Lan là một người tôi quen biết, chuyên viên content kiêm biên kịch, thường cộng tác với một số công ty truyền thông và các đạo diễn TVC, viral clip.
Vài năm trước, Lan gửi con về quê cho ông bà chăm dưỡng. Cuộc sống ở quê giúp các con lớn lên khỏe mạnh. Vóc dáng đứa nào cũng cao dong dỏng, làn da rám nắng, khỏe khoắn. Tuy nhiên, chỉ là hai đứa nhỏ nhưng mỗi lần xuất hiện ở đâu là gây xôn xao, náo loạn đến đó.
Lan nói trẻ con hồn nhiên mà. Sống ở dưới quê, quen với sông nước, ruộng vườn, các con phải ăn to nói lớn. Ở quê nhiều người vẫn thế. Từ từ Lan sẽ dạy các con ứng xử sao cho lịch sự và nề nếp.
Mẹ mất "job" vì con ồn ào
Với lý do không có ai chăm, đi đâu Lan cũng đưa con theo. Hai đứa trẻ được mẹ kéo đi muôn nơi. Khi họp mặt bạn bè. Lúc đi thư giãn, cà phê nơi đầu phố. Vào quán, ba mẹ con Lan chiếm trọn ba ghế. Nhiều lúc bạn bè thấy bối rối, không biết nên nói với nhau những vấn đề gì khi có các con nhỏ ở bên.
Đã vậy, các con trong độ tuổi mê ăn thích uống. Mỗi lần xem thực đơn, các con chọn món reo ầm ĩ lên. Bạn bè lắc đầu ngán ngại. Lan tỉnh bơ bảo kêu món, rồi mấy đứa nhỏ thế nào cũng đi lòng vòng trong quán chơi, lúc đó tha hồ chia sẻ và bàn việc riêng.
Đứa 7 tuổi, đứa 9 tuổi, ăn uống không quá lắm chuyện nhưng độ lí lắc, chạy nhảy, phá phách trong quán chắc không ai bằng. Quán có cầu thang và chiếc hồ cá nho nhỏ, nhân viên nhìn nhau ngán ngại, tỏ ý nhắc nhở Lan trông chừng kẻo nguy hiểm. Cô vẫn thản nhiên nói không sao đâu. Bạn bè, đồng nghiệp ngồi tâm sự, bàn chuyện mà lòng cảm thấy bất an.
Chuyện chưa quá đến mức cảnh báo cấp độ đỏ, cho đến khi cô tiếp tục đưa con đến những buổi tập trung "brainstorm", hoặc bàn kế hoạch làm TVC, viral clip. Bạn bè, đối tác khéo léo sắp xếp cho các con không được vào phòng hay khu vực họp bàn, chỉ chơi quanh quẩn bên ngoài. Nhưng chưa có buổi họp nào ê kíp không bị làm phiền.
Khi thì các con chạy đuổi nhau rầm rập, lúc lại hét toáng tranh nhau iPad để chơi game. Đã vậy, họp bàn dự án mà chốc chốc Lan lại phân tâm do liếc mắt nhìn xem các con đang làm gì, ở đâu. Những khi các con ồn ào quá, Lan lại phải bỏ đi ra ngoài để la mắng, dạy dỗ, không khí xung quanh rất mệt mỏi.
Từ ngày Lan đưa các con theo trên từng cây số, bạn bè ngại hẹn Lan ra quán cà phê, uống nước hơn. Các buổi "brainstorm" dần dà vắng bóng Lan do mọi người không muốn bị ảnh hưởng, phân tâm. Lan mất "job" cũng chỉ vì để con ồn ào và thiếu sự tinh tế.
Mệt mỏi tìm cách đối phó
Khang - một hướng dẫn viên du lịch - cho biết anh cũng rất hay căng thẳng khi tiếp khách đoàn kiểu gia đình có nhiều trẻ con. Mỗi khi tham quan bảo tàng, thư viện hay chùa chiền, anh hay dặn khéo các bố mẹ nhưng cũng không thể tránh khỏi những tình huống dở khóc dở cười, như trẻ con mang dép người đi lễ tráo đổi, giấu giày dép hoặc chạy nhảy, ồn ào chốn trang nghiêm.
Sợ nhất là các con vô tình va vấp làm đổ bể đồ đạc, hiện vật.
Đáng kể, có một số bố mẹ bênh con vô tội vạ, sẵn sàng mắng mỏ người hướng dẫn khi thấy các con bị nhắc nhở nhiều hoặc ngăn cản chạy nhảy. "Các ông bố bà mẹ cứ nói để tụi nó tự nhiên đi, đổ bể họ đền", Khang ngán ngẩm.
Dạy con kỹ năng ứng xử, có khó không?
Theo các chuyên gia, trẻ con không khó để dạy dỗ và uốn nắn như nhiều bố mẹ vẫn nghĩ. Vấn đề là bố mẹ phải làm gương, gia đình phải chỉnh đốn lối sống, cách ứng xử văn minh nơi công cộng đã.
Thực tế cho thấy những người ở miền quê ruộng đồng thường ăn to nói lớn hơn người thị thành. Thời mới lên thành phố sống, có lần nửa đêm tôi bị chủ nhà gõ cửa phòng mắng vốn. Lý do đơn giản là cô em út mới dưới quê lên nửa đêm đi tắm giặt, tiếng chà quần áo, giội nước ào ào vô tình gây tiếng động và phiền đến cô chủ.
Sau đó, chủ nhà còn mắng vốn tiếp chuyện cô em nói chuyện điện thoại, trò chuyện với bạn bè quá to, dù phòng tôi và phòng của chủ nhà cách nhau 1 căn phòng của người trọ thuê khác.
Tôi xác nhận ở quê bố mẹ ít khi nhắc nhở điều này và dặn, dạy lại cô em gái khi đến nơi khác sống, nhất là giữa thị thành nhà trọ đông đúc, người ở sát người.
Bên cạnh đó, một số cặp vợ chồng cũng hay ăn to nói lớn hoặc cãi vã to tiếng, dù chuyện to hay việc nhỏ. Điều này tích tụ lâu ngày khiến con cái học theo. Chúng nói năng rất to, hỗn hào hoặc sẵn sàng lên gân cãi nhau khi gặp chuyện bất bình.
Để dạy trẻ nhỏ sống văn minh, biết tôn trọng không gian riêng tư và ứng xử đúng mực nơi công cộng, tôi nghĩ bố mẹ cần giải thích cho các con hiểu lý do vì sao nên ứng xử thế này, không được làm như thế kia.
Mỗi lần các con sai, hãy khéo léo phân tích và giải thích. Có thể hỏi các con cảm giác khi con đang học bài hay làm gì đó, bạn bè làm phiền hay đến phá, con có cảm thấy thoải mái không?
Nên dạy cho con biết im lặng khi đến các nơi công cộng như thư viện, bệnh viện, bảo tàng, vào quán ăn, nhà hàng, thậm chí là giữ trật tự khi ra vào thang máy. Những dạy dỗ ứng xử từ nhỏ sẽ giúp các con hình thành và rèn được thói quen tốt.
Ngoài ra, khi dạy dỗ con cái, tôi nghĩ bố mẹ không nên "tăng volume" hoặc cố la hét to để át tiếng con, khiến mọi thứ trở nên trầm trọng hơn. Đặc biệt, nên dạy con từ trong nhà. Đừng đợi lúc con ra cửa, đến không gian chung, công cộng rồi mới trổ tài dạy dỗ.
Bạn có phiền khi trẻ con quá ồn ào, chạy nhảy thả ga ở nơi công cộng? Bạn sẽ để mặc con cái tự do thể hiện tại nơi công cộng? Có nên dạy trẻ thật nhiều kỹ năng ứng xử? Mời bạn chia sẻ ý kiến về email tto@tuoitre.com.vn. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận