21/09/2010 20:02 GMT+7

Con voi Trung Quốc

Theo ALAN PHANDoanh Nhân Sài Gòn Cuối tuần
Theo ALAN PHANDoanh Nhân Sài Gòn Cuối tuần

Tôi đến Trung Quốc lần đầu vào năm 1976 khi đi công tác cho Tập đoàn Eisenberg của người Do Thái. Họ là những nhà đầu tư đầu tiên của phương Tây vào Trung Quốc và khởi xướng một loạt liên doanh với các công ty quốc doanh của Trung Quốc.

Tác giả bài viết này - TS Alan Phan - một người có nhiều năm kinh nghiệm làm ăn ở Trung Quốc gửi riêng cho Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần, trình bày khá sinh động thực tế làm ăn ở một nước nhiều tiềm năng lẫn rủi ro. Bài viết gồm hai phần. Chúng tôi xin giới thiệu cùng độc giả.

Sau đó, tôi tiếp tục công tác ở Trung Quốc nhiều năm cho đến khi tự thiết lập những chi nhánh ở Trung Quốc của Hartcourt, công ty riêng của tôi tại Mỹ, vào đầu năm 1996. Tôi sống và làm việc ở Hồng Kông và Thượng Hải liên tục từ năm 1999. Câu hỏi thường xuyên phải đối diện từ các doanh nhân nước ngoài là: “Ông đánh giá thế nào về kinh tế của Trung Quốc cũng như tình hình kinh doanh”?

Những lúc đó, tôi luôn nghĩ đến câu chuyện những anh thầy bói mù, sờ voi, để tìm một thực tại chính xác mô tả hình thù của con voi. Dĩ nhiên, mọi người đều biết rằng anh mù sờ cái vòi voi thì có cảm nhận khác hẳn với anh mù sờ cái chân. Đối với tôi, sự đánh giá chính xác nền kinh tế của Trung Quốc cũng là một bài học tương tự; mặc cho rất nhiều tài liệu tham khảo, sách vở hồi ký và cả tiểu thuyết viết về đề tài này.

Số liệu thống kê không thật

Một thủ tướng Anh, ngài Benjamin Disraeli, đã phê bình về những tranh luận chính trị, “Có ba loại nói láo: nói láo, nói láo khốn kiếp và… số liệu thống kê” (lies, damned lies, and… statistics). Sự thật và nửa sự thật (half-truth) có thể tương phản nhau như đêm và ngày. Mà các chính trị gia thì là những sư phụ về “nửa sự thật”. Để bẻ quanh sự thật thì việc sử dụng các con số thống kê phù hợp với mục đích tranh luận của mình đã trở thành một thói quen đáng ngại trên khắp thế giới.

a3lsZH6J.jpgPhóng to
Một sàn giao dịch chứng khoán ở Hefei, tỉnh An Huy, Trung Quốc

Tôi có một anh bạn người Hoa khá thân vào năm 2003 và hai đứa hay giao du ở Thượng Hải để tản mạn chuyện đời. Anh ta là Trưởng Sở thống kê của vùng Tây Dương Tử, thu nhặt các báo cáo từ khắp làng, xã, huyện, tỉnh của khu vực này để nộp lên cho Trung ương ở Bắc Kinh. Khu vực này, gồm Thượng Hải, Triết Giang, An Huy, Hàng Châu, Nam Kinh… là một trong những vùng kinh tế rất quan trọng của Trung Quốc.

Anh ta tâm sự là những giờ phút căng thẳng nhất của đời anh và các nhân viên thuộc hạ là những ngày phải nộp báo cáo lên Thống kê Trung ương sau khi thu nhận và đúc kết các con số từ các địa phương.

Anh nói: “Các con số từ các cơ quan chính phủ, các công ty quốc doanh, các ngân hàng, các văn phòng thuế vụ… đều có những mâu thuẫn nghịch lý ngược đời. Khoảng 80% các con số rập khuôn theo chỉ tiêu của chính phủ, vì đây là mức đánh giá về khả năng và hiệu quả của các lãnh đạo hành chính. Nếu chính phủ trung ương nói năm nay mục tiêu của GDP sẽ trên 11%, thì các đơn vị thi nhau vượt trên chỉ tiêu để lấy điểm. Không ai rõ sự thật như thế nào. Vì lý do các con số “chửi nhau” thậm tệ, chúng tôi phải nhào nặn xoa bóp lại cho các dữ liệu và thống kê được hài hòa và các con số phải nằm ở mức độ hợp lý tối thiểu. Sự chính xác của các thống kê này là điều chúng tôi quan tâm rất ít”.

Anh bạn nói thêm: “Cả thế giới đều lấy con số 1,32 tỉ làm dân số chính thức của Trung Quốc. Nhưng Sở thống kê chỉ điều nhân viên thực hiện công tác này mỗi 10 năm ở các tỉnh và huyện. Con số từ các xã, làng mạc đều tùy thuộc vào báo cáo của các đơn vị địa phương. Với một số lượng di dân khổng lồ từ nông thôn ra thành thị (không ai nắm chắc vì họ không có hộ khẩu và chỗ ở nhất định), cộng với thói quen phải báo cáo nhận hộ khẩu nhiều hơn của các đơn vị nông thôn (để gia tăng ngân sách và chi tiêu), con số thực sự về dân số chỉ là một phỏng đoán rất ngờ vực”.

Anh ta kết luận bằng câu tục ngữ thường vẫn nghe ở Mỹ “Garbage in, garbage out” (rác vào thì rác ra). Không một máy tính hiện đại nào trên thế giới có thể thay đổi nguyên lý này.

Kinh tế ngầm hoạt động mạnh

Một yếu tố quan trọng nữa của kinh tế Trung Quốc mà mọi người chỉ phỏng đoán là nền kinh tế ngoài luồng. Cho đến thời điểm này, người dân Trung Quốc vẫn chuộng giữ tiền tiết kiệm lâu dài bằng vàng, USD hay địa ốc… thay vì những trương mục trả lãi suất rất ít trong các ngân hàng. Các giao dịch thương mại không hóa đơn là một hiện tượng rất phổ thông.

Khi bạn mua hàng ở một cửa hàng hay ngay cả một cơ xưởng lớn của một công ty quốc doanh, bạn có thể được trừ đến 5% nếu trả bằng tiền mặt. Chỉ có khoảng 62% doanh nhân báo cáo về lợi tức thu nhập với Sở thuế (và có lẽ 90% trong số này là những báo cáo lệch lạc). Thêm vào đó, nạn tham nhũng trên toàn quốc tạo ra những luồng tiền khổng lồ cần chùi rửa ngoài luồng cũng sẽ không nằm trong các dữ liệu thống kê chính thức.

Một nghiên cứu độc lập của một quỹ tiền tệ quốc tế ước tính là đến 27% FDI của Trung Quốc là do tiền nội địa tái hồi (recyling domestic equity). Hiện tượng này mô tả những dòng tiền lớn của Trung Quốc lọt ra nước ngoài và được đầu tư trở lại tại Trung Quốc trên danh nghĩa vốn đầu tư nước ngoài.

Tôi còn nhớ cách đây bốn năm, tôi đi ngang một văn phòng đồ sộ trong một cao ốc văn phòng ở đường Hoài Hải Trung Lộ, một khu thương mại rất sầm uất và nổi danh của Thượng Hải. Văn phòng không có tên tuổi hay biển quảng cáo nào, mà người thăm viếng lại tấp nập như một cửa hàng bách hóa.

Hỏi thăm bạn bè mới biết đây là một “ngân hàng đen” nơi các doanh gia và các nhà giàu đến bỏ tiền và vay tiền, dĩ nhiên là với lãi suất gấp ba lần các ngân hàng chính thống. Sự hiện diện công khai của văn phòng này giữa thanh thiên bạch nhật cho thấy mối liên hệ của các “doanh nghiệp ngầm” và chính phủ sâu rộng đến mức độ nào.

Ước lượng về nền kinh tế ngầm này của Trung Quốc thay đổi từ 15% đến 40% GDP. Dù thấp hay cao, ẩn số này đã thay đổi mọi số liệu thống kê về GDP, về tăng trưởng kinh tế, cũng như các thực tại về thu nhập và tài sản.

Quyền tự trị của các địa phương quá lớn

Giáo sư Victor Hsih của Đại học Northwestern vừa làm một bảng ước tính về số nợ của các đơn vị chính phủ địa phương trên toàn Trung Quốc lên đến 1,7 ngàn tỉ USD (11,4 ngàn tỉ nhân dân tệ - RMB). Tiêu sản này bao gồm nợ trực tiếp, các bảo lãnh tài chính và các hợp đồng giao dịch với các đối tác trong và ngoài nước. Con số này được chôn vùi bóp méo trong những cân đối tài chính chính thức của Trung ương và Giáo sư Hsih đã phải góp nhặt tìm tòi qua các dữ liệu tư và các báo cáo địa phương của các ngân hàng cũng như các công ty quốc doanh.

Nhiều học giả về Trung Quốc thường cho rằng chính quyền trung ương kiểm soát rất chặt chẽ mọi hoạt động của địa phương qua các đảng viên và quan chức bổ nhiệm. Khi làm việc với các địa phương, doanh nhân nước ngoài mới nhận thức thực tế là “phép vua thua lệ làng”. Bắc Kinh gần như để mặc các đơn vị địa phương tự túc và tự xử trong rất nhiều lĩnh vực, kể cả tài chính, miễn là địa phương đóng góp đầy đủ số chỉ tiêu về thuế, báo cáo thường xuyên theo chỉ tiêu đề ra và đừng làm gì để “mất mặt” Trung ương.

Nhưng vấn đề nhạy cảm là những cuộc biểu tình, những tố cáo lạm dụng về đất đai, những xì-căng-đan trên báo chí… Vì phần lớn phải tự túc về ngân sách, nên các chính quyền địa phương hay có khuynh hướng thổi phồng giá đất để bán hay cho thuê lại với giá cao (một phần rất lớn của nhiều ngân sách), hay thích làm những dự án vĩ đại dù không hiệu quả (để tăng GDP, để có sĩ diện, tăm tiếng và để hưởng lợi cá nhân) và sẵn sàng bảo đảm mọi số nợ để tiến hành các mục tiêu trên.

Vào năm 1995, Công ty Hartcourt của tôi có liên doanh để thiết lập một nhà máy làm bút và dụng cụ văn phòng khá quy mô ở Quảng Đông. Số tiền nợ 4 triệu USD của công ty liên doanh mà Bank of China cho vay là do chính quyền đảm bảo. Chúng tôi gần như không phải gặp gỡ hay liên hệ gì với Bank of China ở Quảng Đông hay Bắc Kinh; và chỉ gặp giám đốc chi nhánh huyện một lần duy nhất trong một bữa ăn hoành tráng (không hề bàn thảo gì đến dự án hay kế hoạch kinh doanh).

Nhiều bạn bè doanh nhân tại Trung Quốc đều có những kinh nghiệm tương tự, cho thấy quyền lực của chính quyền địa phương vượt xa các thủ tục hành chính.

Bài 2: Khổ vì hồ sơ kế toán khác nhau

Theo ALAN PHANDoanh Nhân Sài Gòn Cuối tuần
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên