Bộ Công thương thông tin công bố cơ sở dữ liệu - Ảnh: NA
Ngày 19-6, Bộ Công thương phối hợp với Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới và sự tài trợ của Bộ Ngoại giao và thương mại Úc (DFAT), Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) tổ chức lễ khai trương hệ thống cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.
Doanh nghiệp chờ kết nối, khắc phục hậu COVID-19
Đầu tư khu kinh tế mở Chu Lai hơn 35 tỉ USD, ông Phạm Văn Tài - tổng giám đốc Công ty cổ phần ôtô Trường Hải (Thaco) - cho biết từ năm 2005 đến nay đã đưa ra thị trường hơn 700.000 xe, nên Thaco đặt mục tiêu chiến lược là tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy xuất khẩu. Do đó, doanh nghiệp này mong muốn kết nối với doanh nghiệp nhỏ và vừa để cung cấp phụ tùng.
"Chúng tôi không sản xuất tất cả, mà mong muốn cung cấp sản phẩm cơ khí cho doanh nghiệp cần thiết với giá cạnh tranh. Sau dịch COVID-19 sản lượng giảm, nhà máy dư công suất, nên mong có hệ thống dữ liệu để kết nối từ xa nên trung tâm này rất có ý nghĩa, cơ sở này là chất xúc tác mới để phục hồi doanh nghiệp hậu COVID-19", ông Tài nói.
Ông Bùi Minh Hải - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Nhựa Hà Nội An Phát - cho rằng ngành công nghiệp hỗ trợ cần được quan tâm nhiều hơn dưới sự tác động của COVID-19 vừa qua.
Cũng bởi hoạt động xúc tiến thương mại đình trệ, chuyển sang giao thương kết nối trực tuyến, và doanh nghiệp phải chủ động tìm kiếm hợp tác nhưng không mang lại kết quả như mong đợi. Do đó, việc xây dựng hệ thống dữ liệu ngành giúp cập nhật thông tin, kết nối dữ liệu, nắm bắt nhu cầu khách hàng trong và ngoài nước.
Tham gia sâu chuỗi cung ứng
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng hệ thống cơ sở dữ liệu là bước đi đầu tiên có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh ngành công nghiệp có sự tăng trưởng cao hơn 10%, đóng góp vai trò quan trọng trong việc đảm bảo mục tiêu tăng trưởng.
Đặc biệt, đặt trong bối cảnh các hiệp định thương mại như CPTPP, EVFTA đang mang lại cơ hội, song cũng là thách thức để Việt Nam có thể tham gia chuỗi cung ứng, đặc biệt cung ứng công nghiệp.
"Rõ ràng trong bối cảnh thế giới điều chỉnh chuỗi cung ứng, các chuỗi cung ứng công nghiệp đang phải xác định xu thế phát triển, hình thức mô hình hợp tác giữa các đối tác. Hơn bao giờ hết Việt Nam đang đối mặt cơ hội và thách thức to lớn. Hệ thống cơ sở dữ liệu đều là nội dung nền tảng cơ bản có tính ưu tiên cao", ông Tuấn Anh nói.
Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Ivo Sieber cũng cho rằng việc kết nối doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp đa quốc gia và người mua nước ngoài là yêu cầu đặt ra để thúc đẩy tốc độ tăng trưởng nhằm đạt mục tiêu GDP 6% trong năm nay. Bởi Việt Nam đang trở thành một trong những quốc gia tăng trưởng ấn tượng, không chỉ nhờ vào sự mở cửa mà nguồn lực từ các doanh nghiệp, tạo hàng triệu việc làm.
"Phát triển công nghệ của Việt Nam ấn tượng, thể hiện hiệu quả đầu tư. Nhìn vào sự phát triển số lượng doanh nghiệp trong thời gian qua, chúng ta biết rằng cơ sở dữ liệu này đóng vai trò quan trọng kết nối nhà cung ứng Việt Nam có thể gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu", ông Ivo Sieber nói.
Cục Công nghiệp là đơn vị xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, đã cập nhật lên hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin về các doanh nghiệp, gồm có 500 doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, 347 doanh nghiệp trong lĩnh vực ôtô, 750 doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử, 1.145 doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may và 910 doanh nghiệp trong lĩnh vực da giày.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận