Ngày 7-2, Công an TP Hải Phòng có thông tin chính thức vụ sử dụng trang Facebook lừa đảo, chiếm đoạt trên 1 tỉ đồng của khách hàng đặt phòng nghỉ dịp cận Tết Nguyên đán 2025 gây xôn xao dư luận.
Theo đó, Công an TP Hải Phòng tiếp nhận, giải quyết đơn trình báo của chị V.T.T., trú tại TP Hải Phòng, trình báo việc bị người sử dụng trang Facebook lừa đảo chiếm đoạt trên 1 tỉ đồng.
Ban đầu cơ quan chức năng xác định chị V.T.T. bị người sử dụng fanpage giả mạo, yêu cầu chuyển tiền đặt cọc thuê phòng khách sạn.
Sau khi chị T. chuyển tiền đặt cọc thì được thông báo chuyển sai cú pháp, yêu cầu chuyển lại tiền đặt cọc và chuyển thêm tiền để nhận lại tiền đặt cọc đã chuyển nhầm.
Do tin tưởng, chị T. tiếp tục sử dụng tài khoản ngân hàng cá nhân chuyển tiền nhiều lần theo yêu cầu của người này.
Tuy nhiên, sau mỗi lần chị T. chuyển thêm tiền thì người này lại đưa ra các lý do, lỗi sai và yêu cầu chuyển thêm tiền để khắc phục các lỗi đó... Tổng số tiền bị lừa đảo, chiếm đoạt trên 1 tỉ đồng.
Trước đó, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, chị V.T.T. cho biết đó là ngày 27 Tết, bận nhiều công việc nên đầu óc không được tỉnh táo.
Những người này lại liên tục thúc ép chuyển tiền và làm theo hướng dẫn nên cứ như ma xui quỷ khiến, chị đã chuyển tới 7 lần với số tiền hơn 1 tỉ đồng.
Trước khi đặt phòng chị đã cẩn thận kiểm tra fanpage của resort có tích xanh, nghĩ đây là trang uy tín và đã nhắn tin liên hệ đặt phòng.
Sau khi nhắn tin qua lại, người này bảo chị chuyển khoản trước khoản đặt phòng với số tiền 6.570.000 đồng, do tin tưởng cũng là cuối năm nên chị không mảy may nghi ngờ đồng ý chuyển khoản.
Tuy nhiên khi chuyển khoản thành công, người này nói "chưa ghi nội dung chuyển khoản", đề nghị chị chuyển khoản lại và ghi nội dung chuyển khoản như đã gửi.
Sau hai lần chuyển khoản, kẻ lừa đảo bắt đầu vin tâm lý khách hàng đã chuyển khoản hai lần, muốn lấy lại tiền nên giăng bẫy, yêu cầu khách hàng cung cấp số tài khoản ngân hàng kèm tên và số điện thoại để nhận lại tiền.
Người này gửi chị T. một bức ảnh chụp nội dung "Giao dịch không thành công" và yêu cầu nhập mã xác thực VNpay để nhận lại tiền từ doanh nghiệp.
Nóng lòng muốn nhận lại tiền và liên tục bị thúc ép nhập mã xác thực, chị T. đã vào ứng dụng ngân hàng nhập mã xác thực VNpay với các con số do kẻ lừa đảo gửi cho.
Sau đó xác thực khuôn mặt, mã OTP và đến bước "xác nhận". Bị gọi điện liên tục thúc ép nhấn vào "xác nhận" nên chị đã nhấn vào.
Bằng thủ đoạn "tiền đang treo" và yêu cầu nhập lại mã do chúng gửi, qua 7 lần với số tiền lần sau cao hơn lần trước, chị T. đã chuyển cho kẻ lừa đảo 1,1 tỉ đồng.
Chỉ khi tài khoản của chị hết tiền chúng mới dừng lại. Lúc này chị T. bừng tỉnh, vào website tìm số điện thoại khách sạn mới biết phòng khách sạn đã ngừng bán một tháng nay.
Sau đó chị liên hệ lại thì bọn chúng tắt máy, thoát ứng dụng, đóng tài khoản Facebook…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận