Các thí sinh tham gia thi trực tuyến hội thi Tự hào sử Việt 2015 tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ - Ảnh: TIẾN LONG |
Sau khi hoàn tất cả ba đợt thi trực tuyến, thí sinh thi viết tự luận để xét giải chung cuộc.
Thí sinh tham gia làm một bài thi tự luận không quá 1.500 chữ trong thời gian 30 phút. Khuyến khích kết hợp trong bài viết là những sáng tác mới là thơ, nhạc...
Hội thi Tự hào sử Việt 2015 do Thành đoàn TP.HCM phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ tổ chức diễn ra từ ngày 12- đến 28-3. Có ba đợt thi trực tuyến dành cho cá nhân bao gồm: 9g ngày 12 đến 9g ngày 13-3 (đợt 1), 9g ngày 20 đến 9g ngày 21-3 (đợt 2) và 9g ngày 27 đến 9g ngày 28-3 (đợt 3). Riêng đợt ba ngoài phần trắc nghiệm còn có phần tự luận trong 30 phút với bài viết không quá 1.500 từ theo một trong các đề do ban tổ chức công bố. |
Ban tổ chức chọn 200 thí sinh có tổng số điểm thi từ phần 1 đến phần 4 cao nhất qua các đợt để chấm bài tự luận.
Nhằm động viên, ghi nhận các cá nhân có sự đầu tư cho các bài dự thi tự luận chất lượng, ban tổ chức hội thi quyết định bổ sung ba giải thưởng cho ba bài dự thi tự luận được chấm điểm cao nhất.
Dưới đây là đề thi tự luận Tự hào sử Việt 2015:
1 - Cố tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã viết: “Vượt trên mọi phân tích, thành phố Sài Gòn mang tên Hồ Chí Minh là biểu tượng của cái đẹp - không gì sánh nổi”. Thành phố mang tên Bác Hồ vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm cao cả mà nhân dân cả nước đòi hỏi đối với nhân dân thành phố. Trong đấu tranh vì độc lập tự do, thành phố đã vượt qua nhiều gian khổ hi sinh, chiến đấu và chiến thắng, thỏa lòng mong đợi của Bác Hồ. Trong hòa bình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thành phố đã và đang tiếp tục “Vì cả nước, cùng cả nước”, “đi trước và về đích trước” đó là cách Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh góp phần tỏa sáng Việt Nam thế kỷ 20 tiếp sang thế kỷ mới. Anh/chị nghĩ như thế nào về nhận định trên? Và anh/chị hãy đóng góp những giải pháp cụ thể để góp phần cùng với các cấp chính quyền và người dân trong việc xây dựng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
2- “… Lịch sử như một suối nguồn không phải tự nhiên mà có, ma do nhiều thế hệ đi trước - trong đó chủ yếu là thanh niên, tuổi trẻ, khơi dòng để chảy mãi hàng ngàn năm. Bài học lịch sử không phải do thiên cơ nào viết ra, những trang vàng hay đỏ của lịch sử chỉ có thể do những con người có tri thức viết nên, trong lúc thực hiện những nhiệm vụ yêu cầu mà lịch sử đặt ra…” (Tham luận “Thanh niên học sử để làm nên lịch sử” tại Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh TP Hồ Chí Minh lần IX, nhiệm kỳ 2012 - 2017). Để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lịch sử, truyền thống, theo các anh (chị), tổ chức Đoàn cần thực hiện các giải pháp và hình thức như thế nào?
3 - Theo số liệu của Bộ Giáo dục & đào tạo vừa công bố thì số lượng học sinh chọn môn lịch sử để thi tốt nghiệp phổ thông năm 2014 rất ít, thể hiện ở một số tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội chỉ có 8,9%, Đà Nẵng 6,5%, Thành phố Hồ Chí Minh chỉ 6%. Qua đó cho thấy việc dạy và học lịch sử hiện nay chưa khuyến khích được các em học sinh yêu môn sử, từ đó dẫn đến cộng đồng xã hội không xem trọng môn lịch sử. Anh/chị có suy nghĩ như thế nào về vấn đề này? Theo anh/chị, chúng ta cần có những giải pháp cụ thể nào để giúp các em học sinh thêm yêu và trân trọng lịch sử nước nhà.
4 - Có ý kiến cho rằng hệ thống các bảo tàng văn hóa, lịch sử hiện nay vẫn chưa thu hút được nhiều người dân đến tham quan, tìm hiểu, học tập. Nhiều bảo tàng không đầy đủ các tư liệu, hình ảnh, bên cạnh đó, các bảo tàng vẫn chưa có nhiều hoạt động sự kiện nổi bật để thu hút người dân. Các anh/chị hãy hiến kế để các bảo tàng hoạt động hiệu quả hơn.
5 - Có nhận định cho rằng các bộ phim Việt Nam nói về đề tài lịch sử chưa hấp dẫn và thu hút người xem, giới trẻ ngày nay thích xem phim lịch sử của các nước khác nhiều hơn. Từ thực tế này, theo các anh (chị), chúng ta cần phải làm gì để các bộ phim lịch sử Việt Nam sẽ được công chúng quan tâm, đón nhận và truyền tình yêu quê hương đất nước đến với giới trẻ một cách sâu sắc?
6 - Thành phố Hồ Chí Minh tự hào hơn 300 năm hình thành và phát triển, với bề dày truyền thống đấu tranh anh hùng, tiên phong trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Là một công dân được sinh sống, lao động, học tập tại thành phố, bạn tự hào điều gì nhất về truyền thống, phẩm chất của người dân thành phố? Từ vị trí, công việc của mình, bạn sẽ tiếp tục phát huy truyền thống của Thành phố Hồ Chí Minh - thành phố anh hùng bằng những việc cụ thể như thế nào?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận