Phóng to |
Nhưng kết quả hai chương trình nghiên cứu mới đây lại khẳng định còn rất nhiều điều cần được khám phá.
Nguyên nhân kết thúc đột ngột kỷ Phấn trắng
Trong suy nghĩ của rất nhiều người, cái chết bí ẩn của loài khủng long cùng nhiều loài khác - mở đường cho động vật có vú phát triển - đã được giải thích từ vài thập kỷ trước: một thiên thạch hoặc sao chổi cực lớn đâm vào Trái đất, tạo ra một đám mây bụi che kín mặt trời, làm cho khí hậu lạnh đột ngột và tàn sát phần lớn hệ động thực vật.
Đây quả là một cốt truyện áp đặt và nhiều nhà khoa học chưa bao giờ chịu tin. Họ thừa nhận loài khủng long đã chết khá nhanh, nhưng không đột ngột đến mức có thể giải thích theo cách này.
Và thế là hàng loạt giả thiết - nào là khủng long bị dị ứng với những loài cây có hoa đang phát triển mạnh mẽ, hoặc bị các núi lửa ở nơi mà ngày nay là nước Ấn Độ chôn vùi, hay bị nhiễm bệnh - vẫn tồn tại xung quanh những kiến thức đã được công nhận.
Giờ đây, giả thiết về loài khủng long lại có thêm một động lực mới, đó là cuốn sách mang tên Điều gì đã hại khủng long của Nhà xuất bản Princeton University Press. Tác giả là George và Roberta Poinar (George là nhà động vật học tại Đại học bang Oregon và là cựu cố vấn của WHO về bệnh truyền nhiễm). Đây là những người chuyên về côn trùng cổ đại (một nhân tố chủ chốt trong phim Công viên kỷ Jura) và khủng long hóa thạch.
Trong số những thứ mà họ tìm được tại các di chỉ có ve, giun tròn, ruồi đốt và đủ loại ký sinh trùng hung hãn sống trong ruột động vật có niên đại thuộc kỷ Phấn trắng. Hai vợ chồng ông Poinars phát hiện trong một số côn trùng có các vi khuẩn gây bệnh leishmania (do trùng muỗi cát truyền) và bệnh sốt rét. Đây là những bệnh mới vào thời kỳ đó và khủng long không có mấy khả năng chống lại chúng.
Hai tác giả không khẳng định toàn bộ khủng long đã chết trong một trận dịch khủng khiếp; ngược lại, họ cho rằng bệnh tật đã làm loài bò sát khổng lồ suy yếu và sau đó đến lượt các thảm họa khác như sao chổi hay núi lửa kết liễu chúng.
Dù vậy, vợ chồng Poinars vẫn không thể cưỡng lại một vài chi tiết kịch tính kiểu Hollywood, chẳng hạn một câu như sau: “Loài lớn nhất trong số các động vật trên cạn, khủng long, có lẽ đã bị trói chặt trong một cuộc chiến sinh tồn sống-hay-chết [với côn trùng]".
Tại sao băng tuyết xuất hiện giữa thế giới cực nóng?
Thách thức thứ hai đối với kiến thức đã được thừa nhận về kỷ Phấn trắng là từ một bài báo đăng trên tạp chí Science hôm 10-1 vừa qua.
Nhiều bằng chứng cho thấy khá rõ ràng rằng khí hậu thời đó nóng hơn bây giờ nhiều (và vì vậy khí hậu lạnh sau vụ thiên thạch đâm vào Trái đất gây rất nhiều khó khăn cho khủng long).
Vào khoảng 90 triệu năm trước, khí hậu đặc biệt nóng: ở một số vùng, trong thời kỳ được gọi là những năm “siêu nhà kính”, nhiệt độ nước biển ở bề mặt có thể lên tới 100 độ F (khoảng 37,8 độ C) và cá sấu sống nhan nhản khắp Bắc cực.
Vậy thì làm thế nào lại có băng tuyết diện rộng ở Nam cực vào thời đó được? Các chuyên gia về cổ khí hậu đã tìm ra những gợi ý cho điều kỳ quặc này từ trước, nhưng tạp chí Science mới đây đã khẳng định chắc chắn hơn.
Andre Bornemann, thuộc Viện Hải dương học Scripps, cùng với một số đồng nghiệp đã thu được thông tin bằng cách phân tích lượng đồng vị oxy-18 (O-18) trong con foraminifera, một loài sinh vật nhỏ, có vỏ, sinh sống nhiều trong các đại dương thời đó.
Khi nước biển bốc hơi - đồng thời làm cho foraminifera bị mắc lại trên cạn và bị đóng băng - tỉ lệ đồng vị O-18 với O-16 trong nước biển thay đổi. O-18 nặng hơn nên ít bị bay hơi hơn và được foraminifera hấp thụ vào vỏ của chúng.
Các nhà khoa học phát hiện rằng trong một khoảng thời gian chừng vài trăm ngàn năm, các vỏ foraminifera giàu O-18 một cách bất thường, chứng tỏ có băng tuyết vào thời kỳ đó.
Dù nhiệt độ nước biển thay đổi cũng có thể ảnh hưởng tới cân bằng oxy nhưng nhiệt độ nước dưới đáy biển ít biến động dù có chuyện gì xảy ra trên mặt biển. Thế mà những con foraminifera sống ở tận đáy sâu vẫn có tỉ lệ đồng vị oxy bất thường. Điều này càng khẳng định khả năng đã có băng giá xuất hiện.
Chẳng ai giải thích được tại sao lại có thể có băng tuyết giữa một thế giới cực nóng như thế. Nhưng trước đó cũng chẳng ai thật sự giải thích được tại sao Trái đất lại có thể nóng đến thế.
Tóm lại, băng tuyết của khí hậu nóng và đám khủng long ốm yếu dẫn tới một kết luận có thể làm qui định mới cho ngành cổ sinh vật học: đừng quá tin vào những kiến thức đã được thừa nhận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận