Con gái thì phải...
TT - Câu chuyện của bạn Trí Minh về bình đẳng giới (“Ưu tiên phụ nữ”, Tuổi Trẻ 25-10-2009) đã nhận được 65 phản hồi của bạn đọc. Sự bình đẳng thật sự cho phụ nữ là gì? Xin đọc hai ý kiến dưới đây.
Chồng phụ vợ chuyện bếp núc vẫn còn là “chuyện lạ” ở VN - Ảnh: Gia Tiến |
>> Ưu tiên phụ nữ, chuyện... khoa học viễn tưởng?!
1. Từ nhỏ, các bé gái thường được nghe những câu dạy dỗ bắt đầu bằng “con gái thì...”. Nào là “không được ngồi rung đùi, không được kéo lê dép, không được cười ha hả, không được ngáp dài...” hay “con gái thì phải biết thêu thùa may vá, nấu ăn ngon, gọn gàng ngăn nắp”... Dẫu biết những lời dạy bảo ấy đều đúng và xuất phát từ thiện ý nhưng tôi cực kỳ dị ứng với kiểu nói “con gái thì...” ấy.
Chẳng lẽ con trai được quyền bày biện lung tung, được chơi rông, bỡn cợt ồn ã? Tại sao cả trăm thứ phép tắc chỉ dành riêng cho con gái? Tôi tự hứa nếu sau này sinh con gái, mình sẽ chẳng bao giờ mở đầu những câu dạy dỗ bằng cụm từ “con gái thì...”.
2. Trong lớp học ngoại ngữ của tôi, cô giáo người Nhật cho học viên thực hành đặt và trả lời câu hỏi dạng ai làm việc gì.
- Trong gia đình bạn, phụ nữ hay đàn ông nấu ăn?
- Ai rửa chén?
- Ai lau nhà?
- Ai đổ rác?
...
Câu trả lời chung: phụ nữ. Cô giáo vô cùng ngạc nhiên, thắc mắc đàn ông làm gì khi phụ nữ đã làm hết mọi chuyện. Học viên trả lời: đàn ông đọc báo, xem tivi, đi nhậu, uống cà phê... Cô kể ở Nhật, những việc hơi “mất vệ sinh” như đổ rác, cọ toilet... đàn ông thường làm, và người chồng chia sẻ nhiều việc nhà với vợ. Trừ khi quá bận công việc, chứ chẳng ai nằm phưỡn hưởng thụ trong khi người phụ nữ của mình tối tăm mặt mũi như vậy. Chúng tôi rất ngạc nhiên vì vẫn nghĩ phụ nữ Nhật là hình mẫu bà nội trợ phục tùng chồng.
3Tôi có cô bạn là giáo viên, duyên dáng, thông minh, xấp xỉ 30 mà chưa có người yêu. Nhiều chị đồng nghiệp giới thiệu cho cô người này người nọ nhưng cô đều từ chối. Nhưng tôi biết nguyên nhân chính là bởi những chàng trai kia luôn miệng nói: “Tôi ước ao lấy vợ cô giáo”. Bạn tôi cảm thấy bị xúc phạm nặng nề vì suy nghĩ ấy.
Cô không thấy bóng dáng của tình yêu hay sự tôn trọng nào từ tiêu chuẩn chọn vợ đó. Cô cũng thừa hiểu những người đàn ông kia nghĩ rằng giáo viên là nghề nhàn nhã nên sẽ lo lắng chu toàn chuyện cơm nước nhà cửa con cái, để họ tha hồ bay nhảy. Cô bảo những anh chàng kia có muốn lấy cô đâu, cái họ muốn lấy là... nghề của cô.
4. Khi quyển Oxford thương yêu của Dương Thụy xuất bản, nhiều cô gái mê mẩn chuyền tay nhau rồi hạ quyết tâm: phải sang Oxford học để tìm cho được chàng Fernando của đời mình. Dĩ nhiên ý định lãng mạn này mang tính bột phát và mưa nắng rất... con gái, nhưng cũng đáng cho quý anh suy nghĩ. Vì sao phải sang tận Oxford (hay Cambridge, Harvard... gì đó) để tìm chàng trai trong mơ ấy?
Xin thưa, vì Fernando là tiến sĩ kinh tế, cực kỳ tài năng, thành đạt và bận rộn, nhưng luôn có thời gian chăm chút cho người yêu từng món ăn đủ dinh dưỡng, từng buổi chạy thể dục để cô khỏe mạnh, từng bài học nghiêm khắc để cô hoàn thành chương trình học đúng hạn... Rồi khi thành vợ chồng, Fernando không để vợ phải nấu ăn, lau nhà bao giờ, anh tự tay làm tất, chỉ thỉnh thoảng nhờ cô ủi giùm cái áo để cho có vẻ là người đàn ông có gia đình, vậy thôi. Người chồng lý tưởng ấy các cô gái VN biết đào đâu ra, nên đành phải... ngóng sang trời Tây.
5. Trưa nay tôi nhìn thấy hai cô bé tuổi teen ăn mặc như con cá bảy màu, tóc tai dựng ngược, chửi nhau loạn xạ giữa đường. Tôi lầm bầm: “Con gái gì mà...”. Nói xong mới giật mình thấy mình giống y chang bà ngoại. Kiểu này thì mai mốt con gái tôi cũng được dạy dỗ y như tôi thôi.
Ai bảo chị em cứ im lặng Chúng ta còn quen quan niệm bình đẳng giới là nam giới làm được cái này thì phụ nữ cũng làm được cái kia. Đó là sai lầm. Bởi xã hội nào cũng có sự phân công vai trò xã hội nhất định. Không phải chồng đi nhậu về trễ thì vợ cũng có quyền đi spa, mua sắm qua bữa, tàn đêm là bình đẳng. Nếu suy nghĩ kiểu “ông ăn chả bà ăn nem” là tan cửa nát nhà chứ không phải bình đẳng nam nữ. Bà mẹ nào xem mắt vợ cho con cũng bảo “Đàn bà con gái học nhiều làm gì về cưỡi đầu cưỡi cổ chồng!”. Chính các cô, các bà không muốn con trai mình vào bếp, nấu bữa sáng khi vợ làm việc khuya dậy muộn, thì đến bao giờ mới có được một thế hệ phụ nữ năng động, bình đẳng với nam giới bên ngoài xã hội? Tôi nhận thấy các chị cứ im lặng khi có dấu hiệu bất bình đẳng giới, để chuyện ấy lặp đi lặp lại thành nếp, đến khi chịu không nổi mới ta thán không bình đẳng nam nữ. Thử hỏi, nếu phụ nữ tự tin mình có đủ năng lực để đảm đương những công việc như nam giới thì các chị có bị đối xử bất bình đẳng không? Trong nhiều hoàn cảnh đề bạt chức vụ cạnh tranh giữa nam và nữ, có chị nào dám nhận đi đến một nơi xa, nhận một việc phải di chuyển liên tục mà khẳng định chắc chắn với cấp trên là tôi có đủ năng lực để làm được, và làm tốt hơn đồng nghiệp nam của mình không? Trong khi đòi hỏi được bình đẳng, chị em vẫn không từ bỏ được đặc điểm giới tính của mình để giành những quyền thoạt đầu là ưu tiên, nhưng sau đó sẽ là thiệt thòi. Tôi chỉ nghĩ, chị em chỉ đang mâu thuẫn với chính mình mà thôi! BẢO TIÊU |
THI DIÊN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận