Phóng to |
Lắc vòng -Ảnh: familyfitnesszon |
Chưa lập gia đình, chưa có con mà không được lắc vòng thì giống tiêu chuẩn... “thi hoa hậu” quá! Người lớn thường sợ mấy em gái bắt chước tập lắc vòng làm bể đồ trong nhà nên mới hù lắc vòng bị chai hông, chai tử cung hay “rớt buồng trứng” hết đẻ con luôn. Bạn nào yếu bóng vía nghe hoài sẽ tưởng là thật. Mấy cơ quan này được nâng đỡ bằng nhiều dây chằng dư sức chịu các vận động mạnh như chạy, nhảy, lắc, xoay... Tập thể dục dụng cụ, tập võ còn chẳng sao huống chi là lắc vòng quá nhẹ nhàng.
Lắc vòng có thể làm bầm da do cấn vào mào xương chậu hai bên (hay gọi là xương hông), thường gặp ở người mới tập, tạng gầy, da mỏng hoặc do vòng. Các loại vòng nặng, vòng có bản to (2-3 vòng đơn ghép lại với nhau), vòng có bờ trong gợn sóng dễ gây bầm nhiều hơn nếu kỹ thuật lắc chưa tốt. Vết bầm này chỉ là tổn thương da và mô liên kết dưới da tại chỗ, sau một thời gian sẽ tái tạo phục hồi như trước. Bạn hãy thử chọn vòng bản nhỏ hơn nhưng nhớ là vòng càng nhẹ thì lắc càng mệt hơn.
Mỡ bụng, mỡ hông dày làm kém mềm dẻo, khó tập hơn chứ chẳng có lợi gì. Bụng to hình trái táo hoàn toàn không thích hợp với môn lắc vòng. Vì vậy đợi đến khi có mỡ bụng dày cui rồi mới tập sẽ không còn hiệu quả nữa.
Tập lắc vòng nhớ cách bữa ăn khoảng 2 giờ để không rối loạn tiêu hóa. Tất nhiên khi đậu thai rồi không nên tiếp tục lắc vòng. Lắc vòng tiêu hao đến 700 cal/giờ nhưng không nên tập liên tục quá 20 phút và không quá ba lần trong một ngày. Mọi chuyện khác bạn cứ yên tâm vì nếu lắc vòng bị vô sinh thì nhiều người sẽ chọn cách này để... ngừa thai!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận