20/01/2014 08:08 GMT+7

Công khai tài sản cho dân giám sát

HOÀNG THỊ KHÁNH
HOÀNG THỊ KHÁNH

TT - Vấn đề quan chức kê khai tài sản đối với thế giới không mới. Ở nước mình chuyện này cũng không lạ vì đã và đang làm. Có điều tôi thấy không thực chất. Kiểm tra kết quả kê khai thấy không thật. Bởi vì người ta chỉ kê khai dựa trên thực tế tài sản mà Nhà nước đang quản lý được.

Ví dụ như tổng thu nhập thì khai dựa vào lương và những thu nhập mà ai cũng biết. Về tài sản thì chỉ khai tài sản thường sử dụng. Còn những cái Nhà nước không biết, không quản lý được thì không ai kê khai cả. Nhiều người cứ nghĩ: giấu được cứ giấu. Bao nhiêu người không khai, mắc gì mình khai. Chính điều này khiến mọi người cứ nhìn nhau mà kê khai, ngó nhau mà làm. Cho nên mới có tình trạng bình thường nhìn cán bộ đó có vẻ rất thanh bạch, nhưng đùng một cái phát hiện tham ô toàn mấy trăm tỉ đồng trở lên.

Lần này, Bộ Chính trị tiếp tục ra chỉ thị về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác kê khai tài sản và kiểm soát việc kê khai tài sản, tôi thấy có mấy cái được. Vấn đề đầu tiên là có vẻ như nguồn tài sản bất minh đang ngày càng nhiều lên. Vấn đề lợi ích nhóm, lợi ích vùng, lợi ích cục bộ càng lúc càng tăng. Và rõ ràng những vụ tham ô ngày càng có tổ chức. Quy mô càng lớn thì số lượng tham gia càng đông. Tôi tạm gọi nó đã trở thành vấn nạn của đất nước, còn thật ra nhiều người đã gọi đó là quốc nạn. Vấn nạn này mà không làm tới nơi tới chốn thì trở thành nguy cơ mất nước rõ nhất, rõ hơn cả các nguy cơ khác vì nó làm xói mòn lòng dân. Đảng đã thấy được điều đó và có chỉ thị - coi như đây là một giải pháp để ngăn chặn, làm cho vấn nạn đó dừng lại và đẩy lùi chứ chưa hi vọng triệt tiêu.

Khác với trước đây, lần này chúng ta không chỉ kê khai mà còn giám sát việc kê khai. Tôi cho đây là chủ trương hoàn toàn đúng. Lần trước chỉ phát huy tính tự giác là chính, còn lần này là tự giác có quản lý. Thế nhưng tôi vẫn băn khoăn về biện pháp quản lý, nhất là khi vấn nạn này ngày càng có hệ thống. Nếu chỉ giám sát thuần túy bằng cơ quan Đảng, cơ quan quản lý nhà nước thì tôi e lại rơi vào tình trạng như cũ. Bởi vì ở đây là vấn nạn quan tham, mà quan quản lý với nhau, ông này giám sát ông kia thì liệu có quản lý được không?

Tôi kiến nghị nên để cho dân giám sát. Chẳng hạn như với những chức vụ quan trọng sắp bổ nhiệm ở từng địa phương, ở cấp bộ, cấp ngành, sau khi kê khai tài sản xong cứ cho đăng báo công khai: công khai tài sản của bản thân cán bộ và tài sản của con cái, vợ hoặc chồng. Anh kê khai xong dân sẽ phản hồi xem kê khai đó có đúng không. Nếu dân không phản ứng thì tạm thời chấp nhận và bổ nhiệm chức vụ. Sau đó sẽ yêu cầu cán bộ kê khai lại, đồng thời cũng để dân kiểm tra, giám sát. Như vậy dân sẽ biết hiện nay anh có tổng tài sản thế này, sau một thời gian anh đảm nhận chức vụ, công việc thì tài sản của anh bớt đi hay tăng lên. Nếu tăng thì có tương ứng với nguồn thu nhập chính đáng của anh không. Dân mình bây giờ có trình độ và biết phân biệt cái nào đúng, cái nào không đúng, cái nào minh bạch, cái nào mờ ám. Nếu cán bộ làm giàu chân chính thì không có gì phải e ngại. Tôi tin nếu nguồn gốc tài sản rõ ràng thì dân sẽ chấp nhận. Hãy lấy dân làm gốc. Tôi cho rằng chỉ có cách đó mới hi vọng sàng lọc được một lớp cán bộ mới trong sạch hơn.

Một điều nữa tôi muốn nhấn mạnh là đừng biến việc kê khai tài sản thành một công cụ để lợi dụng cho một trận đấu tố trong nội bộ thì rất nguy hiểm. Phải hiểu đây là biện pháp để góp phần làm trong sạch bộ máy, làm cho những cán bộ trong bộ máy của mình trở thành công chức tận tụy với dân, với nước.

HOÀNG THỊ KHÁNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên