31/08/2016 08:51 GMT+7

Công an tự ý cạy cửa, thu tài sản: có lạm quyền?

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN
VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN

TTO - Vụ việc một người mặc sắc phục công an đến cạy cửa, thu giữ tài sản ở một tiệm nét vẫn hoạt động sau 22g gợi lên nhiều vấn đề.

Hình ảnh người mặc sắc phục cạy cửa tiệm Internet Victory tối 22-8 - Ảnh: B.SƠN cắt từ clip
Hình ảnh người mặc sắc phục cạy cửa tiệm Internet Victory tối 22-8 - Ảnh: B.SƠN cắt từ clip

Nếu người mặc sắc phục công an thật sự là công an khu vực thì hành vi cạy cửa, thu giữ tài sản có đúng luật hay không?

Mặt khác, việc chủ tiệm nét vẫn để khách lưu lại quán sau 22g (dù có giải thích là đã đóng cửa không đón khách mới sau 22g) có vi phạm luật hay không và nếu có, đơn vị nào có thẩm quyền xử lý, xử lý ra sao?

Như Tuổi Trẻ đã thông tin, gần 23g ngày 22-8, một người mặc sắc phục công an và dân phòng tới trước cửa tiệm net Victory của ông Đoàn Văn Cường tại khu phố Tân Lập, P.Đông Hòa, Dĩ An, Bình Dương, đập cửa rồi tự tay cạy cửa cuốn xâm nhập vào nhà. Sau đó, người này lập biên bản và thu giữ 10 màn hình máy tính, 1CPU.

Chủ tiệm nét bức xúc cho rằng nếu họ có vi phạm hành chính thì cơ quan chức năng có thể xử phạt, chế tài, sao lại tự tiện cạy cửa và thu giữ tài sản?

Công an phải thượng tôn pháp luật

Rất nhiều bạn đọc lên tiếng cho rằng cần phải xem xét lại hành vi tự ý cạy cửa, xâm nhập vào tiệm nét của người mặc sắc phục công an và lực lượng dân phòng này có đúng trình tự như luật quy định hay không.

“Tại sao công an lại cạy cửa nhà dân khi không có lệnh khám xét và cũng không có sự chứng kiến của tổ trưởng tổ dân phố? Có thể việc kinh doanh quá giờ quy định của chủ tiệm nét là sai nhưng công an có thể dùng nhiều biện pháp xử lý phù hợp hơn, thay vì tự ý cạy cửa”, một bạn đọc bình luận.

Nhận xét về nghiệp vụ, bạn đọc Hong Tran cho rằng lẽ ra công an nên xin lệnh khám xét, yêu cầu chủ tiệm nét mở cửa để kiểm tra, bắt quả tang vi phạm trước sự chứng kiến của những người có trách nhiệm, thay vì hành động như vậy.

Tuy nhiên cũng có một số người nhận xét về hành vi có thể công an khu vực chưa thật sự đúng nhưng về động cơ thì không sai.

"Tiệm nét hoạt động sau 22g là sai qui định rồi. Họ đóng cửa làm sao bắt quả tang?”, bạn đọc nêu ý kiến.

Có dấu hiệu lạm quyền?

Luật sư (LS) Phạm Công Út cho biết khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật hành chính, để giữ được vật chứng và người vi phạm, người được phân công, có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp hành chính. Trong trường hợp này, người mặc sắc phục công an và dân phòng đã có hành vi xâm phạm tài sản của người dân (cạy cửa vào tiệm nét).

Mặt khác, theo LS Phạm Công Út, cần xem xét kỹ những người cạy cửa vào tiệm nét này có lệnh khám xét hay được cấp trên giao quyền khám xét khẩn cấp hay không.

Về vấn đề lấy 10 màn hình máy tính và 1CPU đi, LS Phạm Công Út đánh giá phải làm rõ đây là hành vi tịch thu hay tạm giữ.

Nếu tịch thu thì phải đưa ra được quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Còn nếu là tạm giữ thì cần xem xét tiệm nét có bao nhiêu màn hình, bao nhiêu khách đang chơi và lý do vì sao lại tạm giữ 10 màn hình, 1 CPU?

LS Lê Cao đánh giá việc kiểm tra để xử lý đối với những trường hợp vi phạm hoạt động kinh doanh internet sau 22g là cần thiết nhưng không thể dùng các hành vi như tự ý cậy cửa và thu giữ tài như vậy được.

Theo tôi, hành vi khám xét mang tính chất khẩn cấp này có dấu hiệu vi phạm pháp luật về vấn đề lạm quyền.

Cũng cần làm rõ động cơ, mục đích của việc tịch thu hay tạm giữ phương tiện kinh doanh của tiệm nét.

LS Phạm Công Út

LS Lê Cao cho biết theo quy định tại điều 32 Nghị định 174/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện thì không áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong trường hợp không tuân thủ thời gian hoạt động dịch vụ Internet.

Ngoài ra, trong trường hợp này cũng theo quy định tại Điều 97 Nghị định 174/2013/NĐ-CP thì cá nhân công an khi làm nhiệm vụ cũng chỉ được xử phạt tiền mức tối đa không quá 1.000.000 đồng và hoàn toàn không có quyền tịch thu tài sản của công dân.

“Do đó việc tịch thu tài sản của chủ tiệm Internet trong trường hợp này là hoàn tài sai. Do vậy, nếu là công an thực sự thì các hành vi như được nêu hoàn toàn trái luật, có dấu hiệu lạm quyền khi thực thi công vụ. Trường hợp là người khác giả danh thì cũng vi phạm pháp luật về việc xâm phạm trái phép, chiếm đoạt tài sản của công dân”, LS Lê Cao nhận định.

Có phạm luật khi đóng cửa, chứa khách chơi bên trong?

Nhiều bạn đọc thắc mắc sau 22g, tiệm nét giả vờ đóng cửa nhưng còn khách chơi bên trong, có phạm luật?

Về phía tiệm nét, LS Phạm Công Út phân tích quy định tiệm nét phải đóng cửa sau 22g phải được hiểu là sau 22g không được phép hoạt động kinh doanh internet. Không được hoạt động và đóng cửa (vẫn hoạt động bên trong) là hai hành vi khác nhau.

“Cần nói rõ thêm là chủ tiệm Internet có cho rằng đóng cửa ngoài, không tiếp thêm khách mới nhưng vẫn để khách sử dụng dịch vụ sau 22 giờ, theo chúng tôi vẫn là hành vi vi phạm quy định về thời gian cung cấp dịch vụ cho khách hàng, do đó vẫn được xem là hành vi vi phạm. Theo Điều 32 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP, hành vi này có thể bị xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng”, LS Lê Cao nói thêm.

Người dân có thể chụp ảnh, ghi hình làm bằng chứng

LS Bùi Quang Nghiêm, phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP cho biết trong những trường hợp như thế này, người dân có thể chú ý sắc phục, tên, chức vụ của công an khu vực để ghi nhớ. Bên cạnh đó, người dân cũng có thể chụp ảnh, ghi hình lại quá trình làm việc của công an, dân phòng để làm bằng chứng về sau.

“Những hiểu biết về mặt pháp luật đôi khi cũng có hạn chế và thường có tâm lý rất sợ công an. Vì thế, việc có người làm chứng hay ghi hình, chụp ảnh lại là cách giúp người dân chứng minh hành động của lực lượng công quyền là chưa đúng và có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu có”, LS Bùi Quang Nghiêm nói.

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục