05/12/2015 13:49 GMT+7

Cộng đồng đã hiểu, chia sẻ nhiều hơn với người khuyết tật

MAI NGUYỄN
MAI NGUYỄN

TTO - MC Thanh Bạch nói như trên và chia sẻ: "Cộng đồng đã hiểu hơn về người khuyết tật nhưng để họ thật sự hòa nhập như tiêu chuẩn các quốc gia trong khu vực thì còn nhiều rào cản".

NKT tham gia mở gian hàng vẽ henna tại chương trình “Một thế giới cho tất cả - Chia sẻ giấc mơ” - Ảnh: Mai Nguyễn
Người khuyết tật tham gia mở gian hàng vẽ henna tại chương trình “Một thế giới cho tất cả - chia sẻ giấc mơ” - Ảnh: Mai Nguyễn

Chương trình “Một thế giới cho tất cả - chia sẻ giấc mơ” do Trung tâm Khuyết tật và phát triển (DRD) vừa tổ chức.

MC Thanh Bạch cho rằng tuy vẫn được pháp luật bảo vệ quyền được sinh hoạt, học tập và vui chơi giải trí như bao người khác, người khuyết tật vẫn mang bên mình nhiều rào cản và định kiến xã hội. Trước câu hỏi liệu khoảng cách giữa người khuyết tật và cộng đồng có phần nào được rút ngắn, nhiều người còn băn khoăn, còn đặt ra rất nhiều kỳ vọng vì “một thế giới cho tất cả”.

Ví dụ, nhiều phương tiện công cộng như xe buýt vẫn chưa có hệ thống bến đỗ, bàn trượt cho người khuyết tật. Nhiều công viên chắn xe cộ bằng hàng rào ngang nhưng thật ra lại gây khó khăn cho người khuyết tật.

"Nên có sự uyển chuyển hơn, chẳng hạn như xây dựng hệ thống hàng rào ngang mở được cho người khuyết tật vào công viên. Còn rất nhiều công trình công cộng mà người khuyết tật vẫn chưa được tiếp cận. Để rút ngắn khoảng cách không khó nhưng cần sự quan tâm đúng mực thì mới có thể làm được. Người khuyết tật nên đồng lòng ký tên kiến nghị để được các cấp lãnh đạo chú ý, quan tâm hơn và có thể tạo ra những thay đổi trong năm tới. Đó là kỳ vọng của tôi, tôi sẵn sàng góp chữ ký, góp tiếng nói của mình để người khuyết tật được đối xử công bằng hơn" - MC Thanh Bạch nói.

Bạn Huỳnh Thanh Lộc (Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) nói: "Mình mong là ngày càng có nhiều chương trình cất lên tiếng nói của người khuyết tật trong cộng đồng để mọi người hiểu và ủng hộ nhiều hơn, từ đó có thể rút ngắn khoảng cách".

Anh Hải Dương chia sẻ: "Người khuyết tật chúng tôi vẫn may mắn khi nhận được sự quan tâm của nhiều người. Thật ra khoảng cách giữa người khuyết tật và cộng đồng vẫn còn xa lắm. người khuyết tật bọn tôi luôn thấy tự ti, mặc cảm. Nhưng biết được rằng vẫn có nhiều người quan tâm đến những người thiếu may mắn như bọn tôi, đó là một điều rất hạnh phúc. Tôi mong muốn cộng đồng người khuyết tật lớn mạnh hơn nữa để không chỉ người khuyết tật ở TP mà cả ở những vùng xa xôi hẻo lánh khác trên đất nước cũng được hòa nhập với cuộc sống".

Thạc sĩ Võ Thị Hoàng Yến, người sáng lập và điều hành Tổ chức DRD, phát biểu: "Trong 10 năm qua, mặc dù cộng đồng NKT đã cố gắng rất nhiều nhưng khoảng cách giữa chúng tôi và cộng đồng vẫn chưa hề được rút ngắn. Vẫn có một số tấm gương điển hình nổi lên, nhưng nhìn vào tỉ lệ người khuyết tật được đến trường, đặc biệt là các trường ĐH, là rất ít. Người khuyết tật làm việc ở những vị trí không phải là lao động tay chân cũng đếm trên đầu ngón tay. Chúng tôi không hề muốn là gánh nặng. Chúng tôi cũng muốn góp công sức của mình cống hiến cho cộng đồng. Nhưng từ trường học đến các địa điểm, phương tiện công cộng đều không tạo điều kiện để người khuyết tật tiếp cận. Chúng tôi không thể leo hết các bậc thang, bước qua thanh chắn, nhiều người trong số chúng tôi không thể nghe, nói, hay nhìn được".

Theo thạc sĩ Yến, nếu chỉ kỳ vọng ở cộng đồng người khuyết tật thì không đủ. Người khuyết tật bản thân phải nỗ lực nhưng phải được tạo cơ hội, đặc biệt là cơ hội để được đến trường.

"Chỉ có con đường đó chúng tôi mới có thể tìm được những việc làm tốt hơn, vị trí tốt hơn trong xã hội", thạc sĩ Yến nói.

Màn trình diễn nhảy hip hop và flashmob của cộng đồng người khuyết tật  - Ảnh: Mai Nguyễn
Cùng hát vang bài ca Chúng ta là thế giới (We are the world) - Ảnh: Mai Nguyễn
Người khuyết tật tham dự chương trình “Một thế giới cho tất cả - chia sẻ giấc mơ” - Ảnh: Mai Nguyễn
MAI NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên