08/08/2013 06:54 GMT+7

Còn rất nhiều khó khăn

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TT - Tòa án nhân dân tối cao vừa đưa ra dự thảo đề án thành lập “Tòa gia đình và người chưa thành niên” để lấy ý kiến. Đề án được các chuyên gia và những người hoạt động trong ngành tố tụng đánh giá cao về tính nhân văn cũng như sự tiến bộ về mặt pháp lý, nhưng để đưa vào hiện thực thì chặng đường còn rất xa...

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, trung bình mỗi năm cả nước có 14.000-16.000 người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Còn theo thống kê của ngành tòa án, từ năm 2007-2012 có đến hơn 26.000 người chưa thành niên phạm tội được đưa ra xét xử.

Những số liệu này cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề người chưa thành niên phạm tội.

Từ nhu cầu thực tế

Ông Võ Văn Thêm - viện phó Viện phúc thẩm 3 của Viện KSND tối cao, đã có hơn 30 năm hoạt động trong ngành tư pháp và từng nhiều lần giữ quyền công tố trong những vụ án mà người phạm tội chưa thành niên - cho rằng gặp rất nhiều bất cập khi xét xử chung những vụ án có người chưa thành niên tham gia. Ông Thêm nói: “Khi xét xử chung với người lớn, các em có thể sẽ “học” nhanh chóng sự dối trá, không trung thực của người lớn. Và điều đáng tiếc nhất là hiện nay việc cải tạo giáo dục các em thường ít khi mang lại kết quả tốt bởi ngay trong môi trường cải tạo, nhà giam các em tiếp nhận thêm nhiều thói xấu của những phạm nhân giam chung. Thậm chí nhiều em sau khi cải tạo xong lại trở thành những kẻ phạm tội xảo quyệt hơn”.

Nhấn mạnh ý này, ông Thêm cho rằng từ việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với người chưa thành niên hiện nay thật sự chưa phù hợp.

Là người dự hàng trăm cuộc hội thảo chủ đề người chưa thành niên phạm tội, cũng không nhớ nổi mình đã xét xử bao nhiêu vụ án liên quan đến người chưa thành niên, thẩm phán Vũ Phi Long - phó chánh tòa hình sự Tòa án nhân dân TP.HCM - cũng xác nhận số liệu báo cáo từ những vụ việc người chưa thành niên phạm tội ngày càng nhiều thêm và hành vi ngày càng man rợ. Nhưng theo ông Long, phần lớn người chưa thành niên phạm tội là bị xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ. Việc thành lập tòa án dành riêng cho người chưa thành niên là rất cần thiết.

Phải hoàn thiện cả về mặt luật pháp

Những người tiến hành tố tụng cần phải hiểu được tâm sinh lý của trẻ em cũng như cần phải tìm hiểu môi trường học tập, làm việc và trưởng thành của trẻ, như ông Võ Văn Thêm nói: “Chúng ta làm người lớn lâu quá rồi nên có khi chẳng còn nhớ mình là trẻ con như thế nào”. Ông Thêm khẳng định việc thành lập tòa án riêng đòi hỏi rất nhiều thời gian bởi còn rất nhiều khó khăn phía trước. Cụ thể, về mặt nhân sự thì ngành kiểm sát các cấp vốn đã thiếu người, hiện một kiểm sát viên phải kiêm nhiệm nhiều việc khác nhau và từ trước đến nay chưa từng có kiểm sát viên chuyên trách án người chưa thành niên. Theo quy định tại khoản 1 điều 302 Bộ luật tố tụng hình sự: điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán phải là những người có những hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục cũng như về hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm của người chưa thành niên. “Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay ở nước ta chưa có đội ngũ những người tiến hành tố tụng hình sự chuyên xử lý các trường hợp người chưa thành niên phạm tội” - ông Thêm nói.

Thẩm phán Vũ Phi Long khẳng định đối với Tòa án nhân dân TP.HCM, việc thành lập thêm tòa gia đình và người chưa thành niên vào thời điểm này là rất khó khăn và dường như không khả thi cả về mặt cơ sở vật chất và nhân sự. Ông Long cho biết ý kiến riêng: “Để đảm bảo được các tiêu chí về tòa án gia đình và người chưa thành niên còn phải hoàn thiện cả về mặt luật pháp, vì người chưa thành niên đều có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến tất cả các cấp tòa còn lại: hình sự, dân sự, kinh tế, lao động. Bởi vậy, dù mục đích rất tốt đẹp nhưng chặng đường đó còn rất dài”.

Thẩm phán Nguyễn Đức Sáu, chánh tòa hình sự TAND TP.HCM, cũng khẳng định đây là một việc rất nan giải. Người chưa thành niên phạm tội có nhiều độ tuổi khác nhau, có người hơn 14, hoặc 16, hoặc chưa tròn 18 tuổi. Hoặc có vụ án chỉ có một người chưa thành niên, còn các đồng phạm khác đều đã là người lớn. Việc xét xử sẽ thế nào? Tách ra thành một vụ xét xử riêng hay xử chung?

Thẩm phán Nguyễn Đức Sáu băn khoăn: “Người 18 tuổi tròn nếu phạm tội gây ra hậu quả nghiêm trọng thì có thể chịu hình phạt tử hình. Nhưng nếu ngày phạm tội chỉ sớm hơn một ngày thì mức án sẽ khác. Ví như tối ngày 17 tuổi 11 tháng 29 ngày phạm tội, hình phạt là 18 năm trở xuống, nhưng chỉ qua một đêm ngủ dậy thì trong suy nghĩ và hành động không có bước nhảy vọt để họ khác hẳn hôm qua, kể cả thể chất tinh thần vẫn của hôm qua, khi phạm tội lại có thể chịu hình phạt cao nhất là tử hình. Và đương nhiên, không có sự đột biến phát triển tâm sinh lý nào diễn ra trong một đêm ấy hết. Bản thân tôi ủng hộ đề án nhưng còn nhiều vấn đề về hệ thống pháp lý cần phải giải quyết, một trong những việc đó là nên chia mức án theo độ tuổi giữa từ tuổi 18 tròn đến 20 với mức án tối đa là chung thân chứ không nên là tử hình như hiện nay”.

Cướp giật ba vụ bị phạt 4 năm 6 tháng tù

uPZYXkm2.jpgPhóng to

Trong ảnh là hai bị cáo T.T.N.P. (16 tuổi, ngụ quận 8) và N.T.N.T. (14 tuổi, ngụ quận 10, TP.HCM) tại phiên tòa phúc thẩm TAND TP.HCM. Vào tháng 3-2012, P. mượn xe của mẹ rủ T. đi cướp đồ của một học sinh trên đường Phạm Thế Hiển, quận 8. Giá trị tài sản cướp giật được định giá là 300.000 đồng. Ngoài ra, trong lời khai tại cơ quan điều tra, P. và T. còn khai nhận thực hiện một vụ cướp và một vụ cướp giật tài sản khác.

Trong phiên xét xử phúc thẩm, hội đồng xét xử đã tuyên P. 4 năm 6 tháng tù, T. còn 1 năm 10 ngày tù (trước đó TAND quận 8 đã tuyên phạt P. 6 năm 6 tháng tù, T. 2 năm 6 tháng tù).

Tổ chức phiên tòa như cuộc chuyện trò

Tham quan nhiều mô hình tòa án cho người chưa thành niên ở các quốc gia trên thế giới, thẩm phán Vũ Phi Long nói không khí trang nghiêm của các phiên tòa, sự nghiêm nghị của hội đồng xét xử cũng có thể khiến những người chưa thành niên bị ảnh hưởng tâm lý.

Ông Long cho biết ông đã quan sát một phiên tòa xét xử người chưa thành niên ở Philippines, hội đồng xét xử, cán bộ xã hội, người phạm tội và gia đình cùng ngồi với nhau, chuyện trò để người chưa thành niên tự nhận ra lỗi, vi phạm pháp luật của mình. Thẩm phán sẽ đưa ra các mức án để người chưa thành niên tự nhận hình phạt. Cha mẹ, gia đình và người thân của người chưa thành niên phạm tội cũng được tham gia phiên tòa như một buổi chuyện trò. Mục đích cuối cùng của thẩm phán là để người chưa thành niên nhận ra những hành vi sai trái của mình nhằm sửa chữa lỗi lầm và trở thành người tốt.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên