26/12/2011 07:20 GMT+7

Công bộc chơi bạo hơn cả "công tử Bạc Liêu"

V.V.THÀNH ghi
V.V.THÀNH ghi

TT - Bản tin ngắn về việc hai cán bộ ngành giao thông tỉnh Sóc Trăng chơi cờ tướng ăn thua tiền tỉ không khỏi khiến người đọc đặt ra nhiều câu hỏi.

Họ lấy đâu ra nhiều tiền để đổ vào những cuộc chơi khủng khiếp hơn cả giai thoại “công tử Bạc Liêu” như vậy? Vụ việc xảy ra trong thời gian dài, tổ chức nơi họ làm việc có hay biết gì không? Vì sao một cán bộ nhà nước lại sẵn sàng sử dụng đối tượng giang hồ đe dọa gia đình đồng nghiệp của mình?

Những câu hỏi này sẽ được cơ quan chức năng trả lời chính thức sau khi có kết quả điều tra. Tuy nhiên, qua thông tin ban đầu thấy rằng máu cờ bạc đã khiến lối sống của họ xa lạ biết bao so với người dân bình thường - những người mà một vài tỉ đồng là số tiền cả đời lao động cũng không dám mơ có được.

Tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã được nói đến lâu nay, vụ việc nêu trên chỉ góp thêm minh chứng cụ thể cho một sự thật đang gây nhức nhối xã hội.

Trong thực tế, cán bộ mà không tự rèn luyện rất dễ đi vào con đường sai phạm. Tuy nhiên, trách nhiệm của cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trực tiếp trong việc quản lý cán bộ dưới quyền như thế nào? Một cán bộ được bổ nhiệm phải qua rất nhiều con dấu, nghĩa là qua nhiều cơ quan xem xét, xác nhận. Hằng năm còn có các cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá cán bộ đã được quy định cụ thể trong nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước. Để xảy ra một vụ việc tiêu cực gây dư luận, không thể chỉ thi hành kỷ luật đối với cán bộ có vi phạm là xong, vì như vậy là trái với chủ trương đề cao trách nhiệm người đứng đầu.

Vụ “cờ tướng bạc tỉ” cũng là bài học để các cấp, các ngành thực hiện rà soát và tự đánh giá lại đội ngũ của mình. Trong chiến tranh, sự rèn luyện và thử thách cán bộ như lửa thử vàng, dễ nhận ra rõ ràng ai tốt, ai xấu. Còn giờ đây, khi hiện tượng chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy bằng cấp... chưa được khắc phục, thì nơi này hoặc nơi khác không dễ dàng phân biệt giữa người tốt và kẻ cơ hội, không đảm bảo tiêu chuẩn cán bộ.

Để đánh giá đúng cán bộ đòi hỏi nhiều yếu tố, trong đó tai mắt quần chúng là một kênh hết sức quan trọng. Văn kiện Đại hội XI của Đảng đã nêu rõ việc “định kỳ lấy ý kiến nhận xét của nhân dân về tư cách, đạo đức của cán bộ, đảng viên”.

Sự vận động của cuộc sống cũng cho thấy chủ trương nhân dân tham gia giám sát các hoạt động của bộ máy công quyền cũng như đạo đức, lối sống, sinh hoạt của cán bộ, đảng viên đã và đang được đặt ra như một nhu cầu bức thiết. Nếu các kênh giám sát của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên thật sự được coi trọng, được phát huy sức mạnh, được lắng nghe và được công khai, chắc rằng mỗi cán bộ, đảng viên sẽ phải tự ý thức hơn về lối sống, sinh hoạt của mình hằng ngày, hằng giờ.

Đối với những cán bộ, đảng viên cố tình đi vào con đường vi phạm về trách nhiệm, phẩm chất đạo đức, lối sống, việc cần làm ngay là nghiêm trị đúng với tinh thần “không có vùng cấm”. Kinh nghiệm nhiều năm làm công tác kiểm tra của tôi cho thấy “kháng sinh không đủ mạnh thì dễ nhờn thuốc”.

VŨ QUỐC HÙNG(nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương)

V.V.THÀNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên