Nghệ sĩ Thanh Nga - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH
Khi vụ án khủng khiếp đó xảy ra, tôi mới hơn 5 tuổi. Hồi trước, mỗi lần nghĩ đến ngày đó tôi đau đớn lắm, nhưng chừng năm năm trở lại đây, có lẽ ở cái tuổi già dặn của đời người, tôi trầm tĩnh hơn: Ai cũng sẽ tới lúc không còn tồn tại trên cõi đời - chỉ khác là sớm hoặc muộn
Nghệ sĩ HÀ LINH (con trai cố NSƯT Thanh Nga và ông Phạm Duy Lân)
Trưa chủ nhật 2-12, NSƯT Hữu Châu và Hà Linh (con trai cố nghệ sĩ Thanh Nga và ông Phạm Duy Lân) cùng gia đình sẽ tổ chức buổi gặp gỡ thân mật để kỷ niệm 40 năm ngày giỗ của vợ chồng cố nghệ sĩ Thanh Nga.
"Má Thanh Nga đâu có mất đi!"
Cách đây 10 năm, NSƯT Hữu Châu và gia đình từng tổ chức kỷ niệm giỗ lần thứ 30 của vợ chồng cố nghệ sĩ Thanh Nga. "Chú Sáu tôi (NSƯT Bảo Quốc - PV) hiện ở bên Mỹ, tuổi đã cao không tiện về, nên tổ chức một buổi giỗ cho má Ba (Hữu Châu gọi nghệ sĩ Thanh Nga là má Ba) bên đó. Vì vậy tôi đã xin phép chú được tổ chức buổi kỷ niệm bên này. Hà Linh em tôi còn trẻ, tôi là anh lớn nhất trong nhà nên đứng ra cùng em nó tổ chức buổi lễ cho chu đáo" - nghệ sĩ Hữu Châu cho hay.
Anh em Hữu Châu - Hà Linh đã lên kế hoạch rất lâu cho lần giỗ này. Dự kiến sẽ là buổi họp mặt ấm áp với khoảng 100 khách mời, phần lớn là các nghệ sĩ từng hát chung đoàn Thanh Minh với nghệ sĩ Thanh Nga, những đồng nghiệp thân thương như NSND Kim Cương, NSND Bạch Tuyết, NSND Lệ Thủy, NSND Ngọc Giàu, NSƯT Hùng Minh, Mộng Tuyền, Hà Mỹ Xuân, Kiều Mai Lý, Quốc Nhĩ, Thanh Nguyệt…
Thanh Nga là thần tượng của nhiều thế hệ nghệ sĩ và khán giả yêu sân khấu - Ảnh tư liệu gia đình
Với cá nhân Hữu Châu, ngày kỷ niệm lần này có đặc biệt hơn buổi lễ 10 năm về trước. "Tâm nguyện của tôi là muốn trả ơn cô mình. Hồi nhỏ tôi mê và thần tượng cô lắm! Đêm nào cũng ôm cánh gà coi cô diễn mà không chán. Khi má Ba mất, tôi chừng 13 tuổi, 16 tuổi tôi thi vô trường sân khấu - điện ảnh và nhất quyết bằng mọi cách phải nối nghiệp má, nối nghiệp gia đình. Tổ chức buổi giỗ này cũng như là cuộc gặp gỡ các cô chú cùng thời với má Ba. Mọi người đã cao tuổi, 10 năm trước còn có ông Ba Xây (đóng vai cụ Đô Trinh, vở Tiếng trống Mê Linh), lần này ông đã không còn nữa, nếu chần chừ không tổ chức biết ai còn ai mất...".
Nghệ sĩ Hữu Châu cũng trầm ngâm tiếp lời: "Điều quý giá là dù má không còn nhưng tình thương của khán giả, của mọi người dành cho má vẫn đầy ắp. Mỗi năm đến ngày giỗ má, khán giả vẫn đến viếng và đặt hoa. Với gia đình chúng tôi, như vậy nghĩa là má Thanh Nga đâu có mất đi".
Nghệ sĩ Thanh Nga
Còn mãi tình yêu với nữ hoàng sân khấu
Mỗi mùa giỗ tổ, ở sân khấu Hồng Vân luôn có một nơi trang trọng đặt di ảnh của NSƯT Thanh Nga. Hỏi ra mới biết NSND Hồng Vân đã trân quý và thờ thần tượng của mình từ năm… lớp 6!
Hồi đó, cô bé Hồng Vân xem truyền hình và mê mệt bởi sức hút của nữ hoàng sân khấu Thanh Nga, từ vở Tiếng trống Mê Linh, Nửa đời hương phấn đến Bên cầu dệt lụa. Nhà gần rạp Cao Đồng Hưng nhưng vì gia đình khó khăn, cô bé Hồng Vân phải nhịn ăn sáng mãi mới đủ tiền mua một chiếc vé xem thần tượng của mình diễn trên sân khấu vở Thái hậu Dương Vân Nga ngay đêm 26-11-1978.
Lần đầu tiên được xem thần tượng trên sân khấu là ký ức khó quên của Hồng Vân. Sân khấu đối với cô như cổ tích. "Cảm giác với tôi lúc đó như được coi tiên biểu diễn chứ không phải người thường!" - Hồng Vân bồi hồi nhớ lại. Cô bé đâu biết rằng chỉ vãn hát chừng 30 phút, vợ chồng thần tượng của cô đã gặp tai họa khủng khiếp.
Những ngày đó, linh cữu vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga được quàn tại số 81 Trần Quốc Thảo, đoàn người xếp hàng đi viếng kéo dài tới tận hồ Con Rùa. Hồng Vân và cô bạn 3 ngày liền xếp hàng nhưng đến nơi là hết giờ viếng, vì vậy ước nguyện thắp nén nhang cho thần tượng đã không thành.
Sau khi Thanh Nga mất, cô bé Hồng Vân cẩn thận cắt hình nữ hoàng sân khấu từ bìa tạp chí cũ rồi xin ba mẹ cho phép được thờ thần tượng. Từ đó cho đến ngày trưởng thành, lập sân khấu riêng, khu vực thiêng liêng của sân khấu luôn được bà bầu đặt trang trọng hình ảnh của NSƯT Thanh Nga.
Ảnh tư liệu gia đình
Bằng tài năng và sắc đẹp của mình, nghệ sĩ Thanh Nga đã sống mãi trong lòng công chúng. Bà Nguyễn Mai Lan (53 tuổi, nhà ở quận 11, TP.HCM) là một trong những khán giả như thế. Bà kể hồi mười mấy tuổi, nhà ở gần rạp Hào Huê nên có điều kiện xem Thanh Nga diễn nhiều vở tuồng, mê mệt thần thái, cách biểu diễn chân thật làm lay động trái tim người mộ điệu cải lương của thần tượng.
Ảnh tư liệu gia đình
Ngày Thanh Nga mất, bà khóc mấy ngày liền. Sau này, đại gia đình Thanh Minh - Thanh Nga tổ chức chương trình gì bà cũng đi xem. Mỗi năm đến ngày giỗ, sinh nhật Thanh Nga, bà đều nấu món thần tượng thích, đến chùa Nghệ Sĩ dâng hoa, thắp nhang. Rồi bà có cơ hội làm quen với Hà Linh - con trai Thanh Nga, cô Chín Mai, chú Út Tiên (em ruột cố nghệ sĩ Thanh Nga)…, trở thành khán giả thân thương của gia đình.
"Đâu có phải mình tui mê cô Thanh Nga, quá trời khán giả mê cổ. Có lần nhân sinh nhật, tôi lên mộ thắp nhang, thấy có một nhóm em trẻ lắm chừng hai mấy hà, em nào cũng mặc áo in hình cô Thanh Nga. Cô Thanh Nga mất mấy đứa nhỏ còn chưa ra đời nữa mà, tụi nó nói coi đĩa nghe cô hát, coi cô diễn rồi bị cuốn hút, coi cổ như thần tượng luôn" - bà Lan chia sẻ trong dòng hồi ức không phai về thần tượng một thời.
Viết tên Thanh Nga bằng hoa hồng
Trong buổi kỷ niệm giỗ 40 năm vợ chồng cố nghệ sĩ Thanh Nga, gia đình cho biết sẽ không nhận quà cáp, chỉ mong đón nhận tấm lòng của mọi người. Đạo diễn Trần Vi Mỹ đã chuẩn bị sẵn hoa hồng, mỗi quan khách yêu mến nữ hoàng sân khấu được mời cắm một nhành hoa vào khung chuẩn bị sẵn để cùng "viết" lên tên Thanh Nga bằng loài hoa mà lúc còn sống bà rất yêu thích.
Buổi gặp mặt không có chương trình biểu diễn, mọi người sẽ cùng xem lại những thước phim chừng vài chục phút về những vai diễn ghi dấu ấn của nghệ sĩ Thanh Nga.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận