Chiều 16-3, với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Đại hội Công đoàn Malaysia ký kết biên bản ghi nhớ chính thức thiết lập quan hệ hợp tác song phương và nâng cao nhận thức về lao động di cư.
Biên bản ghi nhớ cũng đề cập đến việc tiến hành đối thoại để thúc đẩy phê chuẩn các công ước có liên quan của ILO; nêu những vấn đề của lao động di cư tới các nhà chức trách và hoạch định chính sách; giải quyết các vấn đề liên quan đến an toàn vệ sinh lao động, đặc biệt là trong các ngành nghề nặng nhọc, độc hại.
Việt Nam bắt đầu đưa lao động sang làm việc tại Malaysia từ năm 2002. Hai nước đã ký biên bản ghi nhớ về tuyển dụng lao động Việt Nam sang làm việc tại Malaysia vào tháng 12-2003.
Trong những năm qua, Việt Nam đã đưa trên 220.000 lượt người lao động sang làm việc tại Malaysia. Bình quân, mỗi năm có khoảng 12.000 lao động, chủ yếu là lao động trình độ kỹ năng thấp, di cư sang Malaysia.
Hiện có khoảng 80.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại 12/13 bang của Malaysia, phần lớn trong các ngành sản xuất, chế tạo, may mặc và xây dựng.
Hiện cả hai phía phái cử và tiếp nhận lao động đều cố gắng tạo điều kiện tốt cho người lao động sống và làm việc thuận lợi tại Malaysia.
Tuy nhiên, trên thực tế, người lao động Việt Nam tại Malaysia gặp một số khó khăn và giải quyết những khó khăn này cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa công đoàn hai nước.
Những vấn đề lao động di cư Việt Nam tại Malaysia thường gặp phải bao gồm chi phí cao; bị chủ lao động giữ hộ chiếu; tuyển dụng bất hợp pháp; hợp đồng bị thay đổi so với khi ký kết ở nhà; không được trả lương, bị chậm trả lương, hoặc trừ lương; không có ngày nghỉ.
Theo Giám đốc ILO Việt Nam, ông Gyorgy Sziraczki, công đoàn có thể cung cấp những hỗ trợ quan trọng cho người lao động trong việc giải quyết những khó khăn trong quá trình di cư, bao gồm tăng cường sự chuẩn bị cho người lao động và khả năng đối phó với những vấn đề ở nơi làm việc như bị trừ lương hoặc điều kiện làm việc không đảm bảo, từ đó giảm bớt nguy cơ bị rơi vào những hình thức tồi tệ nhất của bóc lột lao động là lao động cưỡng bức và buôn bán người.
Bởi vậy, biên bản ghi nhớ này được hy vọng sẽ mở ra một chương mới đối với sự hợp tác giữa công đoàn hai nước trong lĩnh vực di cư lao động – một lĩnh vực sẽ ngày càng trở nên quan trọng do các thay đổi về cơ cấu dân số, chênh lệch thu nhập và hội nhập kinh tế vốn sẽ được đẩy mạnh với sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào cuối năm nay.
Trong khuôn khổ dự án “Hành động ba bên nhằm bảo vệ người lao động di cư khỏi nạn bóc lột lao động”, ILO đã xuất bản cuốn cẩm nang hướng dẫn trước khi xuất cảnh dành cho lao động Việt Nam sắp sang Malaysia làm việc nhằm trang bị cho họ những kiến thức và kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ bản thân, không bị rơi vào bẫy buôn bán người và bóc lột lao động.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận