Theo ông Lượng, người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan chưa nắm rõ hoặc chưa am hiểu về lĩnh vực báo chí lại chưa được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nên còn nhiều lúng túng, e dè, thậm chí né tránh trong việc cung cấp thông tin cho báo chí.
“Nhiều cơ quan báo chí phản ánh dù thông tin không thuộc diện cấm nhưng nhiều người phát ngôn và người được ủy quyền phát ngôn vẫn gây khó dễ cho phóng viên tác nghiệp như chỉ đồng ý làm việc khi phóng viên đủ ba điều kiện là có thẻ nhà báo, giấy giới thiệu của cơ quan và có công văn đặt lịch làm việc và đã được xếp lịch. Thậm chí ở một số đơn vị, ngoài các yêu cầu trên còn đề nghị phải có danh sách câu hỏi gửi đến từ trước. Đặc biệt, có nơi mặc dù đã được cơ quan báo chí gửi công văn đến nhưng cũng không có công văn phản hồi” - ông Lượng nói.
Ông Lượng cũng cho biết một số địa phương có tâm lý ngại tiếp xúc hoặc trả lời những vấn đề liên quan đến địa phương mình, không riêng những vấn đề liên quan đến tiêu cực, yếu kém mà cả những vấn đề thông tin như xây dựng và phát triển kinh tế, đời sống của người dân... Đối với các vụ việc tiêu cực, vi phạm, việc tiếp cận càng khó khăn hơn, các cơ quan liên quan thường tìm cách né tránh, khất lần.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Đức Hải, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, cho rằng các đơn vị, địa phương cần có đầu mối cụ thể, người phát ngôn cung cấp thông tin cho báo chí, tránh trường hợp phóng viên phải chạy lòng vòng tìm người phát ngôn mỗi khi có sự việc, vấn đề xảy ra ở các cơ quan, đơn vị. Ông Hải cũng dẫn chứng vụ cháy chợ Quảng Ngãi là một sự kiện điển hình mà báo chí được cung cấp thông tin rất kịp thời, cháy chợ buổi sáng là buổi chiều tỉnh đã tổ chức họp báo.
Đồng quan điểm với ông Hải, đại diện Đài truyền hình VN cho rằng hiện đội ngũ người phát ngôn của nhiều cơ quan chưa chuyên nghiệp, chưa thực hiện tốt chức năng của mình và mức độ thực hiện nghiêm túc quy chế phát ngôn giảm dần từ trung ương đến cơ sở. Đồng thời người phát ngôn hiện nay cũng chịu sức ép, trách nhiệm từ cơ quan quản lý nhà nước, từ thủ trưởng đơn vị trong việc trả lời một vấn đề gì cho báo chí.
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Đỗ Quý Doãn, thứ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông, đề xuất trong thời gian tới các bộ ngành, địa phương căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của mình có thể thành lập phòng hoặc bộ phận giúp việc cho người phát ngôn, đồng thời có người thay thế người phát ngôn để cung cấp cho báo chí khi người phát ngôn bận hoặc đi công tác xa. Việc cung cấp thông tin cho báo chí phải đảm bảo tính kịp thời, chính xác, đầy đủ, toàn diện, tránh hiện tượng “nói một chiều” chỉ có lợi cho cơ quan đơn vị cung cấp thông tin.
Ngoài ra, theo ông Doãn, sắp tới sẽ trình Chính phủ sửa đổi một số quy định trong quy chế người phát ngôn như: quy định cụ thể về chế tài đối với người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí khi không thực hiện cung cấp thông tin và không thực hiện trách nhiệm của người phát ngôn theo quy định; điều chỉnh thời gian cung cấp thông tin trong trường hợp đột xuất, trường hợp cần ngay ý kiến ban đầu của cơ quan hành chính thì người phát ngôn có trách nhiệm chủ động phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí thời gian chậm nhất là 1 ngày để kịp thời định hướng và cảnh báo xã hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận