm vì lương thấp, Duyên và chồng trụ lại hơn năm nay tại Công ty Pro Kingtex VN. Thu nhập hai vợ chồng cộng lại ngót nghét 2,5 triệu đồng/tháng.

Gỡ mãi không ra

Trăm thứ phải chi tiêu đè nặng trên vai công nhân làm việc xa nhà. Nay gặp ngay thời khủng hoảng kinh tế, đời sống họ túng bấn hơn, rơi vào cảnh nợ nần triền miên. Nợ xoáy trong nợ như cái vòng kim cô không biết bao giờ mới gỡ ra.

Với số tiền ấy, theo Duyên, chi tiêu dè sẻn lắm mới không thiếu trước hụt sau giữa thời giá cả leo thang. Hai vợ chồng nhiều bữa ốm đau cũng không dám mua thuốc uống vì còn dành tiền mua sữa cho con ăn dặm thêm với nước cơm.

Duyên than hơn tháng nay cô không có việc để làm. Do công ty không có đơn hàng nên giải quyết cho công nhân tạm thời nghỉ việc có trợ cấp. Chồng Duyên cũng rơi vào cảnh ngộ tương tự nên trở về quê trước để nuôi gà, vịt kiếm tiền lo tết, bởi “tết nhất mà, không lo cũng không được”.

Cô cũng tính tranh thủ lúc giá vé xe còn rẻ, tuần này hai mẹ con về quê sớm. “Qua năm gửi con cho ông bà nuôi, hai vợ chồng tôi lại mượn bà con họ hàng ít tiền xuôi Nam kiếm chuyện làm chứ ở quê cũng chẳng bòn đâu ra việc. Nói thật, vào TP làm công nhân tuy cực khổ nhưng còn có tiền. Hai vợ chồng ráng làm, tiết kiệm hết mức, để dành có tiền trả món nợ 13 triệu đồng đang treo trên đầu kia nữa”, Duyên vẫn ôm chặt cậu con trai vào lòng, nghẹn giọng.

Cũng như Duyên, rất nhiều công nhân đang rơi vào cảnh nợ nần: bố mẹ già ở quê trông chờ con đi làm trên TP gửi tiền về; các em ở quê học hành cũng mong nguồn chu cấp từ anh chị; con ốm, con đau cũng cậy nhờ vào đồng lương còm...

Những tháng lương bay vèo

Hai năm trước, rời vùng quê biển nghèo ở xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Trần Thị Tuyết Nhung vào TP làm công nhân may với gánh nặng phải chu cấp cho hai đứa em đang ăn học tại quê. Nhung đi với niềm hân hoan trong lòng: “Mình là chị cả, lo cho các em học thành tài cũng là chuyện thường tình”.

Thế nhưng sau hai năm làm công nhân trong Công ty Pou Yuen, lương Nhung cũng chỉ dừng ở mức trên dưới 1,2 triệu đồng/tháng. Tiền thuê phòng, điện nước hơn 200.0000 đồng/tháng, cộng với tiền ăn mỗi tháng hết khoảng 650.000 đồng. Đó là chưa kể chi tiêu hằng ngày cho đời sống một công nhân nữ nên mỗi tháng Nhung để dành chẳng được bao nhiêu. Và khi gia đình có việc gọi điện báo, Nhung thường phải chạy vạy khắp nơi để vay mượn gửi về quê.

DIIWusTh.jpgPhóng to

Mẹ con chị Duyên và món nợ 13 triệu đồng chưa biết bao giờ trả được - Ảnh: Đ.Thanh

Giấc mơ khó nhọc Rời xa quê nhà vào TP lập nghiệp, biết bao thanh niên nhập cư ôm ấp giấc mơ đổi đời. Họ quần quật làm việc trong các công ty, xí nghiệp, chi tiêu dè sẻn, để dành tiền với nhiều dự định cho tương lai. Thế nhưng, tình hình suy thoái kinh tế, giá cả tăng cao, lương phập phù, số tiền còm dành dụm bấy lâu nay bỗng chốc bay vèo.

“Thú thật, lâu không nhận được tin ba mẹ thì nhớ lắm nhưng khi có điện thoại ngoài quê gọi lên tôi lại run. Lần nào cũng có việc cần phải gửi tiền về. Nào là hai đứa em đóng tiền học, rồi ba mẹ ốm, biển động không đánh cá được, nợ nần, túng bấn... Những lúc ấy tôi lại chạy hỏi mượn đầu này đầu kia vài trăm ngàn, chờ lĩnh lương trả lại”, Nhung thổ lộ. Và những tháng tiếp theo lại phải sống dè sẻn, tiết kiệm thêm, bữa cơm thiếu dần phần thịt cá, chỉ còn rau, tương, đậu hũ...

Đinh Khoa, công nhân Công ty DewBerry, Khu công nghiệp Sóng Thần, Bình Dương, cũng rơi vào cảnh nợ nần chồng chất. Mức lương Khoa bình quân mỗi tháng chỉ gần 1,5 triệu đồng. Thỉnh thoảng, mấy đứa em ở quê lại réo hỏi xin tiền đóng học phí cộng với chi tiêu cho bản thân Khoa không tích lũy được đồng nào. Xa quê gần bốn năm, tết này Khoa mới về thăm quê lần đầu. Để có tiền về quê, người thợ trẻ này đã phải vay mượn thêm bạn bè, người thân 3 triệu đồng dằn túi.

Anh nói thêm: “Mấy đứa bạn tôi cũng đều phải vay mượn cả. Nhiều đứa lương thấp không đủ sống đành vay nóng, tới tháng lĩnh lương chủ nợ đứng ngay máy ATM thu luôn cả gốc lẫn lãi”. Cứ thế, đến tháng kế tiếp thiếu tiền, những công nhân này lại phải vay tiếp, nợ chồng nợ. “Nay nhiều công nhân gặp cảnh thất nghiệp do thiếu đơn hàng, có người đành chuyển sang nhà trọ khác trốn nợ, sống lây lất qua ngày...” - Khoa nói.

Phan Danh Tuấn, hơn 30 tuổi, công nhân Công ty Lyntex, Khu chế xuất Linh Trung 1, quận Thủ Đức. Hơn ba năm làm việc tại TP, Tuấn dành được ít tiền dự tính cưới vợ. Tình hình khó khăn chung nên công ty không còn nhiều hàng để làm tăng ca, Tuấn chỉ lĩnh lương căn bản được 1,5 triệu đồng/tháng. Vừa rồi Tuấn phải rước mẹ từ quê nhà Vĩnh Phúc vào TP để chăm sóc, chữa trị bệnh nhức đầu kinh niên cho cụ. Số tiền để dành cưới vợ của Tuấn nhanh chóng bay vèo theo những đơn thuốc.

Bà Nguyễn Thị Doan, mẹ Tuấn, kể có bữa bà phải lọ mọ vác nồi sang mấy phòng trọ bên cạnh để vay từng lon gạo thổi cơm cho hai mẹ con ăn cầm hơi. “Bình gas đã hết mấy bữa nay chưa có tiền thay. Hôm bữa thằng Tuấn còn phải chạy hỏi bạn bè vay 200.000 đồng mua thêm thuốc cho tôi uống. Nghĩ rằng con vào TP làm công nhân sẽ đổi đời, khá lên, ai dè khổ thế này” - bà Doan thở dài.

Chia ngọt sẻ bùi!

Ngoài tiền lương thấp, đời sống khó khăn của công nhân (CN) một phần cũng còn do doanh nghiệp làm ăn bết bát nợ lương... Ngoài một số doanh nghiệp đã chủ động trả lương và giải quyết thỏa đáng các chế độ cho người lao động trước khi đóng cửa, còn lại phần lớn đều đẩy khó khăn về phía CN.

Tuy vậy, trong khó khăn cả doanh nghiệp và CN đôi khi cũng tìm được chia sẻ chung. Cho đến nay sau hơn hai tuần đóng cửa, 400 CN Công ty giày Phú Hữu (huyện Bình Chánh, TP.HCM) vẫn chưa nhận được hết tiền lương tháng 10-2008. CN tứ tán khắp nơi tìm việc, một số khác phải trở về quê. Trong đợt nhận tiền cứu trợ cho CN do các nhà hảo tâm trao, ông Phạm Xuân Phúc, phó giám đốc Công ty giày Phú Hữu, rưng rưng nước mắt nói: “Khó khăn quá doanh nghiệp không trụ nổi. Hơn 400 con người gắn bó với công ty bao năm mà nay phải nhìn họ tay trắng ra đi thật không cầm lòng. Chúng tôi có lỗi khi không lo được cho CN trong những lúc khó khăn này”.

Và có một câu chuyện xúc động: vừa qua, toàn bộ 265 CN Công ty Hưng Vương (quận Bình Tân, TP.HCM) đồng ý trích lại một phần tiền lương tháng 11 để giúp đỡ giám đốc doanh nghiệp. Nguyên do, vị giám đốc này chỉ là người cung cấp suất cơm trưa cho Công ty Hưng Vương, còn chủ công ty thật sự là một người Trung Quốc. Khoảng ba tháng trước người bán cơm này được thuê làm giám đốc Công ty Hưng Vương.

Khi công ty đóng cửa, chủ doanh nghiệp bỏ trốn nên các cơ quan chức năng buộc giám đốc phải giải quyết các chế độ liên quan cho người lao động. Và trong lúc khó khăn, CN đã chia sẻ với người gần như cùng cảnh ngộ của mình dù trước đó ông là giám đốc.

ĐỨC TUYÊN - ĐỨC THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên