17/08/2017 21:05 GMT+7

​Còn nhiều ổ lăng quăng, sốt xuất huyết Hà Nội chưa giảm

Q.LIÊN
Q.LIÊN

TTO - Sở Y tế Hà Nội cho rằng việc phun thuốc diệt muỗi đã đạt hiệu quả, nhưng việc diệt lăng quăng chưa triệt để khiến dịch sốt xuất huyết vẫn diễn biến phức tạp.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ đạo phải Phải ráo riết, triệt để thực hiện các biện pháp diệt bọ gậy, diệt muỗi - Ảnh: PHƯƠNG CHINH

Chiều muộn 17-8, Bộ Y tế đã họp khẩn với Sở Y tế Hà Nội nhằm đánh giá kết quả hoạt động một tuần sau khi triển khai các phương án đồng loạt phòng chống sốt xuất huyết.

Mới chỉ đạt 86 - 90%

Sở Y tế Hà Nội cho biết số ca mắc SXH trong hai tuần gần đây có dấu hiệu chững lại, số ca mắc tuần này là 3.440 ca so vớ số 3.447 ca tuần trước. Kết quả giám sát hoạt động sau phun thuốc diệt muỗi cho thấy các chỉ số mật độ muỗi giảm mạnh, có nơi giảm còn bằng 0.

Tuy nhiên, việc diệt lăng quăng chưa đạt được hiệu quả tối đa, mới chỉ đạt 86 - 90%. Theo Sở Y tế Hà Nội là do thực hiện phun muộn (sau 48 giờ) từ khi phát hiện ổ dịch.

Các đội xung kích diệt lăng quăng đã phun thuốc đúng kỹ thuật nhưng chưa triệt để, còn bỏ sót ổ lăng quăng tạm thời trong nhà và trên nóc tầng thượng của khu tập thể (vỏ bình nhựa, thùng xốp chứa nước tưới rau...)

Trong tuần qua, Bộ Y tế chỉ đạo Viện Vệ sinh Dịch tễ TƯ, Viện Sốt rét và Kí sinh trùng TƯ hỗ trợ Hà Nội 6 đội xung kích ứng phó khẩn cấp dịch SXH.

Hà Nội cũng mua thêm 10 máy phun mù nhiệt và đặt thêm 8 máy phun mù nhiệt, cùng với 180 máy phun hóa chất đeo vai, 25 máy phun ôtô công suất lớn (trong đó có 22 máy mượn từ các tỉnh xung quanh), để tiếp tục phun thuốc diệt muỗi trưởng thành trên diện rộng.

Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo ngành y tế Hà Nội tập trung công tác vệ sinh, diệt lăng quăng, diệt muỗi.

"Phải ráo riết, triệt để thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, diệt muỗi tổng thể như những ngày vừa qua thì tình hình dịch SXH mới có thể hạ nhiệt", Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói tại cuộc họp.

Sớm nhất 2 tuần nữa?

Tại Hà Nội, bắt đầu xuất hiện nhiều ca SXH vào tháng 4, đến giữa tháng 5 đã có người tử vong. Tình hình SXH leo thang căng thẳng nhất là từ khoảng một tháng qua. Nhiều gia đình bị SXH tập thể. Trên thực tế số ca mắc vẫn tăng lên từng ngày.

Lúc này, nhiều người dân lo SXH tìm mọi biện pháp chống chọi với dịch bằng cách vệ sinh, mắc mùng khi ngủ, tự phun thuốc diệt muỗi... nhưng vẫn bất an sợ có thể bị SXH từ muỗi nhà hàng xóm do không có biện pháp tổng thể.

Cách đây ba tuần, tại một số nơi hình ảnh cán bộ phun thuốc diệt muỗi, cầm bịch cá đứng ngoài hỏi cho có hoặc phun thuốc qua loa rất phổ biến trong thời gian này. Thậm chí, có nhiều trường hợp phản ánh, báo cáo y tế địa phương xử lý ổ dịch SXH sau khi có nhiều trường hợp SXH trên địa bàn thì mãi không thấy ai xuống xử lý.

Nhiều người dân nóng ruột với những ca SXH xung quanh đã báo cáo địa phương, xin phun thuốc diệt muỗi dự phòng nhưng không đáp ứng. Có trường hợp cán bộ y tế còn cho biết phải có giấy xác nhận của bệnh viện là SXH mới xử lý ổ dịch...

Tại buổi họp khẩn về ứng phó với dịch SXH ở Hà Nội vào cuối tuần qua, bộ trưởng Bộ Y tế chất vấn gay gắt ngành y tế Hà Nội: tại sao để dịch kéo dài, tại sao đã áp dụng tất cả các biện pháp mà số ca SXH vẫn tăng?... Câu trả lời rõ ràng là ngành y tế Hà Nội có hô hào quyết liệt nhưng chưa thực sự rốt ráo suốt thời gian qua.

Theo tính toán, nếu áp dụng tất cả biện pháp tổng lực để diệt muỗi, lăng quăng như Hà Nội đang làm những ngày vừa qua thì sớm nhất hai tuần nữa tình hình SXH mới hạ nhiệt. Nhưng lại thêm một mối lo khi tháng 9 đến tháng 11 hằng năm mới là thời điểm SXH lên đỉnh điểm, diễn biến phức tạp nhất, khi có sinh viên nhập học đông đảo.

Q.LIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên