23/03/2014 15:58 GMT+7

Công, dung, ngôn, hạnh có lỗi thời?

PHƯ CHU
PHƯ CHU

TTC - Sau Tết, nhiều ông chồng mới có cơ hội nhìn lại hình ảnh người phụ nữ của nhà mình công dung ngôn hạnh có được chữ nào không.

Mấy ngày Tết, ông Trương Hán Giang đưa vợ con đến một resort ở miền Trung tận hưởng không khí trong lành. Sáng, vợ chồng con cái tắm biển, ăn sáng, chiều tắm biển dạo chơi. Trong căn phòng tiện nghi, ông ngắm bà vợ đang nằm dài theo dõi bộ phim hình sự Mỹ, thỉnh thoảng nhấn like trên FB. Thằng con 4 tuổi cũng đang say sưa với game nên mẹ nó rất rảnh.

Trong tâm trạng hưởng thụ hạnh phúc đó, ông ngẫm nghĩ, để có một chuyến đi nghỉ chất lượng cao, vợ ông “sợt” trên mạng từ mấy tháng trước mới lấy được dịch vụ giảm giá. Như vậy bà cũng được coi là có chữ “công”, coi như là đảm đang, tiết kiệm kinh phí cho gia đình, dù bà làm biếng nấu ăn và từng tuyên bố “ngày tết vào bếp thà chết còn hơn”. Vợ ông còn đi làm, thu nhập cũng khá nên lại càng có “công”. Còn chữ “dung” thì khỏi nói, vợ ông sắm quần áo, giày dép mặc mang không hết, có khi mua về rồi chê liền, nước hoa cũng đầy bàn. Nhờ nhiều công cụ hỗ trợ nên ngoại hình của vợ trông cũng được.

Chữ “hạnh” thì không cần bàn rồi. Duy chữ “ngôn” thì… có vấn đề bởi mức độ “gầm gừ” của bà với chồng con cứ tỉ lệ nghịch với độ ngọt ngào. Bà hay dọa: “Ông mà có bồ, thì đừng có trách tui tàn ác nghen”. Nói tóm lại, bà vợ ông là người phụ nữ hiện đại, mạnh mẽ, mãnh liệt chứ không nhẹ nhàng, nhỏ nhẹ như má ông. Đang “mơ về nơi xa lắm” thì ông giật bắn mình bởi giọng bà vợ đầy quyền lực: “Có đi ăn tối không, anh bị sao mà từ trưa tới giờ cứ nằm dài như con nai, trông chán như con gián thế…”. Ôi, đúng là “ngôn” có vấn đề…ông lẩm bẩm…

Ngày đầu tiên về nhà cô bạn gái, anh Lâm Thái Sinh, bị ấn tượng mạnh bởi… bà mẹ của cô. Bữa cơm trưa hôm đó thật tươm tất, nóng sốt từ tay bà mẹ đảm đang. Vào mâm cơm bà không nói nhiều, lặng lẽ tiếp thức ăn, biết ý từng người, chăm sóc tỉ mỉ… Anh cảm động quá, quyết định phải cưới cô con gái vì nghĩ thế nào cô cũng giống mẹ, nét văn hóa sống vì người khác chắc chắn sẽ truyền từ mẹ sang con. Thế nhưng, từ lúc vợ ông sinh nở, bà mẹ vợ phải chuyển đến ở cùng vợ chồng ông bởi cô con gái từ việc gọt trái bưởi, bổ trái dưa hấu… đến luộc con gà, nấu nồi chè… đều không biết. Chuyện tắm em bé, bé bị sốt… lại càng mù tịt. Bà má vợ lại tiếp tục “thầm lặng một tình yêu” lo cho cháu. Đã ngoài 60 nhưng ông nhìn thấy mẹ vợ vẫn đẹp lạ , ông lý giải, đó là cái đẹp toát ra từ cái nết công dung ngôn hạnh của bà.

Thế còn cô con gái, vợ của ông thì sao? Nếu có ai ca ngợi vẻ đẹp của phụ nữ truyền thống vun vén gia đình, hy sinh cho chồng con thì bị cô “ném đá” liền: “Đừng có lấy lý lẽ cũ rích để giam hãm phụ nữ trong xó bếp”. Cô cũng nói thẳng với chồng: “Má em thiệt thòi lắm, cả đời chẳng bước chân đi đâu cả, cứ từ Sài Gòn về quê, bảo đi nước ngoài không đi, sợ tốn tiền. May mà tư duy của em không giống má”. Thì ra vợ ông đang hết sức nỗ lực để tiến bộ theo chồng, còn phải chăm chút đến ngoại hình, đổi mới suy nghĩ để chồng khỏi dòm ngó đến “chân dài”. Thế nhưng, cô đâu biết, ngày đó, chồng yêu cô và cưới cô vì tưởng cô giống má cô. Nhiều lần ông cứ phân vân: “Có nên nói với vợ điều này không nhỉ?”.

Mỗi thời mỗi khác, các cô vợ bây giờ cũng phải “hai-tec”, cũng phải cập nhật mọi thông tin để khỏi bị lạc hậu, không bị chồng chê… nhưng thời nào thì các ông cũng thích phụ nữ dịu dàng, ngọt ngào công dung ngôn hạnh. Không tin cứ hỏi thì biết!

XmBlB55m.jpg

Tuổi Trẻ Cười số 495 ra ngày 15/3/2014 hiện đã có mặt tại các sạp báo

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

PHƯ CHU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên