"Con được nhận làm thực tập sinh ở bộ phận thiết kế của Công ty Tesla rồi bác" - tin nhắn ngắn ngủi của Huệ Quân khiến tôi và đám nhỏ trong nhà bần thần. Vậy là giấc mơ bay bổng, lãng mạn của một du học sinh Việt Nam vừa qua Mỹ được hai năm nay đang thành hình.
Tôi nhớ rất rõ đầu năm 2022, một người bạn luật sư của tôi ở TP.HCM nhắn tin báo con gái vừa nhận được học bổng của Trường đại học Nghệ thuật Chicago (School of the Art Institute of Chicago - SAIC). Cháu sẽ qua đó học nên nhờ bác hỗ trợ cháu. Tôi sốt sắng nhận lời và chuẩn bị ra sân bay đón cháu về trường.
Nhưng bất ngờ đầu tiên nhận được từ cô bé này lại là câu nói: "Con muốn đi xe của trường để có thể làm quen với các bạn". Lạ nước lạ cái, cả tôi và cha mẹ bé đều lo, nhưng tôn trọng quyết định của cô bé 18 tuổi.
Khát khao, tự lập
Ba ngày sau cháu ổn định chỗ ở và nhắn tin, tôi chạy vô trường đón cháu về nhà mình. Gặp đồng hương trên xứ người, ẩn trong sự hồn nhiên, vô tư của một đứa trẻ, tôi cảm nhận được sự khát khao.
Khi ở Việt Nam, Vũ Nguyễn Huệ Quân là học sinh chuyên văn của Trường phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TP.HCM). Sinh ra trong một gia đình mà ba mẹ rất chú trọng và khuyến khích con học tập, đặc biệt là rất tôn trọng suy nghĩ của con về tương lai, theo Huệ Quân, ba mẹ luôn cho con sự tự do trong việc lựa chọn con đường học vấn và không hề tạo áp lực cho con.
"Từ nhỏ không hiểu sao con luôn có ước muốn một ngày nào đó sẽ được đến nước Mỹ du học. Con còn nhớ không hiểu sao con cứ muốn mình sẽ trở thành công dân toàn cầu, có lẽ bị ảnh hưởng bởi tiểu thuyết viễn tưởng" - cô bé cười hồn nhiên nói với tôi.
Ngoài việc đầu tư khá nhiều cho ngoại ngữ để biến ước mơ của mình thành hiện thực, năm học cuối cùng cô bé bắt đầu lục lọi trên mạng để săn tìm học bổng ngành thiết kế mà mình thích. Những bài thuyết trình, những dự án còn là sự tưởng tượng, bay bổng được gửi đi và Trường SAIC ở tiểu bang Illinois đã chấp nhận ý tưởng đó với học bổng toàn phần.
Huệ Quân chia sẻ đã chuẩn bị khá đầy đủ sách và đồ dùng cho học tập vì con muốn đến nơi có thể hòa nhập và ngồi vào bàn học được ngay. Con muốn tranh thủ thời gian. Nhưng dù đã chuẩn bị tâm lý trước con vẫn gặp rất nhiều bỡ ngỡ. Từ ký túc xá đến trường phải đi bộ một quãng đường dài, lúc đầu phải sử dụng Google Maps. Rồi phương tiện giao thông khá phức tạp, có lần leo lên tàu đi một hồi không đến trường mà đến sân bay O'Hare.
Nhưng khó khăn lớn nhất mà Huệ Quân phải vượt qua lại chính là sự yếu đuối của mình - nhớ nhà. Lúc đó con luôn nhớ đến ước mơ từ nhỏ của mình và tập cho được sự độc lập, kỷ luật hơn với cảm xúc của mình.
Cái Tết đầu tiên, sợ con buồn vì xa gia đình, vợ chồng tôi chở con lên chùa Trúc Lâm, nơi mà cộng đồng người Việt thường quy tụ như tìm về một góc của quê hương. Cô bé lăng xăng phụ các anh chị gói bánh tét chay. Nhìn bàn tay lóng cóng, tôi biết lần đầu tiên trong đời con làm điều đó, vậy mà cuối cùng vẫn được các anh chị khen là gói đẹp.
Những quả ngọt đầu đời
Cũng như tất cả các ngôi trường đại học ở Mỹ đều khuyến khích sự sáng tạo trong tư duy, SAIC nơi Huệ Quân theo học càng đòi hỏi sự chặt chẽ về kiến thức, thông tin, công nghệ nhưng lại chú trọng sự sáng tạo. Theo Huệ Quân, mình không phải là người bản xứ nên sau trở ngại về ngôn ngữ chính là khoảng cách về văn hóa.
Cô bé cho biết nếu mình đã đến đất nước này thì ngại trong giao tiếp sẽ không học được cái gì. Và cô bé bắt đầu đặt câu hỏi nhiều hơn, không chỉ với cô thầy mà cả với bạn bè. Huệ Quân cũng đăng ký làm thêm ở trường (các trường đại học ở Mỹ đều tạo điều kiện cho các học sinh có thể lao động để có thể trải nghiệm và có thêm thu nhập).
Với ước mơ trở thành nhà thiết kế sản phẩm số (digital product designer), cuối năm thứ nhất, Huệ Quân bắt đầu tìm đến các cuộc thi thiết kế toàn quốc như là một cơ hội để kiểm tra năng lực của mình. Chỉ trong gần một năm Huệ Quân tham dự bốn cuộc thi thiết kế, trong đó có hai đề tài cá nhân và hai đề tài theo nhóm.
Tự học tự tìm tòi và với trải nghiệm của mình, cô bé và nhóm bạn đã được khích lệ bằng những giải thưởng: giải danh dự cuộc thi Catalyst Designathon (thiết kế ứng dụng) của Trường đại học Boston, giải ba cuộc thi UCI Designathon của Trường đại học California, giải thưởng từ cuộc thi Salute Design Award (tổ chức cho học sinh thiết kế và nghệ thuật tại Mỹ) và đặc biệt là giải thưởng American Digital Award (cuộc thi thiết kế kỹ thuật số được tổ chức bởi Nhà xuất bản Thiết kế đồ họa Mỹ).
Các giải thưởng là sự khích lệ đối với các ý tưởng táo bạo, sáng tạo dành cho sinh viên Mỹ, nhưng với Huệ Quân chính là sự kết nối với những người bạn đồng chí hướng và cũng là cách giới thiệu ý tưởng của mình với các bạn cùng đam mê. Để tiếp cận tốt hơn vừa kết nối cũng là vừa học hỏi, Huệ Quân còn thực hiện trang web của riêng mình để trình bày những sản phẩm mà cô thực hiện.
Gần cuối năm học thứ hai, trang web của Huệ Quân lọt vào mắt xanh của giám đốc quản lý mảng thiết kế sản phẩm kỹ thuật số của hãng Tesla. Sau hai vòng phỏng vấn khá gay cấn khi phải trình bày ý tưởng thiết kế với những người gạo cội trong nghề, Huệ Quân được Hãng Tesla mời về làm thực tập sinh thiết kế ứng dụng kỹ thuật số. Cô bé được giao công việc thiết kế ứng dụng trên điện thoại di động thông minh kết nối với những sản phẩm điện tử của Tesla trong thời gian 3 tháng với mức lương 9.000 USD/tháng.
Trả hơn 220 triệu đồng một tháng cho một thực tập sinh là sinh viên năm thứ hai là một sự nhìn nhận về sự sáng tạo và tính ứng dụng khả thi cao cho một tài năng Việt. Mức thù lao này không chỉ là mơ ước của sinh viên mà ngay chính cả các kỹ sư Mỹ.
* "Chúng tôi mong chờ Huệ Quân gia nhập đội của mình vào mùa hè tới. Cô ấy là một nhà thiết kế tài năng".
Elliott Lemberger (quản lý bộ phận thiết kế UX thuộc Tesla)
* "Huệ Quân là một học sinh có tầm nhìn. Em biết rõ khả năng của mình và những điều cần thiết để có thể trở thành một nhà sáng tạo như mình mong muốn cũng như cách mà em muốn trở nên hữu ích cho những người xung quanh. Em cởi mở, sẵn sàng chia sẻ kiến thức và khả năng của mình với các bạn một cách thấu đáo, tỉ mỉ, phóng khoáng và có sức ảnh hưởng lớn".
Anjulie Rao (giảng viên tại SAIC)
Hãy luôn bay bổng và lãng mạn
Khi trò chuyện với Huệ Quân, tôi không bắt gặp sự hồi hộp, âu lo khi chuẩn bị bước vào Tesla, hãng xe điện danh giá toàn cầu, mà vẫn là sự bay bổng, lãng mạn, sự tin cậy và trách nhiệm sẵn sàng vào cuộc.
Cô bé chia sẻ: "Trong kỳ nghỉ đông này con sẽ tranh thủ tự học thêm về những đột phá trong ứng dụng công nghệ, nhất là mảng công nghệ thực tế ảo và trí tuệ nhân tạo. Mục tiêu của con trong năm thứ ba là có thể thiết kế những sản phẩm áp dụng các công nghệ này để giải quyết một vấn đề thực tiễn nào đó cho xã hội hoặc trải nghiệm mới cho người dùng".
Tất cả chỉ mới là bắt đầu. Nhưng tôi tin cô bé này có thể bay bổng với ước mơ của mình. Bởi có thể còn nhiều hạn chế nhưng nước Mỹ luôn là nơi chắp cánh cho những ước mơ của sinh viên có thể bay cao khi luôn trân trọng tài năng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận